Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Quảng Ngãi: Lời cuối với ông Lê Học Lãnh Vân
Góc bình luận - Ngày đăng : 09:51, 24/08/2018
Khi tôi viết những dòng này thì mọi chuyện về Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Đức Phổ gần như đã có hồi kết. Sáng 23.8.2018, người đại diện cho chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã đồng ý di dời nhà máy theo đúng nguyện vọng của một bộ phận nhân dân xã Phổ Thạnh. (xem thêm Tỉnh Quảng Ngãi thừa nhận có sai sót và nói sẽ di dời nhà máy rác Đức Phổ)
Sự đời nó thế, không phải lúc nào cái đúng, cái tốt đẹp cũng luôn luôn được mọi người chấp nhận. Con đường đi đến cuộc sống tốt đẹp hơn thật sự gian truân, vất vả quá phải không ông?
Thế kỷ XXI rồi, chắc không ai tin giữa hai sự lựa chọn, hoặc là sống chung với rác hoặc là xử lý rác bằng công nghệ hiện đại, không ô nhiễm môi trường, người dân quê tôi lại lựa chọn sống chung với rác.
Trong thâm tâm, tôi tôn trọng sự lựa chọn của người dân và không có bất cứ điều gì trách cứ đối với sự lựa chọn đó, vì một lẽ đơn giản, ý dân là ý trời.
Tôi hoan nghênh sự lựa chọn của chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã đồng ý cho di dời nhà máy, vì họ đã nỗ lực không mệt mỏi, đồng hành cùng người dân, kiên trì tuyên truyền, thuyết phục họ, mời các nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn phân tích, đánh giá, khuyến nghị họ nên có sự lựa chọn nào tối ưu nhất có thể.
Chỉ duy có một điều làm tôi cứ day dứt mãi, Nhà máy này do chính người dân đề nghị, chính quyền kêu gọi doanh nghiệp đầu tư. Doanh nghiệp xây lắp 2 năm nay, vận hành hơn 3 tháng không hề xẩy ra điều tiếng gì. Ấy vậy mà, vì một lý do nào đó (ông đã biết), phút chốc một bộ phận người dân quê tôi quyết đòi di dời bằng được Nhà máy do chính mình lựa chọn trước đó.
Dĩ nhiên, cũng phải nói thêm cho rõ, trước khi quyết định di dời nhà máy và đóng cửa bãi rác, cơ quan chức năng có soi kỹ một số yếu tố của nhà máy thì có sự thiếu sót, nhưng nếu được chính quyền và người dân đặt lợi ích của đa số người dân lên trên, lên trước, kiên trì thêm tí nữa, bình tĩnh, sáng suốt cùng lựa chọn giải pháp tối ưu nhất thì chắc có lẽ sự việc sẽ khác.
Hậu quả của quyết định hôm nay có thể sẽ làm cho một nhóm lợi ích nào đó (tạm gọi là như thế) hả hê, nhưng đối với toàn cục, đó là sự thất bại thảm hại.
Hơn ai hết, người dân chính là người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Vì, đóng cửa bãi rác cũ, đồng nghĩa với bãi rác này đã trở thành vùng đất chết; 22.000 tấn rác vẫn còn nguyên “giá trị”, theo thời gian vẫn thầm lặng thối rữa, bốc mùi, ngấm sâu vào lòng đất.
Đóng cửa bãi rác cũ, cũng đồng nghĩa với mỗi ngày 25 tấn rác của cả huyện Đức Phổ, trong đó chủ yếu là của người dân Sa Huỳnh vẫn còn đó, không có lời giải, trơ gan cùng tuế nguyệt.
Đóng cửa bãi rác cũ, cũng đồng nghĩa với nhiều hệ lụy khác, rất phức tạp, quá khó lường có thể rồi sẽ đến.
Đóng cửa bãi rác cũ, cũng đồng nghĩa với cái tốt đẹp tạm thời thất bại, tạm thời bất lực.
Nhưng tôi vẫn tin, sẽ đến một ngày nào đó, gần nhất đây thôi, người dân Sa Huỳnh sẽ lại thiết tha đề nghị các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ngãi cứu dân thoát khỏi sự ô nhiễm của rác bằng cách kêu gọi doanh nghiệp dựng lại nhà máy xử lý rác thải như trước đây họ đã từng thiết tha đề nghị. Nhưng than ôi, đến lúc ấy, thử hỏi còn chính quyền nào, doanh nghiệp nào dám cứu nữa.
Trộm nghĩ, nếu chỉ thỏa mãn cái gọi là “lòng dân và ý dân” mà Nhà nước “đứng ngoài”, “đứng trên” cuộc tranh chấp này, hay như ông nói: “Rất thông thường tại các quốc gia khác trên thế giới, là nhà nước nên đứng ra ngoài tranh chấp này. Nhà nước chỉ nên đóng vai trò trung gian, tổ chức, bảo vệ an ninh cho dân chúng đối thoại với doanh nghiệp” thì khác nào đã đẩy xã hội vào chỗ vô cương, vô pháp, đẩy những điều tốt đẹp ngày càng xa với xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Võ Văn Hào – Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi
Theo dòng sự kiện
>> Người dân phản đối nhà máy rác ở Quảng Ngãi
>> Mạng xã hội lan tỏa nhanh hơn báo chí trong vụ nhà máy rác
>> Tiếng dân và lòng dân
>>Trưởng Ban tuyên giáo tỉnh Quảng Ngãi phản hồi bài báo "Tiếng dân và lòng dân"
>>Phản hồi với phản hồi của ông Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Quảng Ngãi