Kinh hoàng khi tội phạm là trẻ con
Góc bình luận - Ngày đăng : 11:52, 01/11/2018
Bởi chúng còn quá nhỏ. Một đứa chỉ mới 13 tuổi, hiếp dâm rồi cắt cổ nạn nhân bằng liềm để bịt đầu mối. Một đứa 15, đâm vào cổ một “bác tài” chạy Grab để cướp xe, chấm dứt một đời đầy hứa hẹn của một anh sinh viên, chỉ vì nó ham muốn có một chiếc xe côn. Trước đó nữa, một cậu “con cưng” đã chém chết cả cha ruột mình vì không được cho đủ số tiền 70 triệu để mua một chiếc xe...
Thật kinh hoàng! Đáng sợ hơn nữa, đó chỉ là một vài trẻ vị thành niên tội phạm trong số trung bình khoảng 10.000 vụ phạm pháp của khoảng 15.000 kẻ tội phạm ở lứa tuổi này hằng năm theo thống kê. Và trong số thống kê này, có đến khoảng 70% là những đứa trẻ dưới 14 tuổi...
Ở cái độ tuổi mà nhiều người cho là “trong trắng”, “hồn nhiên”, là “tuổi hoa mộng”, “tuổi thần tiên” như thơ ca nhạc phú ngày trước đã ca tụng, vì sao chúng lại chứa chấp những ý nghĩ tàn độc, dã man đến vậy? Điều gì đã khiến cho những đứa trẻ ấy dám làm những việc mà ngay cả những tên tội phạm đã trưởng thành còn chưa chắc dám nghĩ tới?
Cần lưu ý một điều là các loại tội phạm trẻ vị thành niên ở các thời kỳ trước đây chưa phát triển về số lượng và tính chất tàn độc như hiện nay. Các thông báo từ phía công an hay các phương tiện thông tin vẫn đang báo động về xu hướng “trẻ hóa” của người phạm tội, điều mà ngay trong các thời kỳ khốn khó của xã hội cũng chưa từng xảy ra.
Chúng phạm tội không phải vì thiếu đói, nghèo túng, mà chủ yếu vì đã sớm sa đọa.
Các nhà tội phạm học thì cho rằng tội phạm trẻ con là do lối sống lệch lạc, do ảnh hưởng của môi trường, gia đình và xã hội, v.v.. và v.v.. Thế thì ai đây sẽ phải là người đứng trước vành móng ngựa để chịu nhận sự trừng phạt? Đương nhiên chỉ là lũ trẻ khốn khổ khốn nạn ấy rồi. Thế nhưng còn những “đồng phạm” của chúng thì sao, như gia đình, trường học, xã hội, những nơi mà lẽ ra phải có trách nhiệm “xã hội hóa” chúng một cách tốt đẹp, lại tạo nên những ảnh hưởng xấu đến chúng?
Gia đình, trường học, các cơ quan đoàn thể, những người có trách nhiệm ở đâu mà lại để cho “một bộ phận không nhỏ” trẻ em giờ phải đơn độc đương đầu với những thói hư tật xấu bị tiêm nhiễm? Các nhà giáo dục, các nhà xã hội học, tâm lý tội phạm ở đâu sao không thấy nghiên cứu nguyên nhân và đưa ra những biện pháp để giảm thiểu tội phạm vị thành niên? Các nhà quản lý an ninh, trật tự ở đâu sao lại để những quán game, những tụ điểm ăn chơi sa đọa ngày càng mọc lên nhiều hơn và có sức cám dỗ mạnh hơn?
Từ sau tội ác kinh hoàng của những “Vãi” Luyện, My “Sói”, xã hội của ta dường như đã “lờn”, “chai” trước những tội ác kinh hoàng mới khác của trẻ vị thành niên. Gần như không có một lời đánh động mới nào trước các vụ cướp xe ôm hay hiếp dâm cắt cổ nạn nhân của những đứa trẻ chưa qua tuổi trăng tròn mới vừa xảy ra.
Và những tội ác mới đó có lẽ cũng chỉ là bề nổi của một tảng băng: lối sống lệch lạc, sa đọa của một số đông thanh thiếu niên hiện nay.
Trẻ em là tương lai của tổ quốc, hãy cứu chúng khỏi những vũng lầy tội ác như cứu rỗi tiền đồ của quốc gia. Và đó mới thật sự là hành động cấp thiết của một xã hội nhân bản, như điều mà chúng ta vẫn hay rao truyền...
Đoàn Đạt