Độ trễ của pháp luật...
Góc bình luận - Ngày đăng : 05:43, 03/07/2018
Đó là một trận chiến thật sự với lực lượng 300 cán bộ chiến sĩ có cả sự hỗ trợ của xe bọc thép đấu với bảy tay súng với đầy đủ hỏa lực. Một đại bản doanh được mô tả là “bất khả xâm phạm” của những kẻ chuyên đi gieo rắc “cái chết trắng” ngay trên lãnh thổ nước ta. Theo thông tin từ các báo, trong thời gian khoảng năm năm cố thủ tại đây, các ông trùm này và đàn em đã ngang nhiên vác AK đi dạo, đi ăn cỗ “như cơm bữa” hàng ngày.
Câu hỏi được đặt ra là vì sao những tên tội phạm này lại có thể lập nên cả một khu vực “vô pháp vô thiên” trong một thời gian dài đến như vậy? Trong cả năm năm dài đằng đẵng không bị pháp luật trừng phạt như thế, các hang ổ ma túy này đã gieo rắc biết bao nhiêu tai họa cho người dân cả nước, sao đến giờ mới bị trừng trị thích đáng?
Các nhà nghiên cứu văn hóa thường nói tới khái niệm về “độ trễ văn hóa”. Theo đó thì văn hóa thay đổi rất chậm so với những thay đổi, biến đổi của thời thế, thời cuộc. Thiết chế pháp luật chính là một thiết chế văn hóa và vì thế, phải chăng nó cũng có một “độ trễ” nào đó?
Chúng ta có thể lấy thêm các ví dụ về “độ trễ pháp luật” này ở các vụ đại án đã và đang chuẩn bị xét xử như vụ Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy chẳng hạn. Nếu như các tên tội phạm này sớm bị “bàn tay pháp luật” tóm gọn trước khi “cao bay xa chạy” thì biết bao nhiêu rắc rối, biết bao công sức đã không bị bỏ ra để vận động chúng về đầu thú như trường hợp của Trịnh Xuân Thanh. Vấn đề ở đây chính là phải xem lại thiết chế của những “tấm lưới pháp luật” như thế nào mà lại để cho những con “cá lớn” như thế có thể dễ dàng xổng thoát, đi xa?
Như vụ làm thất thoát 800 tỉ đồng của PVC tại Oceanbank, ông Đinh La Thăng chỉ bị kỷ luật và xét xử khi đã làm Bí thư Thành ủy TP HCM.
Đó là chưa kể đến hàng loạt đại án mà do việc chậm trễ, thận trọng trong điều tra, khởi tố, xét xử nên các bên liên quan đã sớm “khắc phục hậu quả”, dẫn đến việc xét xử, nếu có, sẽ chỉ như các cuộc “hồi tố” mà vụ Mobifone mua cổ phần của AVG là một trong những điển hình.
Hàng chục, hàng trăm ngàn tỉ có lẽ đã không bị thất thoát nếu hệ thống phòng chống tội phạm hoạt động nhanh nhạy, phát hiện và ngăn chặn kịp thời ở những vụ đại án xảy ra trong thời gian qua. “Củi” lẽ ra chẳng phải bị chất đống, dồn ứ chờ vào “lò” như hiện nay nếu hệ thống thực thi pháp luật hoạt động hiệu quả trước đó.
Một hệ thống pháp luật hoạt động khoa học, trong sạch, hiệu quả, không còn “độ trễ” chính là một trong những tiền đề cho sự phát triển đất nước.
Do vậy, việc ưu tiên hàng đầu trong quyết tâm đổi mới hiện nay có lẽ phải là sự cải cách đối với hệ thống hành pháp...
Đoàn Đạt