Trách ai, Đà Nẵng?
Góc bình luận - Ngày đăng : 10:13, 11/04/2018
Tôi không phải là dân Đà Nẵng nhưng đã “Yêu em Đà Nẵng” (Lê Minh Quốc) từ thuở chập chững tham gia phong trào sinh viên Sài Gòn trước 1975. Chưa một lần đến đó nhưng cứ yêu qua “Đôi mắt sáng nhìn lên” (Hoài Hương) chuyền tay nhau những ngày đấu tranh đô thị. Sau này, nghiệp đưa đẩy, có thêm nhiều bạn bè, nhiều lần đến Đà Nẵng, tình cảm đó càng thêm gắn bó.
Bạn tôi, nhiều người cũng yêu Đà Nẵng. Người làm du lịch bảo “Đà Nẵng là thành phố đáng sống”. Người dạy sử nói “Đà Nẵng là thành phố tiên phong”. Người làm kỹ sư bảo “Đà Nẵng là thành phố những cây cầu”. Có người bảo “Đó là thành phố đáng sống nhất Việt Nam”… Danh xưng nào cũng có lý do chính đáng và xứng đáng. Do công việc, tôi vài lần có dịp ăn tối với mấy nhà lãnh đạo Đà Nẵng vào những năm 2004 và 2016, hai thời kỳ nhưng đều có điểm chung nhất là - nhiệt huyết - giản dị - quyết đoán. Thấy tôi có vẻ thiên vị Đà Nẵng, không ít người ngỡ tôi là rể hay có người yêu ngoài nớ. Tôi đã lên Bà Nà từ 1997. Núi Chúa đẹp ngẩn ngơ. Đêm nằm nghe gió hú, nhìn về Đà Nẵng lung linh đèn rạo rực. Ngũ Hành Sơn lịch lãm, các bãi biển chân quê mê hoặc…
Cùng với cả nước, Đà Nẵng chuyển mình tăng tốc và thay đổi đến chóng mặt mà Bà Nà là điển hình. Bà Nà xưa sơn nữ mặn mà, nay diêm dúa như cô gái quê trưởng giả kiểu đầm Tây. Làm sao trách, vì đó là quy luật phát triển, không cưỡng được. Với lại kinh doanh phải có lời, họ đang ăn nên làm ra. Biết vậy mà cứ tiếc. Sao không làm như người Pháp trước đây, vẫn bảo tồn và kinh doanh hiệu quả? Hỏi thì hỏi vậy thôi, có ai trả lời được đâu mà hỏi. Mấy năm gần đây, Đà Nẵng có nhiều chuyện không vui, chuyện nào cũng đình đám dư luận. Tôi rất ngạc nhiên khi biết Đà Nẵng dành tới 68% nguồn thu để tái đầu tư. Cao hơn nhiều so với Bình Dương, Đồng Nai…Trong khi Sài Gòn, thu bằng gần 1/3 của cả nước, chỉ được để lại 18%. Nếu được ưu ái như Đà Nẵng, Sài Gòn đã trở lại thời hoàng kim, là “Hòn ngọc Viễn Đông”, sánh vai cùng các nước phát triển.
Đỉnh điểm sự chuyển hướng tiêu cực của Đà Nẵng là biệt phủ của quan chức giữa rừng đặc dụng phía nam đèo Hải Vân và sự xâm hại nghiêm trọng bán đảo Sơn Trà. Cả hai đều được phát hiện bởi người dân Đà Nẵng, kiên quyết đấu tranh, được dư luận và truyền thông cả nước ủng hộ; buộc chính quyền phải xử lý, dù chưa thật sự thỏa đáng. Đáng buồn hơn là việc sai phạm kéo dài của những lãnh đạo cao nhất thành phố. Nhất là kỳ án Vũ “nhôm” với hàng loạt quan chức liên lụy. Trung ương phải vào cuộc để cứu Đà Nẵng khỏi những bàn thua kế tiếp.
