Kiều bào, kiều hối và kinh tế tư nhân một khi được xem trọng
Góc bình luận - Ngày đăng : 12:09, 08/02/2019
Dân số hiện tại của Việt Nam là 97.059.311 người ( theo số liệu mới nhất từ Liên Hợp Quốc ngày 7.2.2019), hiện chiếm 1,27% dân số thế giới, và đang đứng thứ 14 trên thế giới trong bảng xếp hạng dân số các nước và vùng lãnh thổ (nguồn:https://danso.org/viet-nam/). Chúng ta hiện cũng có 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Đó chính là một tiềm năng về tài lực và vật lực vô cùng to lớn của đất nước nếu chúng ta biết khơi dậy tình yêu Tổ quốc của cộng đồng kiều bào nói trên trong bước đường xây dựng một nước Việt Nam hùng cường và luôn gắn bó máu thịt với đất nước .
Tôi cho rằng, lợi thế của đất nước Việt Nam hôm nay có một phần nào đó lại từ chính những sai lầm trong quá khứ mà đất nước chúng ta phạm phải trong những năm sau khi Việt Nam thống nhất 1975. Một làn sóng người di tản không nhỏ đã rời bỏ Tổ quốc ra đi trong sự âu lo bởi số phận mình chưa biết thế nào. Kinh tế nước nhà gặp muôn vàn khó khăn do hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh triền miên ba chục năm trường, lại cộng thêm tư duy quản lý nhà nước (trong đó có kinh tế) khá lỗi thời, bảo thủ khiến đất nước càng thêm kiệt quệ.
Khi ông Võ Văn Kiệt còn ở cương vị Chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh, ông đã khuyên can giới trí thức của chế độ cũ hãy ráng chịu đựng thêm một thời gian để chúng ta cùng nhau vượt qua khó khăn, đừng tính chuyện vượt biên, quá nguy hiểm đến mạng sống của cả gia đình mình. Nếu sau ít năm nữa mà vẫn không thành thì ông Kiệt sẽ không dám giữ và “sẽ bật đèn xanh” cho họ ra đi.
Có vị trí thức ngày đó đã nói “vỗ mặt” ông rằng, chúng tôi e rằng khi đó, người ra đi sẽ là các ông chứ không phải là chúng tôi.
Ông Kiệt thực sự đã bị sốc bởi câu nói này. Nhưng rồi, khi ông bình tâm mà ngẫm lại thì lại thấy họ nói cũng không có gì sai lắm.
Nếu lấy năm 1970 làm mốc thì trên thế giới, người Việt chúng ta chỉ có chục vạn kiều bào sinh sống. Họ thường ra đi khi Hiệp định Geneve 1954 được ký kết, cộng thêm cả vạn người ra đi theo chế độ đi phu đi lính sang các các nước thuộc địa của nước Pháp. Vậy mà hôm nay, dân tộc Việt chúng ta đã có 4,5 triệu người sinh sống tại trên một trăm nước ở toàn thế giới. Chính từ nguồn lực này mà ngay trong những năm 70 - 80 - 90 của thế kỷ trước, khi đất nước đầy gian lao, có một bộ phận không nhỏ người trong nước được người thân chu cấp nuôi gia đình với một lượng kiều hối không hề nhỏ. Đó là chưa kể, số người thành danh trong sự nghiệp chính trị và khoa học ở nước ngoài cũng rất thành công.
Và hiện nay, theo Uỷ ban Người Việt ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao, Việt Nam hiện là 1 trong 10 quốc gia có lượng kiều hối chuyển về tổ quốc nhiều nhất thế giới .
Điều này cũng đã được chính Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề cập và nhấn mạnh trong bài phát biểu của ông tại Chương trình Xuân quê hương 2019, tối 26.1 mới đây. Theo đó, năm 2018, số kiều hối của người Việt Nam ở nước ngoài gửi về nước đã lên tới gần 16 tỉ USD, tăng gấp hơn 100 lần so với năm 1993.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi kiều bào trong chương trình Xuân quê hương 2019. Ảnh: TTX VN
Nguồn lực trong dân Việt Nam ta ở nước ngoài quả thật rất lớn nếu chúng ta biết tranh thủ và khai thác nó.
Nó sẽ càng có ý nghĩa khi đất nước ta hôm nay đã không “bị” coi là quốc gia thuộc diện nghèo khó để được ưu đãi vay vốn như xưa .
