‘Đồn điền’ BOT
Góc bình luận - Ngày đăng : 13:57, 27/08/2017
Hãy nhớ tài xế đưa tiền lẻ ở Cai Lậy không trả thiếu một cắc bạc nào với chủ đầu tư BOT. Đấy là những đồng tiền từ lao động lương thiện mà có nhưng họ dám đề xuất cấm sử dụng nó khi ô tô qua đây cho thấy cách tư duy của chủ dự án BOT này không khác gì chủ của một đồn điền bóc lột phu phen. Nó chỉ khác là đồn điền xưa tồn tại bằng lao động cưỡng bức, còn “đồn điền” BOT Cai Lậy dân không sử dụng sản phẩm đường tránh cũng phải trả tiền từ mồ hôi, sức lao động của mình.
Nhưng không chỉ có BOT Cai Lậy. Suốt dọc quốc lộ 1A, có đến 8 trạm BOT đặt nhầm chỗ, khai thác lợi nhuận như một “đồn điền” kiểu mới mấy năm nay nhưng không được chỉnh đốn đến nơi đến chốn. Tai tiếng nhất có lẽ là trạm thu phí Tào Xuyên, phục vụ tuyến tránh thành phố Thanh Hóa dài chỉ 9,98km mà đầu tư đến 822 tỉ đồng theo hợp đồng BOT, thu phí từ năm 2009. Trạm này đặt trên quốc lộ 1A, không đặt trên tuyến tránh, mức phí thu bằng 2 lần phí đường bộ được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Năm 2012, thừa thắng xông lên, “đồn điền” Tào Xuyên thay bằng trạm Dốc Mây cách đó 50km, không liên quan gì đến tuyến tránh Thanh Hóa.
Rồi “đồn điền” BOT Phú Thượng-Phú Gia ở huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế được cho đặt ở thị trấn Lăng Cô, nơi không liên quan đến hầm đường bộ Phước Tượng-Phú Gia mà công ty cổ phần Phước Tượng-Phú Gia đầu tư, khiến xe cộ người dân ở Lăng Cô không sử dụng 2 hầm đường bộ này cũng phải trả phí bất công.
Kỳ lạ nhất có lẽ là cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ mới chỉ được sửa chữa, rải thảm mặt đường cũ, tương đương 30% tổng đầu tư của DA, nhưng Bộ GTVT và Bộ Tài Chính đã cho nhà đầu tư thu phí tương đương đường cao tốc xây dựng mới (1.500 đồng/km), một sự bất hợp lý và bất thường mà Thanh tra Chính phủ đề nghị: “Cần làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân”.
Từ đây mới thấy, để thoát khỏi hình ảnh của những “đồn điền” bóc lột khét tiếng xưa kia thì các dự án BOT cần hoàn toàn minh bạch, không ôm co lợi ích nhóm, không đánh lừa dư luận, không trục lợi bằng mọi cách, và phải sòng phẳng với người dân.
Dĩ nhiên BOT là cần thiết để phát triển hạ tầng, nhưng cách không ít BOT trục lợi bất chính đang làm tổn hại nguồn lực phát triển của địa phương và quốc gia, qua đó cản trở phát triển hạ tầng. Hình ảnh BOT như những “đồn điền” lạm thu tiền bạc của người dân đang làm xói mòn niềm tin đối với các cơ quan chức năng hoạch định và cho phép BOT hoạt động. Nếu không có chấn chỉnh kiên quyết từ bây giờ, hạ tầng và túi tiền của dân sẽ bị bào mòn đến khô quắt.
Nếu phu đồn điền ngày xưa bị vắt kiệt sức lực cho giới chủ làm giàu thì phu xe ngày nay phải nộp phí, cũng là nộp mồ hôi, công sức cho giới chủ BOT dưới cái tên mĩ miều: “Thu theo hợp đồng BOT”. Trên thực tế, không một trạm BOT nào công khai bản hợp đồng đó cũng như dự án đi kèm cho người dân được biết. Chính vì thế mà nhiều “đồn điền” BOT thu phí đặt sai vị trí mà phải thật lâu cơ quan giám sát hoặc thanh tra mới có thể kết luận.
Bắt đầu từ trạm thu phí Bến Thủy, giới lái xe đã phát hiện Cienco 4 thuộc Bộ GTVT đặt sai vị trí khiến người dân bức xúc dùng tiền lẻ trả phí, đỗ xe chắn trạm nhằm phản đối sự vô lý này. Cũng sau thật nhiều bút mực, thật nhiều ý kiến của người dân, của cộng đồng mạng, BOT Bến Thủy mới chịu nhân nhượng trước sự đúng đắn của người dân. Trước đó bao nhiêu kiến nghị đều rơi vào thinh không.
Từ nhiều “đồn điền” BOT đặt sai chỗ, người dân mới bắt đầu kích hoạt biện pháp tương tự như Nghệ An, Hà Tĩnh và phát hiện ra BOT Cai Lậy dối trá như thế nào. Và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giám sát loạt BOT trên quốc lộ 1A cũng phát hiện 8 hợp đồng BOT cho đặt sai vị trí trạm thu phí, gây bất công với người dân không sử dụng đường mà vẫn phải trả phí.
Đồn điền ngày trước mang nhiều nghĩa bóc lột, “đồn điền” BOT như Cai Lậy ngày nay mang nghĩa kiểu mới nhưng bản chất vẫn là bòn rút mồ hôi lao động của người dân mà thôi. Trước sự phản ứng ngày càng rõ ràng của người dân, chắc chắn không nên để tồn tại những “đồn điền” BOT như thế.
Quốc Nam