Sóc Trăng: Nuôi hàng ngàn con rắn hổ mang, mỗi năm thu tiền tỉ

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 14:40, 05/11/2020

Với trang trại rắn hàng nghìn con phát triển điều đặn, sinh trưởng tốt, mỗi năm, anh Phan Thanh Bình, ngụ ấp Mỹ Lợi C, xã Mỹ Tú, H.Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng “đút túi” nhẹ nhàng hơn 2 tỉ đồng...

Nhiều năm trước, giữa làng quê nghèo khó, nhà ít đất sản xuất, anh Bình luôn đau đáu ước mơ làm giàu. Anh khởi nghiệp bằng cách nuôi ba ba, nuôi trăn nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Qua nhiều kênh thông tin anh Bình biết đến nghề nuôi rắn hổ mang nên mạnh dạn thử. Dù biết loài rắn này là kịch độc, nếu bị cắn mà không kịp thời cứu chữa sẽ bỏ mạng nhưng với tính cách ưa mạo hiểm và có niềm tin, anh Bình mạnh dạn đầu tư 70 con rắn hổ mang giống nuôi thử.

3.jpg
Những con rắn giống như thế này có giá từ 100.000 - 150.000 đồng - Ảnh: Thanh Nguyên

Ban đầu anh thả chung 70 con rắn giống vào 1 chuồng nên tỉ lệ sinh sống không cao. Thêm vào đó là lúc mới nuôi anh không có nhiều kinh nghiệm. “Rắn hổ mang ít bị bệnh, nhưng cũng không thể xem thường. Chúng có thể bị đường tiêu hóa, viêm phổi. Những bệnh này đều có thuốc trị được, mình chỉ cần tẩm vào thức ăn cho chúng”, anh Bình cho biết. Vụ rắn đầu tiên từ 70 con rắn, cuối cùng chỉ còn 35 con. Từ số rắn này, anh gầy dựng từ từ cho đến ngày nay. Sau 5 năm, hiện đàn rắn của anh luôn ở mức 5.000- 7.000 con.

4.jpg
Những con rắn trông rất đáng sợ - Ảnh: Thanh Nguyên

Anh Bình tiết lộ rắn hổ mang cần được nuôi nhốt riêng từng con. Nếu cho sống chung chúng sẽ cắn nhau, ăn ít đi. Để hiệu quả anh xây chuồng bằng gạch rồi phân chia thành từng hộc nhỏ. Mỗi hộc dài 1 mét, rộng 40 cm, cao 1 gang tay. Trong hộc anh để vào một ít đất ruộng phơi khô tạo môi trường giống tự nhiên cho rắn. Mỗi con rắn đạt trọng lượng 3kg, sẽ phải nuôi 15 tháng. Với giá bán lẻ hơn 700.000 đồng mỗi kg, mỗi năm xuất chuồng hàng ngàn con, gia đình anh Bình dễ dàng kiếm tiền tỉ.

5.jpg
Anh Bình dễ dàng bắt được con hổ mang hơn 3kg - Ảnh: Thanh Nguyên

Rắn giống có giá mỗi con từ 100.000-150.000 đồng, khi có người mua giống, anh Bình tận tình hướng dẫn, tư vấn phương pháp nuôi làm sao để đạt hiệu quả cao, rắn mau lớn. Trứng rắn hổ mang có tỉ lệ nở rất cao, đạt hơn 95%. Mỗi rắn cái 1 năm chỉ đẻ 1 lứa, dao động từ 20-30 trứng.

6.jpg
Chuẩn bị bữa ăn cho hàng ngàn con rắn - Ảnh: Thanh Nguyên

Thức ăn nuôi rắn hổ mang cũng rất đơn giản, anh Bình chủ yếu dùng vịt con mới nở, dùng máy nhổ hết lông rồi cho ăn. Đối với rắn trưởng thành, 5 ngày mới cho ăn 1 lần, đối với rắn con, anh cho ăn thịt vịt cắt nhỏ, 3 ngày 1 lần. “Mỗi lần cho đàn rắn ăn chi phí trên 2 triệu đồng. Vịt phải được nhổ sạch lông, không cần mổ bụng. Nếu để lông, rắn sẽ lâu tiêu hóa”, anh Bình cho biết. Hiện tại anh bình có 4 chuồng rắn, mỗi chuồng nuôi nhốt từ 1.000 - 2.000 ngàn con rắn ở độ tuổi khác nhau.

Tận mắt nhìn thấy lúc nhúc hàng ngàn con rắn hổ mang là một thử thách đối với người sợ rắn, nhất là loài rắn kịch độc này tính tình không hiền lành. Dù vậy với mô hình nuôi rắn khép kín, đàn rắn độc ngàn con của anh Bình chưa từng gây tai nạn.

Để bắt rắn anh Bình cũng dùng tay không và 1 cây gậy sắt có móc mà không cần bất cứ món đồ bảo hộ nào. Anh hướng dẫn: “Mình dùng cây móc ra khỏi chuồng, nắm kỹ đuôi của nó, cây móc giữ đầu rắn, vậy là bắt được, không có gì khó khăn”.

7.jpg
Không gian bên trong của 1 chuồng rắn - Ảnh: Thanh Nguyên

Sau 5 năm nuôi rắn hổ mang, anh Bình chưa bao giờ bị loài rắn này tấn công. Riêng em trai anh Bình có một lần bị rắn cắn. Nguyên nhân là trong lúc dọn vỏ trứng cho đàn rắn con mới nở, còn 1 con sót lại bên dưới lớp đất đã cắn vào tay anh. “Dù mới nở nhưng chúng đã có nọc độc, tay của tôi có cảm giác nhức và tê, phải đắp thuốc rồi đưa đến bệnh viện tiêm huyết thanh chống độc”, em trai anh Bình kể. Đó cũng là lần duy nhất đàn rắn của anh Bình cắn người.

Nuôi rắn hổ mang hiệu quả kinh tế cao mà công chăm sóc rất ít, hầu như trong các bữa ăn của chúng anh Bình chỉ cần tẩm thuốc hỗ trợ vào thức ăn. Chuồng trại thì sau 2 vụ rắn, tức 3 năm thì mới vệ sinh thay đất 1 lần. Anh Bình cho biết hiện đang nhân giống thêm cho đàn rắn vì sức tiêu thụ của thị trường ngày càng lớn và nhiều nông dân ở các tỉnh miền Tây cũng đang học hỏi để khởi nghiệp nuôi dưỡng loài rắn này.

Thanh Nguyên