"Lọc dầu Nghi Sơn gây thiệt hại lớn nhưng chưa ai bị xử lý?"
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:41, 05/11/2020
Thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng
Tại phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước sáng 5.11, ĐBQH Trần Quang Chiểu (Nam Định) nhắc lại tại kỳ họp tháng 10.2016 đã nêu vấn đề thiệt hại kinh tế quốc gia khi Chính phủ tiền nhiệm ký cam kết bảo lãnh của Chính phủ (GGU) với dự án nhà máy lọc dầu Nghi Sơn ưu đãi thuế nhập khẩu.
Ông Chiểu nhấn mạnh đến chỉ tiêu huy động từ 20-21% thuế, phí vào ngân sách trong 5 năm tới. Theo đó, cần tập trung sớm sửa đổi chính sách thu, đảm bảo tính trung lập thuế, mở rộng cơ sở thuế, có chế tài mạnh hơn trong vi phạm thuế, quyết liệt trong thanh kiểm tra, chống chuyển giá, trốn thuế, nợ thuế.
Theo đại biểu này, tại kỳ họp thứ 10 năm 2016 đã có phát biểu thiệt hại kinh tế quốc gia khi Chính phủ tiền nhiệm ký cam kết Bảo lãnh Chính phủ (GGU) với nhà đầu tư nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), ưu đãi thuế nhập khẩu 3-5-7%.
Theo tính toán, sau khi bù trừ tiền thuế, phí thuê đất… thì số tiền phải bỏ ra, trả thêm cho nhà đầu tư trong 10 năm khi nhà máy vận hành thương mại là 36,7 nghìn tỉ đồng với giá dầu 50 USD/thùng, lên 47,8 nghìn tỉ đồng nếu giá dầu là 60 USD/thùng và lên tới 88,1 nghìn tỉ đồng nếu giá dầu 100 USD/thùng.
Ông Chiểu cho biết Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đã giám sát chuyên đề này, nên ngoài số tiền thiệt hại nêu trên thì còn ba nội dung ưu đãi vi phạm; bao gồm: áp dụng thuế suất 10% thuế thu nhập doanh nghiệp toàn bộ đời dự án, giảm 50% với với thuế thu nhập cá nhân cho cán bộ cá nhân làm việc tại dự án, trong khi bất cứ thị trường ra sao thì Việt Nam vẫn phải tiêu thụ 100% xăng dầu sản xuất ra.
Đại biểu này nêu rằng, với ba cam kết trên đến nay chưa có cơ quan nào tính toán số tiền thiệt hại thêm cho ngân sách quốc gia là bao nhiêu. Chắc chắn không phải là nhỏ, lên tới hàng nghìn tỉ đồng, thậm chí là hàng chục nghìn tỉ đồng, cộng thêm ưu đãi cam kết thuế thì thiệt hại cho ngân sách rất lớn.
“Phải chăng đây là vụ việc gây thiệt hại kinh tế cho quốc gia lớn nhất hay không?”- ông Chiểu đặt câu hỏi và cho rằng mặc dù Thủ tướng, Chính phủ đã tích cực đề ra nhiều biện pháp khác nhau, GGU chỉ là thỏa thuận của Việt Nam với nhà đầu tư. Thủ tướng đã giao cơ quan chức năng nhiều lần thảo luận, đàm phán với nhà đầu tư giảm thiểu thiệt hại ngân sách, nhưng nhà đầu tư không nhượng bộ.
Đại biểu này cũng cho biết hiện Thủ tướng tích cực họp bàn phương án nguồn tiền ưu đãi, trình cơ quan thẩm quyền cho ý kiến, nhưng đến nay vẫn chưa đưa ra phương án và giải pháp tối ưu. Hơn nữa, GGU là thỏa thuận quốc tế nên không thể không thực hiện. Số tiền ưu đãi này trực tiếp cấp từ ngân sách nhà nước hay qua Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) thì đều là gánh nặng ngân sách quốc gia, tức là thuế.
“Số tiền rất lớn gây thiệt hại cho quốc gia, nhưng tại sao các cá nhân và tập thể sai phạm đến nay chưa được xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Cần sớm có câu trả lời công khai trước các cơ quan chức năng”, ông Chiểu đề nghị.