Tuy nhiên, để cộng đồng người Việt chúng ta đầu tư về nước thì vẫn còn là một câu chuyện dài dù đến nay chúng ta cũng đã có khoảng 3.000 nhà đầu tư về nước là kiều bào ta ở hải ngoại .
Họ có thể là những người ra đi đã rất lâu hoặc chỉ mới vài chục năm sau khi đi du học rồi ở lại nước người. Họ nay đã thành đạt. Thậm chí trong số này vốn có cả những người từng không ưa gì chế độ trong nước hiện nay bởi quan điểm chính trị còn có khoảng cách nhất định. Song, trong tư duy của họ về làm ăn kinh tế, họ vẫn chấp nhận trở về đầu tư tại quê nhà bởi tính hấp dẫn nhất định của nó. Điều này theo tôi thật là ý nghĩa và khó có gì so được, khó có thể đổi được.
Chúng ta rất tự hào khi đã có một số nhà đầu tư “có máu mặt” người Việt, họ trở về nước đầu tư như tỷ phú đô la Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch tập đoàn Vingroup ) với chuỗi hệ thống các sản phẩm từ bất động sản cao cấp, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, bệnh viện, trường học, siêu thị, nông nghiệp sạch cho đến gần đây như sản xuất ô tô, xe máy điện, điện thoại ... ; như tỷ phú đô la Nguyễn Thị Phương Thảo với hãng Hàng không giá rẻ Vietjet Air và nhiều lĩnh vực khác; như ông Lê Viết Lam (Chủ tịch Hội đồng sáng lập Sungroup) và các cộng sự. Họ đều từ Liên Xô cũ về nước đầu tư với hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng hạng cực sang, khu vui chơi giải trí phức hợp cao cấp ở mọi miền đất nước... và gần đây đầu tư cả sân bay tư nhân đầu tiên tại Vân Đồn (Quảng Ninh)... đã mang đến một hơi thở mới, bộ mặt mới cho đất nước ở khắp các địa phương ...
Nó càng khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân hiện đang giữ vai trò động lực của nền kinh tế nước nhà mà Đảng và Nhà nước ta đã dần khẳng định thông qua thực tế . Đối với các doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, một môi trường kinh doanh ổn định, an toàn luôn là niềm mong mỏi lớn nhất để giúp họ có thể yên tâm đầu tư, cống hiến, đóng góp xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.
Theo Chủ tịch HĐQT Sun group Đặng Minh Trường thì ông đã rất tâm đắc khi nghe những giải pháp quyết liệt của người đứng đầu chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông Phúc đã truyền đi thông điệp, mong muốn gieo quyết tâm vươn ra biển lớn của các “ông lớn” tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019. Thủ tướng nhấn mạnh: “Chưa có thời điểm nào Việt Nam chứng kiến sự lớn mạnh cùng với quyết tâm “vươn ra biển lớn” của khu vực kinh tế tư nhân như 2 năm qua”.
Đặc biệt là các vấn đề cụ thể như chính sách về huy động vốn, tín dụng, đất đai, hay chủ trương cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính… là những nội dung sát sườn trong mọi hoạt động đầu tư kinh doanh. Vì lẽ đó, theo ông Đặng Minh Trường, sẽ không có lý do gì lại không dốc sức, dốc lòng để cống hiến cho đất nước...
Song, nếu nói rằng môi trường đầu tư và hệ thống pháp luật của nước nhà đã thực sự hấp dẫn các doanh nhân người Việt ở hải ngoại chưa? Tôi nghĩ rằng, nó mới chỉ là tàm tạm chứ cũng chưa phải đã là hoàn hảo, dù đã có rất nhiều cố gắng trong thời gian gần đây.
Mới đây, hồi tháng 10.2018, chúng tôi có dịp sang thăm Cộng hoà Áo. Trong bữa cơm mà ông Thai Ho (Hồ Xuân Thái ) mời tại 1 trong số 13 nhà hàng, vũ trường lớn mà ông mở tại thủ đô Vienna hôm ấy có cả sự hiện diện của Đại sứ Lê Dũng, người bạn thân của chúng tôi khi anh từng là Vụ trưởng vụ Báo chí, Bộ Ngoại giao.
