Cần một cuộc cách mạng trong tổ chức lễ hội đầu xuân
Góc bình luận - Ngày đăng : 09:01, 02/03/2018
Qua đó, ít nhiều thể hiện dấu hiệu tích cực, nói đã đi đôi với làm. Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều việc phải làm và phải làm tức thì khác nữa ngay từ đầu Xuân này để đem lại những truyền thống, nét đẹp văn hóa thực thụ trong các lễ hội, hiện đang có quá nhiều điều xấu cần phá bỏ.
Tôi rất đồng tình với nhiều ý kiến gần đây nêu việc xung quanh chuyện chẳng hay ho gì về "hủ tục" xin ấn ở đền Trần (Nam Định) diễn ra hằng năm vào đêm nay, 14 tháng Giêng. Thực tế, trong sử sách, làm gì có chuyện đức vua Trần nào khai ấn hàng năm là để ban phát các chức quan may mắn ấy. Nó thực sự chỉ là mở đầu cho một năm mới của chốn công đường đã bắt đầu đi vào làm việc. Ấy thế mà nhiều năm qua, nó đã bị biến dạng tự khi nào, trở thành chuyện khiến cả biển người từ mọi tỉnh thành hành hương về đây xin ấn đền Trần. Để rồi xem như đó là sự may mắn của đức thánh Trần ban phát sự may mắn cho giới quan chức hôm nay trên mỗi bước quan lộ của mình trong một năm...
Nó càng trở nên hài hước và nghịch mắt khi so sánh lễ hội đền Trần với lễ hội Minh thề ở thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng. Nó cũng trùng ngày với lễ hội đền Trần hôm nay. Thế nhưng hình như ngoài vị trưởng thôn hằng năm đọc lời tuyên thệ "không tham nhũng" thì hầu như không thấy bóng dáng vị lãnh đạo nào từ cấp huyện trở lên đến dự và thề như vị trưởng thôn nọ thề, trong sáng, nghiêm túc.
Được biết, lễ hội Minh thề lâu nay đã được công nhận là lễ hội truyền thống, di sản văn hóa cấp quốc gia. Nó là lễ hội được kết hợp giữa tín ngưỡng với giáo dục đạo lý nhân cách của mỗi con người. Rất đẹp trong đời sống văn hóa cần phát huy.
Tương truyền từ xưa, có một vị quan nọ ghé qua đúng dịp thôn này hành lễ. Lúc ông đến, vì không biết nên khi nghe lời tuyên thệ của vị trưởng thôn, ông quan nọ lặng lẽ chuồn trước mà không dám ở lại đến cuối để nghe cho hết và cùng cất chung một lời thề với dân địa phương vì sợ thánh phát hiện ra ông thề bậy.
Cũng vì tính "không hấp dẫn" nói trên, lễ hội Minh thề này đâu có cần người bảo vệ đến dễ sợ như lễ hội đức thánh Trần hôm nay. Tôi được biết, địa phương này đã phải huy động cả nghìn cán bộ, chiến sỹ trong ngành công an cùng nhân dân địa phương chốt chặn đến 23 điểm trong cả khu vực để đảm bảo an ninh trật tự cho lễ hội và nhất là đêm nay, đêm chính hội.
Tính chất văn hóa và nét đẹp của những lễ hội truyền thống nói trên đã bị mất đi nhanh chóng cũng từ thứ suy nghĩ đáng buồn trong xã hội chúng ta như vậy đó.
Tôi rất tán thành việc ai đó đề xuất nên ngừng tổ chức phát ấn nói trên tại lễ hội khai ấn đền Trần (tôi nhớ, đã từng có năm người ta còn khắc dấu ngược rồi đóng lên giấy mà mãi vẫn không hay vì có mấy ai đọc được chữ Nho!?).
Tôi cũng rất tán đồng việc ai đó đề xuất cấm đốt vàng mã tại các lễ hội, đền chùa. Nhiều khi thấy dân mình đốt một lượng lớn giấy vô bổ, tôi tự hỏi tại sao chúng ta lại có thể cuồng tín đến như vậy?
Nếu ai đã từng đi dự lễ hội Bà Chúa Kho (cũng khai hội ngày hôm nay tính theo ngày âm để cầu tài, cầu lộc trong làm ăn, buôn bán) ở tỉnh Bắc Ninh thì càng thấy hãi hùng bởi sự lãng phí công sức và của cải đến chừng nào cho xã hội.
Tất cả số "tiền" người dân đến đây "vay" từ bà Chúa Kho năm trước, năm nay khách thập phương họ sẽ buộc phải đến đây đốt trả, đương nhiên, lượng vàng mã này được đốt suốt 3 tháng ròng cũng sẽ nhiều hơn cả năm trước họ "vay" Bà Chúa Kho (vì đã "vay" thì phải trả" lãi"!).
Nơi đây có núi Kho, tương truyền là đền thờ bà Chúa Kho (người phụ nữ được giao nhiệm vụ lo chuyện quân lương cho quân dân ta chiến đấu chống giặc Tống xâm lăng (thời vua Lý Thường Kiệt).
Như vậy có thể thấy giá trị lịch sử và văn hóa của câu chuyện đã bị biến hóa đến phản tác dụng. Người ta làm ăn thất bại đến vay Bà thì đã là một lẽ đáng buồn. Ngay cả người làm ăn giỏi giang cũng muốn "vay thêm ở núi Kho này chút vốn liếng để làm ăn khấm khá thêm. Thật là một chuyện mê tín đến khó hình dung. Thử hỏi trong cuộc đầu cơ bất động sản năm nào để rồi nhiều đại gia cháy túi, vướng vòng lao lý đã ngẫm ra điều gì từ chuyện "vay" nói trên?
Nhiều người cho rằng, số vàng mã đốt riêng trong 3 tháng lễ hội này đủ xây cả nghìn ngôi nhà tình nghĩa cho người nghèo, cô đơn và gia đình thương binh, liệt sỹ mỗi năm. Rồi trên cả nước, nó càng là con số lãng phí khổng lồ hơn thế nhiều.
Nó cũng đủ để làm vô cùng nhiều những việc có ích khác nếu hủ tục đốt vàng mã từ nay sẽ được chấm dứt bằng những chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, dạng như chỉ thị cấm đốt pháo mà chúng ta từng làm vào thời kỳ mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt mạnh mẽ tuyên chiến. Chỉ thị đó đã thành công dù ban đầu cũng có những khó khăn này nọ.
Song có lẽ, không có gì là không thể nếu người dân hiểu, chia sẻ và ủng hộ chủ trương tích cực của Chính phủ. Quyết tâm xóa dần những hủ tục lãng phí tài sản, vật chất và tiền của như vừa nêu.
Nên nhớ, đất nước ta hiện có đến gần 8 nghìn lễ hội cả thảy. Cần có một cuộc cách mạng thực sự trong vấn đề văn hóa và cả kinh tế nói trên.
Quốc Phong