Lương, bổng, lậu ở Việt Nam cái nào cao nhất?
Góc bình luận - Ngày đăng : 18:51, 01/01/2018
Lương viên chức còm cõi mà nhiều người có biệt phủ thênh thang, thừa tiền cho con du học các nước phát triển, thậm chí mua nhà và nhập tịch ở đó. Nhà ở Mỹ nổi tiếng đắt đỏ nhưng số lượng người Việt mà đa phần là quan chức và doanh nghiệp mua nhà ở Mỹ thuộc top 10 thế giới, bỏ xa các nước ASEAN.
Ai bảo Việt Nam nghèo là phỉ báng. Nghèo mà xài toàn đồ xịn nhất nhì thiên hạ. Mặt hàng nào mới đều nhắm vào thị phần Việt Nam. Nghe nói có những mặt hàng sản xuất rất hạn chế, chỉ dành cho người Việt giàu có. Nghèo mà vác cả bao tiền mua nhà, mua xe. Nghèo mà ăn nhậu xả láng. Chẳng ai tin được. Có cả câu lạc bộ con nhà giàu, xài tiền như rác. Đi nước ngoài với các thiếu gia, thấy họ xài tiền mà hãi. Dân bản địa thì mắt tròn mắt dẹt vì kinh ngạc. Về các vùng quê, chỗ nào cũng thấy biệt thự hoành tráng, cả những nơi hẻo lành. Ở Việt Nam, có 3 loại nhà to nhất, nhìn vào là biết ngay. Nhà chùa thì có tượng Phật. Nhà thờ thì có thánh giá. Còn nhà nước thì có đủ kiểu, trừ thánh giá và tượng Phật.
So bảng lương viên chức, thì Việt Nam cực kỳ khiêm tốn. Nhưng cuộc sống thì ngược lại nên phải tìm mọi cách và bằng mọi giá vào được “biên chế”, để có lương bổng. Lương thì ít mà bổng thì nhiều. Đã bỏ vốn chạy việc thì phải tìm cách thu hồi vốn và kiếm lời. Thế là đẻ ra đủ cách làm khó dân, làm khó doanh nghiệp và cả làm khó nhau để moi tiền. Luật pháp Việt Nam mà nghiêm minh thì viên chức đói nhăn răng. Luật nào cũng khó thực hiện nghiêm túc, mập mờ chữ nghĩa để dễ bề và tùy tiện vận dụng. Luật càng mù mờ càng được thi hành triệt để. Các luật nghiêm túc dễ bị quên lãng vì làm đúng, cá nhân mình cũng chẳng được lợi lộc gì, chưa kể còn gây thù chuốc oán.
Công nhân quèn thì không có bổng mà chỉ có lậu - Lương lậu. Vì lậu nên không chính danh, trăm bề vất vả, tính toán để đối phó và vượt qua bão giá của cuộc sống. Được mệnh danh là giai cấp lãnh đạo cách mạng mà đời sống thì quá lam lũ và mù mịt tương lai. Chẳng biết cày mấy đời mới mua được nhà ở. Có khi mấy đời ở thuê, vì lương lậu thiếu trước hụt sau, làm gì có chuyện để dành mà mơ ước. Tôi lại nhớ những năm đại học thời bao cấp, học chính trị toàn chuyện lớn lao. Có ai đó đã tổng kết cuộc sống của sinh viên thời đó “Ăn như tù. Ở như tu. Học hành và nói chuyện như lãnh tụ”.
Công bằng mà nói, không phải viên chức nào cũng có bổng. Bổng tùy thuộc vào vị trí và công việc, chứ không phải muốn là được. Không ít viên chức phải bươn chải để sinh tồn, làm nghề tay trái hay tay phải gì cũng được, miễn là pháp luật không cấm. Thạc sĩ, chuyên viên của các sở mà lương và thu nhập chính chưa tới 4.000.000 đồng mỗi tháng. Lương hưu càng thảm. Lương thạc sĩ không đủ đóng tiền học cho con. Dù học trường công nhưng đủ thứ phí và phải học thêm. Muốn khỏi học thêm thì học trường quốc tế. Khổ nỗi, học phí các trường quốc tế phải hàng ngàn USD mỗi tháng, đắt nhất khu vực ASEAN. Nhưng trường nào cũng nườm nượp, không đủ chỗ.
