Hội đồng Chánh án ASEAN - kênh hợp tác quan trọng của Tòa án các nước ASEAN
Sự kiện - Ngày đăng : 19:28, 05/11/2020
Ngày 5.11 tại trụ sở TAND Tối cao, Hội nghị Hội đồng Chánh án ASEAN lần thứ 8 được tổ chức dưới hình thức trực tuyến tới các nước trong khu vực. Chánh án TAND Tối cao Việt Nam Nguyễn Hòa Bình cho biết, Hội đồng Chánh án ASEAN (CACJ) trở thành một kênh hợp tác quan trọng, giúp Tòa án các nước trong khu vực có điều kiện trao đổi thông tin, kinh nghiệm, tăng cường hiểu biết lẫn nhau và thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác.
Phát biểu bế mạc, theo Chánh án TAND Tối cao Việt Nam Nguyễn Hòa Bình, Hội nghị Hội đồng Chánh án các nước ASEAN lần này đã đạt được sự đồng thuận cao trong hầu hết các vấn đề; đã thông qua và ký kết Tuyên bố chung của Hội nghị, Tuyên bố Hà Nội, làm cơ sở để triển khai hoạt động của Hội đồng Chánh án trong nhiệm kỳ tiếp theo.
Phát huy những kết quả đã đạt được, ông Nguyễn Hòa Bình hoàn toàn tin tưởng rằng CACJ sẽ hoàn thành tốt mọi kế hoạch đề ra và sẽ ngày càng phát triển, lớn mạnh về tổ chức, sâu sắc về chuyên môn, tin tưởng và gắn kết trong quan hệ đối tác...
Đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam
Hội nghị CACJ đã ra Tuyên bố Hà Nội, có 24 ghi nhận và thỏa thuận, trong đó ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc đăng cai và chuẩn bị cho Hội nghị CACJ các nước ASEAN lần thứ 8.
Ghi nhận và đánh giá cao Singapore vì việc điều phối những nỗ lực của các Tòa án các nước ASEAN để thực hiện thành công hoạt động nâng cấp hệ thống cho Cổng thông tin điện tử Tòa án các nước ASEAN (AJP). Thỏa thuận rằng tất cả Tòa án các nước ASEAN sẽ thường xuyên cung cấp và cập nhật nội dung của AJP, bao gồm các bài viết về môi trường tư pháp, pháp lý và kinh doanh…
Thỏa thuận rằng Tòa án mỗi nước ASEAN cân nhắc chia sẻ kinh nghiệm phòng ngừa và đối phó với đại dịch COVID-19 của mình trên AJP qua việc cập nhật súc tích và nhanh chóng. Thỏa thuận cho phép Học viện Pháp luật Singapore tiếp tục làm đại diện cho Hội đồng Chánh án cũng như đơn vị vận hành AJP trong việc lựa chọn, ký kết hợp đồng và quản lý bên cung cấp dịch vụ để tiếp tục duy trì Phần dành cho công chúng và Phần dành cho thành viên của AJP.
Thỏa thuận để Nhóm công tác về Tống đạt giấy tờ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa các nước ASEAN nghiên cứu khung khổ pháp lý hiện hành tại mỗi nước ASEAN điều chỉnh thủ tục lấy chứng cứ cho vụ kiện nước ngoài và dựa trên nghiên cứu đó, xây dựng Quy tắc Mẫu, đệ trình báo cáo bao gồm các phát hiện và kiến nghị của mình tại Phiên họp CACJ tới để Tòa án các nước ASEAN xem xét.
Thỏa thuận để Nhóm công tác về Quản lý án và Ứng dụng Công nghệ tại Tòa án đệ trình CACJ xem xét trong phiên họp tới báo cáo tổng hợp về Khung khổ điều chỉnh trí tuệ nhân tạo về sử dụng trí tuệ nhân tạo, phù hợp với nguyên tắc pháp quyền và điều chỉnh việc phát triển, triển khai và sử dụng trí tuệ nhân tạo trong thi hành công lý, đưa ra quyết định tư pháp, quy trình của tòa án và quy trình quản lý vụ án trong khu vực ASEAN.
Ghi nhận ý kiến đề xuất của Việt Nam và Tòa án các nước ASEAN về những giải pháp đối phó với ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 với các mục tiêu, bao gồm giải quyết nhanh chóng các vụ án; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và trừng phạt nghiêm khắc và ngăn chặn vi phạm liên quan đến việc phòng, chống dịch bệnh, nhưng đồng thời vẫn phải đảm bảo an toàn và hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh trong quá trình xét xử.
Nhất trí để Việt Nam đưa ra đề xuất về việc thành lập diễn đàn đối thoại CACJ và cấp cao ASEAN cho Nhóm Nghiên cứu về các hoạt động của CACJ trong tương lai, và thỏa thuận giao cho Nhóm Nghiên cứu xây dựng và đệ trình báo cáo cùng các kiến nghị về vấn đề này tại Hội nghị tiếp theo…