Công bằng mà nói, Đà Nẵng đã làm được nhiều việc tích cực, có hiệu ứng xã hội lan tỏa. Từ việc dứt điểm tệ nạn ăn xin và bán hàng rong chụp giựt đến việc tổ chức mừng thành phố giải phóng cho mỗi người dân. Từ việc chiêu dụ nhân tài cho đến việc tổ chức các sự kiện lớn. Đà Nẵng tự hào là thành phố “5 không - Không hộ đói - Không mù chữ - Không ăn xin - Không ma túy - Không cướp giật” và “3 có - Có nhà ở - Có việc làm - Có nếp sống văn minh”. Đặc biệt là các sự kiện du lịch và chính trị. Từ việc tổ chức cứu hộ tại các bãi tắm rất hiệu quả, các “nhà vệ sinh nụ cười” rất sáng tạo đến các sự kiện như lễ hội pháo hoa quốc tế, cuộc đua “marathon Ironman”… và hội nghị thượng đỉnh APEC gần đây.
Do buông lỏng quản lý, Đà Nẵng ngày càng mất điểm. Thành phố không còn “5 không 3 có”. Từ nạn “chặt chém”, trấn lột du khách đến nâng giá phòng. Có cả cướp giật, đâm chém và giết người. Cùng với Nha Trang, Đà Nẵng đang là thành phố có nhiều khách Trung Quốc lộn xộn nhất. Từ việc đầu nậu du lịch Trung Quốc thao túng với sự tiếp tay của những “người Đà Nẵng xấu xí”, tới các khu phố Tàu xây dựng và cư trú không phép giữa thanh thiên bạch nhật. Nạn ô nhiễm môi trường trầm kha mà đỉnh điểm là nước thải hôi thối xả thẳng từ các nhà máy công nghiệp ra Mỹ Khê, một trong những bãi tắm từng được vinh danh là đẹp nhất thế giới.
Mọi tệ nạn không tự dưng mà có. Mọi thứ đều là luật “nhân quả” nhãn tiền, hệ lụy của tư duy lãnh đạo và năng lực quản lý. Năm ngoái, nhiều người được nghe một nhà lãnh đạo Đà Nẵng chống chế cho những sai phạm về đất đai của thành phố, rằng “các đời lãnh đạo Đà Nẵng đều từng mơ ước được như Hông Kông, Siangapore”. Nếu đúng thế thì quả đáng lo. Hồng Kông chiếm 1/5 tổng số nhà cao tầng của thế giới. Nếu tất cả dân cao ốc ra khỏi nhà thì mỗi người chỉ để lọt một bàn chân. Đó cũng là nơi phổ biến các “nhà quan tài” độc lạ, bồn cầu cũng là bàn ăn vì diện tích nhà cực kỳ hẹp. Bắt chước Singapore cũng không ổn. Có ai đi Singapore để tắm biển đâu. Mơ về thu nhập như họ thì quá tốt, chứ phát triển theo cách của đảo quốc Sư tử thì xin can. Cảnh quan tuyệt đẹp của đôi bờ sông Hàn sẽ bị phá hỏng. Sao không học Đài Loan. Nhất là các lĩnh vực giáo dục, giao thông, nông nghiệp và xuất khẩu công nghiệp?
Mơ như vậy nên Đà Nẵng bắt đầu ngột ngạt nhà cao tầng. Tháng rồi tôi có dịp ra Đà Nẵng. Từ Huế vào, nhìn bán đảo Đà Nẵng mà cứ cỡ Singapore vì nhà cao tầng lố nhố, Sơn Trà loang lổ dự án. Vào Đà Nẵng thì khách Tàu áp đảo khách Tây. Tự dưng buồn se sắt dù biết là mình buồn vô lý. Tự dưng nhớ Đà Nẵng xưa. Bao nhiêu ký ức hiện về. Bãi Ngũ Hành Sơn hoang sơ, Bà Nà mê hoặc, Sơn Trà bí ẩn, phố xá bình dị và thân thiện…Chẳng lẽ thời gian cũng tàn phá cảnh quan đất nước như hủy hoại nhan sắc con người.
Nguyễn Văn Mỹ