Sai lầm của kỹ sư khiến hồ nước biến mất trong tích tắc
Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 10:55, 19/11/2020
Peigneur là một hồ nước mặn nhỏ và nông ở ngoài khơi vịnh Vermilion, phía nam Louisiana. Vào một buổi sáng của tháng 11.1980, hồ nước đã bất ngờ biến mất trong khoảng thời gian ngắn trước khi trở thành hồ sâu nhất bang Louisiana.
Theo đó, vào ngày 20.11.1980, một đội kỹ sư đã bắt đầu khoan thăm dò dầu theo hợp đồng với Texaco. Họ có lẽ nghĩ đây là một ngày làm việc bình thường hoặc chỉ quan tâm độ chính xác khi chọn địa điểm khoan dầu. Khi bắt đầu khoan, đội kỹ sư đã nhanh chóng gặp phải vấn đề. Mũi khoan của họ dường như bị kẹt. Tuy nhiên, đó chỉ là một vấn đề nhỏ khi toàn bộ hồ nước bất ngờ biến mất trước mắt họ cùng với giàn khoan, vài chiếc thuyền và một hòn đảo nhỏ.
Bên dưới hồ là một mỏ muối đã tồn tại hơn 100 năm. Đội kỹ sư nghĩ rằng họ đang ở xa khu mỏ, nhưng khi họ cố gắng rút mũi khoan, giàn khoan bắt đầu nghiêng một thời gian trước khi biến mất. Cả đội đã nhanh chóng chạy lên bờ và chứng kiến giàn khoan 46 mét chìm vào lòng hồ nước sâu 3 mét.
Một số sà lan gần đó cũng biến mất vào xoáy nước khổng lồ trong khi miệng hố tiếp tục lớn dần. Trong khi đó, thợ mỏ ở hầm bắt đầu sơ tán do hầm chứa đầy nước. Rất may, các thợ mỏ cũng thoát ra kịp thời và quan sát thấy một phần của hòn đảo gần đó sụt xuống hố với lực đủ mạnh để làm nước bắn cao 122 mét từ miệng hầm.
Hồ Peigneur từng đổ vào vịnh Vermillion thông qua kênh đào Delcambre, nhưng dòng chảy đã đảo chiều khi hồ cạn kiệt và nước từ vịnh chảy ngược vào, tạm thời tạo ra một thác nước cao 50 mét lấp đầy phần hố mới được tạo ra, biến nó trở thành hồ lớn nhất ở Louisiana.
Video về sự cố xảy ra với hồ Peigneur vào năm 1980
Texaco đã trả 32 triệu USD cho công ty Diamond Crystal Salt trong một cuộc dàn xếp ngoài tòa án để đền bù tổn thất với hầm mỏ. Ngoài ra, công ty này cũng phải trả 12,8 triệu USD cho Hiệp hội Live Oak Gardens và Live Oak Gardens Ltd.
Vậy, tai nạn này xảy ra như thế nào? Kỹ sư phụ trách dự án cho rằng bản đồ đang dùng dựa trên hệ tọa độ Mercator, nhưng thực chất bản đồ dùng hệ tọa độ Universal Transverse Mercator. Việc hiển thị vật thể 3D trên bản đồ 2D luôn có một số vấn đề. Bất kể bản đồ có chính xác đến mức nào, một số khu vực vẫn bị kéo giãn, bóp méo hoặc các phần khác của bản đồ bị mất hoàn toàn.
Bản đồ mà chúng ta quen thuộc dựa trên phép chiếu Mercator do chuyên gia vẽ bản đồ Gerardus Mercator tạo ra vào năm 1569. Đó là phép chiếu bản đồ hình trụ, trong đó quả địa cầu được đặt vào một hình trụ, sau đó chiếu từng điểm của bản đồ lên một điểm tương ứng trên hình trụ đó. Các đường kinh tuyến được ánh xạ thành các đường thẳng đứng cách đều nhau trên bản đồ và các vòng tròn vĩ tuyến là các đường nằm ngang cách đều nhau.
Cả hai bản đồ gây ra lỗi đều dựa trên phép chiếu Mercator, nhưng trong hệ tọa độ Universal Transverse Mercator, thế giới được chia thành 60 mặt phẳng và sử dụng nhiều phép chiếu cục bộ hơn, dẫn đến bản đồ chính xác hơn trên quy mô địa phương. Do nhầm lẫn của kỹ sư, các kỹ sư khoan dầu tới sai địa điểm và cuối cùng khiến cả hồ nước biến mất.
Trường hợp này cũng giống như lần tàu thăm dò khí hậu sao Hỏa (Mars Climate Orbiter) của NASA bốc cháy trong phần khí quyển sao Hỏa mà lẽ ra nó không được đi vào. Nguyên nhân là một nhóm kỹ sư đã sử dụng sai hệ thống đo lường khi dùng đơn vị pound và feet thay vì dùng metric.