Mua vào giá trên trời, bán đi rẻ như cho
Góc bình luận - Ngày đăng : 10:56, 28/03/2018
Ở một góc độ nào đó, tôi lại thấy vui khi thương vụ tổng công ty nhà nước MobiFone mua AVG với giá trên trời được cơ quan thanh tra kết luận với đầy rẫy vi phạm nghiêm trọng, vì như vậy sẽ có tác dụng ngăn chặn chuyện làm ăn bẩn tại các dự án khác. Qua đó, gióng lên hồi chuông cảnh báo về những chuyện mua bán lạ kỳ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước: mua vào thì giá trên trời mà bán đi thì giá rẻ như cho...
Trong thương vụ MobiFone mua lại 95% cổ phần của AVG với giá gần 8.900 tỉ đồng, nghĩa là một "xác ướp " đang lỗ nặng bỗng chốc bán được với giá cao gấp gần chục lần, Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ 4 sai phạm tại MobiFone.
Thứ nhất, thiếu trách nhiệm và làm trái trong đề xuất dự án đầu tư, đặc biệt việc đánh giá tình hình tài chính, kinh doanh của AVG.
Thứ hai, làm trái và thiếu trách nhiệm trong lựa chọn tư vấn thẩm định giá.
Thứ ba, sai phạm nói trên cũng diễn ra trong việc lập, trình dự án đầu tư.
Thứ tư, vi phạm trong ký thỏa thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, việc thanh toán mua cổ phần và các chi phí liên quan đến dự án.
Nói như báo Thanh Niên thì trong số các sai phạm trên, việc thổi giá một “xác ướp” như AVG là hành vi nghiêm trọng nhất. Theo Thanh tra Chính phủ, vào thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp là ngày 31.3.2015, AVG đang ở trong tình trạng rất xấu, tổng tài sản chỉ hơn 3.260 tỉ đồng, nợ phải trả lên tới hơn 1.226 tỉ đồng, giá trị tài sản cố định chỉ còn hơn 208 tỉ đồng. Từ khi thành lập đến thời điểm thẩm định giá, AVG liên tục lỗ, số lỗ lũy kế đến ngày 31.3.2015 là gần 1.633 tỉ đồng (bằng 45% vốn điều lệ).
Khi báo cáo và đàm phán, thỏa thuận, MobiFone sử dụng kết quả thẩm định thiếu căn cứ “nâng giá” AVG lên hơn 16.565 tỉ đồng.
Biết AVG là một "xác ướp" mà vẫn vui vẻ mua nó với giá trên trời thì thật khó hiểu.
Chuyện mua vào thì thế. Còn chuyện bán ra với giá như cho cũng rất đáng bàn. Người ta đã và đang xầm xì chuyện nhà nước bán đi những khối tài sản khổng lồ với giá rẻ không ngờ. Thí dụ dự án Cảng Quy Nhơn, Bình Định trị giá gần cả chục ngàn tỉ đồng, vậy mà có người chỉ cần bỏ ra khoảng 400 tỉ đã thâu tóm dễ dàng.
Cảng Quy Nhơn là một trong những tài sản của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Được biết, sau khi bán Cảng Quy Nhơn cho Công ty Hợp Thành với giá 17,8 triệu đô la Mỹ vào tháng 9.2013 thì đến tháng 9.2014 tỉnh Bình Định phê duyệt phát triển cảng này với quy mô gấp hơn 4 lần. Dự án được mở rộng lên 95 ha, sau đó lại bổ sung thêm 21 ha. Dự kiến lượng hàng hóa thông qua cảng mỗi năm sẽ tăng từ 7 triệu tấn lên 18 triệu tấn sau năm 2020 và 30 triệu tấn mỗi năm (sau 2030). Cảng Quy Nhơn sẽ là điểm tiếp nhận hàng hóa đầu mối quan trọng của các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên cho đến các cửa khẩu của Việt Nam ta sang các nước Lào, Campuchia.
Tôi không hiểu sao lại có cái giá bán như cho như vậy và các cơ quan bộ ngành, địa phương có liên quan liệu có tiêu cực gì không? Có lẽ, những cảng biển như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng và các cảng biển khác, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương có liên quan cần hết sức rút kinh nghiệm để tránh những khối tài sản khổng lồ rơi vào tay những “nhóm lợi ích" một khi họ đã muốn thâu tóm, mà những chuyện mua bán lại không được minh bạch.
Chính phủ vừa cho ra đời Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, một “siêu bộ". Một khi họ phải quản nhiều triệu tỉ đồng vốn nhà nước lại chưa thật nhiều kinh nghiệm thì thời gian tới sẽ rất cam go, phức tạp. Hy vọng rằng "việc làm" của ủy ban sẽ không thiếu khi họ sẽ phải tính toán cho thật sự khoa học để chống được thất thoát vốn nhà nước, như những ví dụ trên. Nhưng trước hết là giải cho được bài toán 12 dự án khủng đang bế tắc, đắp chiếu của ngành công thương. Nếu Ủy ban không đủ bản lĩnh và đủ mạnh thì sẽ rất khó. Hy vọng rằng sau thương vụ bê bối mua AVG của MobiFone, từ đây cung cách làm ăn nghiêm túc, trong sạch sẽ được tuân thủ trong việc cổ phần hóa hoặc mua bán vốn nhà nước. Chí ít thì họ cũng phải biết sợ mà chùn bước.
Quốc Phong