Cần khắc phục tình trạng hiểu ’chữ tác thành chữ tộ’ trong luật
Góc bình luận - Ngày đăng : 07:18, 25/10/2017
Lý do là bác sỹ Truyện đã có dòng status trên Facebook khuyên Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nên nghỉ vì không về cơ sở nên không biết nỗi khổ của y bác sĩ tuyến dưới, yếu kém trong công tác tham mưu và vấn đề an ninh bệnh viện...
Trong các "tác phẩm" xử lý bác sỹ Truyện này, người ta thấy sự hiểu sai các quy định trong văn phong các văn bản pháp luật được họ trích dẫn làm căn cứ kỷ luật, xử phạt.
Trước hết, theo công văn của Chánh văn phòng thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Y tế, dòng status trên Facebook của bác sỹ Truyện như vậy là đã "bôi nhọ, gây mất uy tín, xúc phạm nhân phẩm, danh dự người đứng đầu ngành y; vì vậy ảnh hưởng uy tín ngành nói chung và tạo dư luận xấu, gây hoang mang, giảm sút niềm tin của người dân với cá nhân bộ trưởng nói riêng". Từ đó là lý do Bộ Y tế yêu cầu để Sở y tế và Sở TT- TT Thừa Thiên Huế, Trung tâm Y tế Phong Điền kỷ luật, xử phạt bác sỹ Truyện.
Tuy nhiên như vậy là từ Bộ Y tế cho đến Sở Y tế và Sở TT-TT Thừa Thiên Huế, Trung tâm Y tế Phong Điền đều đã hiểu "chữ tác thành chữ tộ" đối với quy định về "bôi nhọ, gây mất uy tín, xúc phạm nhân phẩm, danh dự" trong văn bản pháp lý. Các câu từ trong quy phạm các văn bản pháp lý luôn được diễn đạt theo nghĩa đen chứ không phải theo nghĩa bóng, cho nên không được hiểu theo lối suy diễn, vì như vậy hiểu sẽ bị sai lệch đi.
Theo nghĩa đen thì "Bôi nhọ" có nghĩa là bịa đặt những điều tiêu cực không có thật cho người khác. "Gây mất uy tín" có nghĩa là việc bôi nhọ đó được thực hiện lan truyền ra nhiều người. "Xúc phạm danh dự nhân phẩm" có nghĩa là công khai lăng mạ, miệt thị người khác.
Vậy khi xem xét đối chiếu với dòng status của bác sỹ Truyện khuyên Bộ trưởng Tiến nên nghỉ vì không sâu sát với thực tế, thì như vậy đâu phải là "bôi nhọ, gây mất uy tín, xúc phạm nhân phẩm, danh dự" như đại diện Bộ Y tế nhầm lẫn?
Từ việc hiểu "chữ tác thành chữ tộ" của Bộ Y tế, Sở Y tế Thừa Thiên Huế về quy định trong văn bản pháp lý, đã dẫn đến các quyết định kỷ luật của Giám đốc Trung tâm Y tế Phong Điền và xử phạt của Sở TT-TT Thừa Thiên Huế.
Thế nhưng các quyết định kỷ luật, xử phạt này cũng lại hiểu sai nốt khi áp dụng các quy định pháp lý để kỷ luật, xử phạt. Bắt đầu từ công văn của Sở Y tế Thừa Thiên Huế “đánh giá về sai phạm” của bác sĩ Truyện: “Hành vi sai phạm của bác sĩ Truyện vi phạm khoản 8, Điều 9 của Luật báo chí 2016." đã ngộ nhận Facebook là báo chí?
Trong Quyết định thi hành kỷ luật bác sỹ Truyện của Giám đốc Trung tâm Y tế Phong Điền, tại điều 1 nêu lý do kỷ luật là "vi phạm các quy định của pháp luật liên quan đến viên chức" mà không nêu ra được là vi phạm vào điều khoản nào của các quy định pháp luật ấy. Đã vậy, Quyết định kỷ luật cũng không nêu căn cứ vào kết quả họp Hội đồng kỷ luật, là bước quan trọng bắt buộc phải có khi tiến hành kỷ luật. Một quyết định hết sức tùy tiện, cẩu thả phải bị "loại ngay từ vòng gửi xe".
Sau nữa, là Quyết định xử phạt 5 triệu bác sỹ Truyện, thì lại đi dưới cái bóng của công văn yêu cầu xử lý của Bộ Y tế, cho nên cũng lại "hiểu chữ tác thành chữ tộ" y như công văn của Bộ Y tế, khi ngộ nhận hành vi bác sỹ Truyện là "bôi nhọ, gây mất uy tín, xúc phạm nhân phẩm, danh dự" người khác
Sự việc này làm người ta nhớ lại trong năm 2016 vừa qua, Bộ Tư pháp đã phải tuýt còi đến... 124 văn bản ban hành trái luật.
Như vậy là trên thực tế, tình trạng cán bộ ban hành văn bản pháp luật hiểu sai "chữ tác thành chữ tộ" các quy định của pháp luật đã không phải là ít. Và tất nhiên đã hiểu sai luật mà đem áp dụng thì sẽ có "án oan" xảy ra. Đó là hiện trạng đáng lo ngại, cần phải chấn chỉnh kịp thời.
Nên chăng, cần thiết phải tổ chức các cuộc thi sát hạch trình độ nhận thức hiểu luật cho các cán bộ làm công tác ban hành văn bản pháp luật. Vì đã áp dụng pháp luật mà lại hiểu "chữ tác thành chữ tộ" thì sai 1 ly đi 1 dặm, hậu quả là tai hại.
Phạm Mạnh Hà