Thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư: Cần cho người dân quyền lựa chọn
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 15:55, 18/11/2020
Thu phí cao tốc là một trong những nội dung đáng chú ý nằm trong dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) được đưa ra thảo luận tại Quốc hội.
Theo quy hoạch, hiện có hơn 6.400 km đường cao tốc nhưng thực tế đến 2023 mới đưa vào hoạt động 2.000 km.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng việc quy hoạch 6.400 km cao tốc đã lạc hậu rồi, bởi tất cả địa phương muốn thu hút đầu tư cần phải có đường cao tốc để kết nối. Theo nghiên cứu của Bộ GTVT, quy hoạch sắp tới có thể lên đến 10.000 km đường cao tốc.
Do ngân sách vốn hạn hẹp, tư lệnh ngành giao thông cho rằng chủ trương của Chính phủ khi đưa vào luật quy định về thu phí trên đường cao tốc là nhằm có tiền đầu tư. “Đây là dịch vụ chất lượng cao, nhân dân có thể lựa chọn đường cao tốc hoặc quốc lộ”, ông Thể giải thích.
Nguyên tắc thu phí đường cao tốc được Bộ GTVT xác định là chỉ thu phí đối với tuyến cao tốc nối 2 điểm mà có đường quốc lộ song hành để người dân có quyền lựa chọn. Việc thu phí thực hiện tại trạm thu phí trên cao tốc với mức phù hợp với chất lượng dịch vụ và khả năng chi trả của người sử dụng.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (chuyên gia tài chính) cho rằng đề xuất thu phí cao tốc là một trong những vấn đề cần xem xét kỹ lưỡng. Về mặt luật pháp, đầu tư công là do ngân sách nhà nước đầu tư và sẽ không thu phí, vì người dân đã đóng thuế rồi. Do đó, nếu muốn thực hiện việc thu phí thì cần phải sửa luật.
Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng việc thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư cũng là điều bình thường. Ở đây có thể hiểu Nhà nước cũng giống như một doanh nghiệp, một nhà đầu tư, họ bỏ vốn ra thì họ cũng phải thu hồi vốn để góp phần nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng.
Theo ông Thịnh, nếu thu phí sẽ có những lợi ích lớn cho nền kinh tế như có thêm một nguồn vốn lớn để bổ sung cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ cho việc phát triển kinh tế xã hội, giảm được chi phí vận tải; việc duy tu bảo dưỡng đường cao tốc cũng được tốt hơn, đảm bảo an toàn giao thông hơn. Khi đẩy mạnh đầu tư cũng tạo ra được công ăn việc làm cho người lao động, tạo ra nhu cầu cho rất nhiều mặt hàng khác nhau, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…
Tuy nhiên, ông Thịnh cũng cho rằng nếu thu cần phải tạo được mạng lưới hạ tầng đủ đáp ứng nhu cầu bình thường và phổ biến của người dân đã. Bên cạnh đó, chỉ được thu ở những đường cao tốc và phải có con đường thay thế, tránh làm ở những tuyến đường độc đạo, tức là phải để người dân có quyền lựa chọn họ sẽ đi đường nào. Nếu họ muốn đi nhanh hơn, tiết kiệm chi phí vận tải, thời gian hơn thì họ có thể đi đường cao tốc, còn không họ vẫn có thể đi ở con đường cũ.
Chuyên gia này cũng cho rằng trong thực tế có những trường hợp chồng lấn, sử dụng chung giữa đường cũ và đường mới, thậm chí trạm thu phí được đặt ở đầu đường cũ. Do đó, cần phải có sự loại trừ những người nếu không đi đến đường cao tốc mà chỉ đi ở đoạn đường cũ thì không phải đóng phí. Ngoài ra, ông Thịnh cũng cho rằng cần phải tính toán kỹ mức thu và thời gian thu để phù hợp.
ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu ý kiến tại Quốc hội rằng có sự bất bình đẳng giữa những địa phương mà được đầu tư đường cao tốc với những địa phương không được đầu tư, giữa những người dân được sử dụng đường cao tốc với những người dân không được sử dụng đường cao tốc.
“Như vậy, vô hình trung chúng ta đều có nghĩa vụ đóng góp như nhau vào ngân sách, nhưng có những người lại được sử dụng các tuyến đường cao tốc rất thuận lợi, có những người lại không có điều kiện để sử dụng việc này”, ông Cường nói.
Bất bình đẳng thứ hai, theo đại biểu này là giữa những người cùng sử dụng đường cao tốc, nhưng mà đường cao tốc do ngân sách nhà nước đầu tư với đường cao tốc mà chúng ta sử dụng các dự án BOT.
Đại biểu đặt câu hỏi: Tại sao người dùng đường cao tốc BOT phải bỏ tiền trả cho nhà đầu tư, còn nếu Nhà nước đầu tư lại không phải bỏ tiền để trả?
Ông Cường cũng dẫn chứng một số nước phát triển có hệ thống đường cao tốc rộng khắp, như nước Mỹ vẫn thu phí hệ thống đường cao tốc, thậm chí theo làn, có những làn tốc độ cao, ưu tiên vẫn phải trả phí, làn không ưu tiên không phải trả phí.
“Đi kèm với việc chúng ta quy định là thu phí đường cao tốc thì chúng ta cũng phải quy định là đã xây dựng đường cao tốc hay các công trình gọi là đặc thù thì phải có các công trình song hành để cho người dân lựa chọn", ông Cường nói.
Nêu cụ thể hơn, đại biểu này dẫn ví dụ các đường dân sinh, các đường công trình khác, để những người nào mà thấy rằng cần phải nhanh, cần tiện lợi thì trả phí và nên dùng đường cao tốc; còn những người nào chấp nhận có thể không mất phí, không muốn trả thì sử dụng đường song hành và như vậy đảm bảo đúng sự lựa chọn, tôn trọng quyền của người dân.
Giải trình tại Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, nhu cầu xây dựng đường cao tốc của chúng ta rất lớn nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc thu xếp, bố trí nguồn vốn.
Chính vì vậy, tại dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, Bộ GTVT đề xuất thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư. Đây được xem là giải pháp quan trọng để có thêm nguồn lực đầu tư các tuyến cao tốc khác và bảo trì tốt hơn các tuyến đã đầu tư.
“Nghị quyết 152, Nghị quyết 17 của Quốc hội cũng đã cho phép các dự án đầu tư bằng ngân sách Nhà nước sẽ tổ chức thu phí. Đây là cơ sở để Bộ GTVT đưa quy định vào trong luật. Khi đã được quy định trong luật, chúng ta sẽ có điều kiện tốt hơn để tái đầu tư các tuyến khác trong bối cảnh ngân sách rất hạn hẹp", Bộ trưởng nói.
Lãnh đạo ngành giao thông cũng cho biết thêm, mức thu được xác định với nguyên tắc phù hợp với chất lượng dịch vụ nhưng không vượt quá lợi ích thu được và khả năng chi trả của người sử dụng đường cao tốc. Chỉ thu phí đối với tuyến cao tốc mà có đường quốc lộ song hành do Nhà nước đầu tư để người dân có quyền lựa chọn.