Nói đi, phải nói lại. Lương viên chức Việt Nam thấp tè và không thể thấp hơn nhưng công việc lại nhàn nhã. Có thể đi sớm, về trễ, đặc biệt là thời gian nhàn rỗi trong giờ hành chính. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi còn là Phó Thủ tướng từng nhìn nhận “Chỉ 30% viên chức đáp ứng yêu cầu công việc”. Chuyên gia Phạm Chi Lan tiếp lời “30% còn lại chỉ đi làm cho có, kiểu sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”. Lúc còn làm Bộ trưởng Truyền thông và Thông tin, ông Lê Doãn Hợp bổ sung “30% còn lại chẳng những không làm được việc mà còn nhũng nhiễu, vòi vĩnh hối lộ”. Nói vậy, có thể giảm ít nhất 60% biên chế hiện nay. Nhưng giảm thế nào được, khi nhìn đâu cũng thấy họ hàng, thân tộc, đồng hương, đồng hữu?
Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, 93 triệu dân Việt đang phải còng lưng nuôi hơn 11 triệu người ăn lương và phụ cấp. Tỉ lệ dân phải nuôi viên chức ở Việt Nam là 8,3%. Trung Quốc là 2,8%. Nước Mỹ giàu có nhưng tỉ lệ chỉ 0,65%; nên khoảng cách thu nhập giữa Việt Nam và các nước cứ ngày càng xa. Tháng 10.2016, trong lần tiếp đoàn giám sát của Quốc hội, Chủ tịch quận Hải Châu (Đà Nẵng) là Lê Anh từng phát biểu “Chỉ cần 5 người chuyên nghiệp, có thể làm thay công việc 25 người hiện nay ở văn phòng ủy ban”.
Nghĩa là lương viên chức có thể tăng gấp ba, thậm chí gấp 5 nếu tổ chức bộ máy hiệu quả. Tăng thế nào được với bộ máy chồng chéo, công kềnh hiện nay. Sở Lao động Thương binh & Xã hội tỉnh Hải Dương có 44/66 biên chế là lãnh đạo, chỉ có 2 nhân viên nhưng Bộ Nội vụ vẫn khẳng định việc bổ nhiệm và sắp xếp “đúng qui trình”. Chỗ nào cũng “đúng qui trình” nhưng là qui trình nào. Phải chăng đó là những qui trình tư túi, tư lợi, làm hại cho đất nước thì phải xem lại, phải thay đổi.
Lương là kết quả của năng suất lao động. Lương thấp vì năng suất quá thấp, biết kêu ai bây giờ. Còn vì sao thấp lại là chuyện khác và vì nhiều lẽ. Trang thiết bị lạc hậu, điều kiện và ý thức lao động kém. Đặc biệt là việc tổ chức và sắp xếp bộ máy, cồng kềnh, phi lý. Báo chí và dư luận xã hội đã lên tiếng nhiều về nghịch lý này. Theo Tiến sĩ Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê “Năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% Singapore; 17,6% Malaysia; 36,5% Thái Lan; 42,3% Indonesia; 56,7% Philippines và 87,4% của Lào”.
Đọc mấy thông tin này, có người á khẩu. Có người cà lăm. Nếu người Việt làm việc hiệu quả như Singapore thì lương thạc sĩ bình thường sẽ là 60.000.000 đồng, cao hơn mức lương ở Singapore hiện hành. Điều khó hiểu nhất là năng suất lao động người Việt thua cả Lào. Lào đất rộng (bằng 2/3 Việt Nam) nhưng dân số chỉ hơn 7 triệu (bằng 2/3 dân số Sài Gòn). Người Lào sống chậm, vô lo, cứ đủng đỉnh, nhẩn nha, vừa làm vừa chơi mà năng suất lao động Việt Nam cũng thua họ thì bó tay. Thua Lào thì còn hơn ai được ở ASEAN? Nhiều người bảo chuyện kinh ngạc, khó hiểu đã lâu nên bất thường thành bình thường. Nguy hại là chỗ đó.
Việt Nam lại đang rục rịch tăng lương. Mừng đâu chưa thấy, chỉ toàn lo vì giá đã chạy trước. Bộ máy khổng lồ như vậy thì có in thêm tiền núi cũng không đủ tăng lương theo yêu cầu. Bệnh nặng mà cứ loay hoay xức dầu gió thay vì đại phẫu thì làm sao chữa được. Chỉ giảm đau kiểu cảm tính để tăng sức chịu đựng. Tăng lương để cải thiện đời sống như hiện nay giống như húc đầu vào đá. Cây bị bệnh từ gốc mà chỉ nhặt lá sâu thì trước sau cũng chết khô và bật rễ.
Thay vì tăng lương kiểu xức dầu gió, hãy làm cuộc đại phẫu mang tính cách mạng về bộ máy, có lộ trình cụ thể. Người Việt vốn thông minh và chăm chỉ, chưa thể đứng đầu thì cũng phải ở top 3 của ASEAN. Chứ để như hiện nay, thua cả Lào thì nhục không biết để đâu cho hết.
Trần Kù