Đòi nợ thuế cuối năm 'căng như dây đàn' vì mưa lũ, bệnh dịch
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 18:27, 05/11/2020
Căng thẳng thu thuế cuối năm
Tính đến cuối tháng 10, tổng số tiền nợ thuế đã tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có tới 50 địa phương có số thuế nợ tăng và 55 địa phương có tỷ lệ tổng nợ thuế trên tổng dự toán thu năm 2020 ở trên mức 5%.
Tổng cục Thuế lý giải nguyên nhân nợ thuế tăng là do bên cạnh những yếu tố khách quan như dịch bệnh COVID-19 thời gian qua, diễn biến phức tạp và bão lụt xảy ra tại các tỉnh miền Trung khiến người dân thiệt hại nặng nề, sản xuất kinh doanh thua lỗ, phải ngừng hoặc chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, không còn nguồn tài chính để trả tiền thuế nợ, thì còn nguyên nhân chủ quan là có nhiều trường hợp còn "chây ì" nộp thuế, nhiều cơ quan thuế lại không đốc thúc sát sao mặc dù số tiền thuế, tiền thuê đất đã hết thời gian gia hạn vào ngân sách.
Hiện nay vẫn còn 14/63 cục thuế chậm ban hành quyết định khoanh nợ, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp không còn khả năng nộp ngân sách. Tình hình đã khó nay lại càng khó khi 2 tháng còn lại những lý do khách quan vẫn là "gánh nặng" dẫn đến việc thu thuế rất nặng nề.
Tổng cục Thuế cho biết 2 tháng cuối năm phải thu 274.576 tỉ đồng. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thiên tai, bão lụt đang gây thiệt hại lớn về người và của ở các tỉnh miền Trung.
Tính đến hết tháng 10, ngành thuế thu được 979.724 tỉ đồng, bằng 78,1% dự toán. Trong đó, thu từ dầu thô đạt 29.484 tỉ đồng, thu nội địa đạt 950.240 tỉ đồng. Cùng với đó, ngành thuế cũng thanh tra, kiểm tra được 60.748 cuộc tại trụ sở doanh nghiệp và kiểm tra 521.605 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 51.380 tỉ đồng.
Phải cưỡng chế nếu "chây ì"
Hai tháng cuối năm, lãnh đạo Tổng cục Thuế yêu cầu các cơ quan thuế phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo chống thất thu ngân sách và thu hồi nợ thuế và các cơ quan như: các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, công an, tòa án, quản lý thị trường, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường... để xử lý thu hồi nợ, đặc biệt là xử lý các khoản nợ đọng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Các địa phương phải phân loại nợ, nguyên nhân nợ của từng người nộp thuế để áp dụng biện pháp thu nợ phù hợp với từng trường hợp nợ thuế. Đối với người nộp thuế bị thiệt hại do thiên tai, bão lụt, các cục thuế phải hướng dẫn để hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục và kịp thời xử lý hồ sơ đề nghị miễn tiền chậm nộp, gia hạn nộp thuế của người nộp thuế theo đúng quy định.
Cùng đó, Cục thuế các địa phương cần xây dựng kế hoạch thu tiền thuế nợ theo từng tháng đối với số tiền thuế nợ tại thời điểm 31.10.2020 chi tiết đến từng người nợ thuế.
Đối với các khoản tiền thuế, tiền thuê đất đã hết thời gian gia hạn nộp thuế, cơ quan thuế phải ban hành thông báo tiền thuế nợ và tiền chậm nộp gửi người nộp thuế ngay trong tháng kế tiếp tháng hết thời gian gia hạn.
"Trường hợp đã quá 90 ngày kể từ ngày hết thời gian gia hạn, cơ quan thuế cần thực hiện ngay các biện pháp cưỡng chế thuế để thu tiền vào ngân sách, không để phát sinh nợ mới trong những tháng cuối năm 2020", lãnh đạo Tổng cục Thuế nhấn mạnh.
Thời gian tới, Tổng cục Thuế cho biết sẽ lập đoàn công tác đôn đốc thu nợ thuế và kiểm tra tình hình thực hiện xử lý nợ thuế tới các địa phương trọng điểm có số nợ thuế lớn như: TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Phòng, Cần Thơ, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc... để phối hợp với các cục thuế đôn đốc thu nộp và thực hiện cưỡng chế thuế đối với một số người nộp thuế nợ thuế lớn, thời gian nợ thuế kéo dài.