Sao lại cứ bắt dân è cổ nộp thuế phí
Góc bình luận - Ngày đăng : 15:31, 14/04/2018
Theo Bộ Tài chính, đối với phương án thuế suất 0,4%, số thu thuế tài sản khoảng 30.300 tỉ đồng nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 1 tỉ đồng. Hoặc thu được khoảng 31.000 tỉ đồng (nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng)…
Sao cứ nhăm nhe tính xem thu về được bao nhiêu tiền từ người dân, mà không tính toán chi li những tác động xã hội? Nêu lý do nhiều nước trên thế giới cũng thu thuế này, đương nhiên Việt Nam phải thu, là kém thuyết phục.
Dân sẽ đồng tình đóng thứ thuế mà Bộ nêu ra, nếu như kèm theo đó, họ được hưởng các chính sách y tế, giáo dục miễn phí như nhiều nước trên thế giới. Nếu thu thuế như các nước, thì phải làm được như các nước: lo cho dân nhiều khoản miễn phí về y tế, giáo dục...
Trong khi họ muốn tận thu thuế thì ở Việt Nam hiện nay, trẻ em muốn đi học cha mẹ phải chạy trường, học thì phải đóng tiền trường, khám bệnh phải đóng viện phí, cao hay thấp do tùy chọn bệnh viện công - tư. Không gì là miễn phí, ngay cả đối với những hộ nghèo.
Bây giờ, người dân, dù ở nhà hay đi đâu, cũng è cổ đóng đủ thứ phí và lệ phí. Khó trách khi có người hỏi rằng bao nhiêu lâu nay số tiền đóng thuế của họ dùng để làm gì, mà bây giờ, thứ gì cũng phải mất tiền.
Người đi làm phải đóng thuế thu nhập, thậm chí chứng giấy tờ, “xin” con dấu ở công an, UBND phường cũng phải đóng phí, đậu ô tô trên đường cũng đóng phí… Đang trên đường muốn… đi tè cũng phải mất phí cho cơ sở nào đó, vì chẳng có nhà vệ sinh công cộng. Tham quan di tích cha ông để lại, viếng cảnh chùa chiền… cũng đóng phí! Chẳng có gì là không thu phí.
Còn ra đường, cứ lên xe, đổ xăng là phải đóng thuế hơn 8.000 đồng mỗi lít xăng. Và các trạm BOT mọc lên nhan nhản. Không có việc ô tô thoải mái chạy bon bon trên đường. Muốn đi ngon, đi nhanh, thậm chí buộc phải đi vì đấy là con đường độc đạo, thì phải đóng “thuế” BOT.
Nói đến chuyện xây nhà, thì đã đủ thứ phải nộp cho nhà nước. Mua đất đã phải đóng thuế chuyển quyền, đăng ký chủ sở hữu mới. Tiến hành xây nhà thì đóng phí xin cấp phép xây dựng, bản vẽ, thuế xây dựng, phí đo vẽ hoàn công… Để có được sổ hồng nhà, với căn nhà 700 triệu đồng, đã phải mất trên dưới 10 triệu đồng (chưa kể thuế chuyển quyền khi mua đất, tính theo giá trị tài sản).
Giờ, nhà xây xong vào ở, Bộ Tài chính lăm le thu thêm 0,4%, tức căn nhà 700 triệu, chủ nhân phải đóng 2,8 triệu. Và nhà giá trị càng cao, đóng càng nhiều… Thuế phí cứ chồng chéo, loạn xạ cả lên!
Nhưng như đã nói, thu thuế ở mức thế nào là một chuyện. Chuyện quan trọng nhất là có cần thiết phải thu… như các nước hay không, khi điều kiện chúng ta chưa có nhiều chính sách hỗ trợ, bù lại cho dân tương xứng.
Chính quyền cần có tiền chi tiêu cho các khoản phúc lợi xã hội và phát triển kinh tế, nên phải thu thuế, phí. Thuế cũng là thứ mà dân đóng góp để chính quyền có chi phí hoạt động, can thiệp vào sự hoạt động của nền kinh tế, xã hội... Nhưng quan trọng nhất, từ tiền thuế, chính quyền có trách nhiệm cung ứng một số hàng hóa công cộng (miễn phí) cho công dân, nên công dân phải có nghĩa vụ ủng hộ tài chính.
Khi giữa các nhóm công dân có sự chênh lệch về thu nhập và do đó là chênh lệch về mức sống, thì chính quyền sẽ đánh thuế để lấy một phần thu nhập của người giàu hơn và chia cho người nghèo hơn (thông qua cung cấp hàng hóa công cộng). Về nguyên tắc thì là như vậy.
Dân đã gánh quá nhiều thuế phí! Bù lại, những gì họ được hưởng trở lại từ số tiền đã đóng, rất khó nhận ra. Môi trường thì cứ ô nhiễm ngày một tăng, đường phố ngập cứ ngập nước, kẹt xe vẫn kẹt xe, đường giao thông cứ đầy ổ gà, xuống cấp…
Người dân, ngoại trừ các hộ nghèo (đang được hưởng một số khoản miễn phí), có quyền thắc mắc: khi muốn làm đường thì mời gọi BOT và thu phí, phát triển mạng lưới y tế - giáo dục thì mời gọi các doanh nghiệp là chính… nhưng dân vẫn phải è cổ đóng tiền. Vậy tiền thuế của họ đi đâu, và họ đang hưởng lại được những gì?
Tất nhiên, người dân vẫn đang hưởng lợi nhiều từ số tiền thuế đã đóng, như đường sá nội thị ngày càng mở rộng, cơ sở hạ tầng phát triển, an ninh tốt… Nhưng đó là những thứ chung chung. Còn cụ thể là gì? Đó là vấn đề mà có lẽ Bộ Tài chính cần giải đáp cho dân, trước khi cố gắng nghĩ ra nhiều khoản thu mới.
Hồ Hùng