Đánh giá khách quan về thủy điện
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) tranh luận với một số ý kiến bàn về thủy điện. Tự nhận là dân “ngoại đạo” song ông Vân nhắc đến lịch sử xây dựng các dự án thủy điện, bắt nguồn từ dự án thủy điện sông Đà.
Theo ông, mặt tích cực của thủy điện là điều tiết lũ tốt nhưng mặt trái là việc lạm dụng trong xây dựng, lợi dụng địa điểm và quy trình khi đầu tư thủy điện.
“Đáng tiếc rằng một số chủ đầu tư lạm dụng công trình để trục lợi thông qua phá rừng, lấy nguồn gỗ quý của rừng tự nhiên. Điều này đáng lên án nhưng cần đánh giá khách quan, nhiều chiều và con người chính là chủ thể vi phạm pháp luật do lợi ích nhóm gây ra. Xử là xử động cơ mục đích của họ, không nên vì lũ lụt mà đổ hết cho thủy điện”, ông Vân nêu quan điểm.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho rằng dự án thủy điện có 2 mặt, nếu các cơ quan thực hiện đúng quy định thì nên ủng hộ. “Tôi kiến nghị Bộ trưởng cũng nên lưu ý những tiêu cực ấy nên được kiểm soát một cách hiệu quả hơn”.
Nhắc lại quan điểm của đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng các dự án thủy điện như quả bom nổ chậm, ông Thịnh cho rằng điều này cũng có phần đúng.
“Đây là nhận thức chủ quan trên điều kiện khách quan. Còn nếu đúng là quả bom nổ chậm thì chúng ta phải tháo”, ông Thịnh đề nghị.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng dự án thủy điện nào cũng có mặt tích cực và tiêu cực. Pháp luật đã có quy trình về pháp lý rất bài bản, đảm bảo hiệu quả trong từng dự án.
Về quản lý đất rừng tự nhiên, đại diện ngành công thương cho rằng khi triển khai dự án thủy điện có các khâu rất quan trọng. Đầu tiên là bổ sung quy hoạch, các địa phương có nhiệm vụ tuân theo các thông tư hướng dẫn, như Thông tư 43 của Bộ Công Thương.
“Trong đó nói rõ tiêu chí sử dụng đất thế nào, nếu vượt quá 10 ha đất cho 1 MW thì không được xem xét”, ông Trần Tuấn Anh nói.
Ông cũng cho biết thêm để bổ sung dự án thủy điện vào quy hoạch, Bộ phải xin ý kiến của rất nhiều bộ, ngành. Sau đó, cấp có thẩm quyền mới phê duyệt dự án đầu tư, quản lý các dự án đầu tư. Căn cứ theo luật định, cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương kiểm tra việc thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Ông Tuấn Anh cũng nói báo cáo đánh giá tác động có vai trò quan trọng, là căn cứ để cơ quan quản lý đánh giá tính khả thi của dự án. Báo cáo này đều được đăng công khai trên cổng thông tin điện tử các cơ quan chức năng.
Đối với thủy điện nhỏ đã hết khấu hao, hết vòng đời của dự án, căn cứ theo Luật Xây dựng, Luật Điện lực, các dự án này phải báo cáo về chất lượng hồ, đập, hướng sử dụng hoặc phải tháo dỡ.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) hỏi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp trước bao nhiêu diện tích rừng tự nhiên còn bao nhiêu rừng trồng? Còn ngày nay bao nhiêu rừng tự nhiên và bao nhiêu rừng trồng, bởi 2 loại rừng này có vai trò khác nhau.
Ông Nghĩa nêu quan điểm: “Dòng sông này chịu được bao nhiêu thủy điện? 3 cái nó khác và 8 cái nó khác. Tôi cho rằng trong kinh tế thị trường, vai trò làm kinh tế chủ yếu là doanh nghiệp và đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân. Doanh nghiệp tư nhân thì bản chất là tối đa hóa lợi nhuận, điều này không có gì xấu nhưng đôi khi xung đột với lợi ích của bộ phận khác. Chính vì vậy, chúng ta cần bàn tay vô hình của nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Nhà nước phải làm trọng tài, quan tòa để hài hòa các lợi ích”.