Ông Thái kể rằng: “Tôi đến Áo từ năm 1990 sau khi cơ quan Tỵ nạn LHQ đưa gia đình tôi từ Hồng Kông sang. Khi ấy, với 5 không: Không biết tiếng, không nghề nghiệp, không cộng đồng do không có quan hệ, không có sức khỏe, và không có tiền, tôi đã đặt ra mục tiêu là phải cố gắng lao động và học hỏi, để người bản xứ thấy rằng người Việt ta không chịu thua kém bất kỳ dân tộc nào trên thế giới. Mình phải tự hào về dân tộc Việt, phải làm cho bạn bè quốc tế biết điều đó.
Hiện nay tôi có 10 nhà hàng, 2 vũ trường, và 1 gallery tranh và nghệ thuật sắp đặt đương đại. Tôi sử dụng tất cả khoảng 300 nhân công, tất cả là người nước ngoài. Tại các nhà hàng thì chúng tôi phục vụ rất nhiều loại đồ ăn khác nhau, gồm cả các món ăn đậm đà hương vị Châu Á.
Hệ thống nhà hàng DOTS của tôi đã mua lại tạp chí Golf Perfect Eagle của Áo, xuất bản sách nấu ăn DOTS Booking giới thiệu về văn hóa ẩm thực Việt và quốc tế.
Điều này giúp tôi đứng thứ nhất trong lĩnh vực vui chơi và dịch vụ tại Áo. Số lượng khách mà taxi chở đến các trung tâm của tôi là nhiều thứ tư của cả thủ đô. Ở Vienna có 5 tụ điểm mà taxi chuyên chở khách đến nhiều nhất, bao gồm sân bay và nhà ga(1), viện bảo tàng(2), nhà hát opera(3), các trung tâm của tôi(4), và các bệnh viện(5).
Năm 2013, DOTS được trao Giải nhất Oscar Austria trong ngành dịch vụ, nhà hàng nhân dịp 25 năm nước Áo đổi mới. Năm vừa rồi tôi đứng thứ nhì vì tôi bị thua mất 3 điểm so với doanh nghiệp giải nhất (558 điểm). Tổng số doanh nghiệp tham gia giải lần này là 102”.
Tôi được biết, hiện ông Thái cũng là doanh nhân người Việt giàu nhất sống trên đất Áo. Được sống và làm việc tại một quốc gia được xem là nơi đáng sống nhất thế giới đã khiến ông còn phải tính toán thêm trước khi quyết định đầu tư về nước nhà có ổn không, khi mà môi trường trong nước cũng còn nhiều chuyện.
Ông bảo rằng: “Ở Áo, chúng tôi làm ăn dễ vì hệ thống pháp lý của họ rất rõ ràng. Nếu như mình không sai pháp luật thì thoải mái mà làm, không ai làm khó dễ mình. Hệ thống nhà hàng của mình khi có tiếng lên là khách đến nườm nượp. Ở Việt Nam mình sợ nhất khi làm ăn không biết được cái nào đúng, cái nào sai. Ví như ở Việt Nam người ta tuy cũng nói cái gì pháp luật không cấm thì được phép làm. Thế nhưng, trong thực tế lại không phải như vậy...”.
Chúng tôi được Đại sứ Lê Dũng “bật mí”, con trai ông Thái là Matin Ho (sinh năm 1986). Cậu ta cùng tuổi với Thủ tướng Áo Sebastian Kurz hiện nay và cũng là bạn thân của vị thủ tướng này. Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang Áo, gia đình ông Thái cũng có mặt trong buổi tiếp tại Dinh Thủ tướng Áo và được đích thân Thủ tướng Áo giới thiệu họ với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, xem như một hình mẫu của người Việt thành đạt bên nước họ.
Hy vọng rồi đây, những doanh nhân người Việt tại hải ngoại sẽ tự tin hơn khi trở về tổ quốc mình đầu tư mà khỏi lăn tăn như trường hợp ông Thai Ho nói trên đã trải lòng với chúng tôi . Để có được môi trường đầu tư hấp dẫn thật sự, tôi nghĩ quả là không thật dễ dàng, nhưng cũng không quá khó. Bởi lẽ một khi đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước của chúng ta đã nhất quán và thực sự cởi mở. Nếu thành công, tôi tin rằng lượng kiều hối đổ về quê hương của người Việt ở nước ngoài còn rất tiềm năng .
Quốc Phong