Kỷ luật đảng phải nhằm ngăn chặn đảng viên vi phạm pháp luật

Góc bình luận - Ngày đăng : 08:48, 02/07/2018

Kỷ luật đảng phải là để kịp thời ngăn chặn đảng viên không thực hiện được hành vi vi phạm pháp luật, chứ không phải là để xử lý hành vi vi phạm pháp luật đã xảy ra rồi của đảng viên như trước giờ nữa.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp kỳ 27 - Ảnh: UBKTTƯ

Sau kỳ họp 27 vào ngày 27 và 28.6, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra thông cáo báo chí về việc kỷ luật hàng loạt cán bộ cao cấp do có những vi phạm trong việc thực hiện chính sách pháp luật của nhà nước. Trong đó có thượng tướng Phương Minh Hòa, trung tướng Nguyễn Văn Thanh thuộc Ban Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ Quốc phòng và một số vị lãnh đạo Bộ Thông tin - Truyền thông, cùng một số cá nhân có chức vụ liên quan khác.

Đảng viên vi phạm pháp luật thì phải bị xử lý kỷ luật đảng, đó là điều đương nhiên. Tuy nhiên, qua tình trạng báo động nhiều đảng viên cấp cao bị xử lý kỷ luật đảng vì có vi phạm pháp luật nghiêm trọng vừa qua, thì nổi lên vấn đề trong mối liên hệ giữa việc kỷ luật của đảng và việc chấp hành pháp luật của nhà nước.

Trước giờ, có không ít trường hợp điển hình, đảng viên bị xử lý kỷ luật đảng sau khi bị xác định có những vi phạm nghiêm trọng trong việc thực hiện chính sách pháp luật. Điều này đặt ra băn khoăn phải chăng kỷ luật đảng chỉ được xét trên vi phạm pháp luật của đảng viên? Vậy đảng viên không vi phạm pháp luật thì tức là không vi phạm kỷ luật đảng?

Về vấn đề này, bằng tất cả tâm huyết, xin được có ý kiến như sau:

Pháp luật được coi như những đòi hỏi cơ bản về trách nhiệm, nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức. Cho nên việc chấp hành tốt pháp luật thực ra mới chỉ đạt được tiêu chuẩn là cá nhân, tổ chức bình thường.

Nhưng ở những nơi được xem như đứng ở vị trí cao hơn trong xã hội, như tổ chức đảng lãnh đạo, hay các tôn giáo, thì lại có những đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn đòi hỏi của pháp luật, để lựa chọn ra những cá nhân ưu tú trong những cá nhân bình thường.

Như vậy pháp luật được coi như cái lưới lọc cơ bản đầu tiên trong xã hội, và những quy định nội bộ của các tổ chức có vị trí cao hơn trong xã hội, như điều lệ của tổ chức đảng, điều răn cấm của các tôn giáo, được coi như lưới lọc thứ 2 lọc kỹ hơn những hành vi không được chấp nhận của cá nhân, tổ chức.

Cho nên đã là cán bộ, đảng viên thì đừng đòi hỏi mình cũng phải được quyền “bình đẳng” như những công dân khác, mà phải chấp nhận tuân thủ nhiều quy định nghiêm ngặt hơn. Điều này là lẽ tất yếu, bởi muốn lãnh đạo được quần chúng thì tất nhiên tư cách phải hơn được quần chúng.

Như vậy kỷ luật của đảng phải khắt khe hơn pháp luật của nhà nước, thì mới kịp ngăn chặn những biểu hiện lệch chuẩn của đảng viên trong tư tưởng, phát ngôn, văn hóa ứng xử với mọi người, nền nếp làm việc, lối sống cá nhân... là mầm mống manh nha cho những hành vi vi phạm pháp luật sau này.

Điều này có nghĩa những đảng viên có biểu hiện lệch chuẩn đó phải bị xử lý kỷ luật đảng ngay, cần thiết thì đến mức khai trừ khỏi đảng ngay khi có những biểu hiện gây mất uy tín của tổ chức đảng trước quần chúng, chứ không phải đợi đến khi đảng viên kịp thực hiện hành vi vi phạm pháp luật rồi thì mới có căn cứ khai trừ đảng như hiện tại. Một điều thỏa đáng là, đảng lãnh đạo thì phải có uy tín với quần chúng, cho nên đảng viên nào cứ mất uy tín với quần chúng thì không được đứng trong hàng ngũ đảng nữa.

"Nên lấy câu đặt mồi lửa dưới đống củi làm nguy cơ, kiềng canh nóng mà thổi cả rau nguội làm răn sợ". Đã đến lúc phải đổi mới tư duy hiện tại, xem lại lời dạy của Đức Thánh Trần khi xưa. Kỷ luật đảng phải là để kịp thời ngăn chặn đảng viên không thực hiện được hành vi vi phạm pháp luật, chứ không phải là để xử lý hành vi vi phạm pháp luật đã xảy ra rồi của đảng viên như trước giờ nữa.

Nếu cứ quan niệm kỷ luật đảng như hiện nay thì lại vẫn còn phải "rút kinh nghiệm sâu sắc" dài dài, không biết bao giờ mới hết về tình trạng nhiều đảng viên, thậm chí đáng báo động là có những đảng viên cấp cao, vi phạm pháp luật, liên tiếp gây tổn hại nghiêm trọng cho uy tín của đảng cầm quyền.

Một lẽ tất yếu, nếu uy tín đảng tiếp tục bị tổn hại nghiêm trọng, xói mòn như vậy sẽ đe dọa đến sự nghiệp lãnh đạo của đảng. Cho nên cần thay đổi tư duy kỷ luật đảng, kỷ luật đảng phải khắt khe hơn pháp luật của nhà nước, là việc làm cấp bách hiện nay để khôi phục lại uy tín của đảng.

Phạm Mạnh Hà