Cậu bé 7 tuổi tìm thấy hóa thạch khủng long 250 triệu năm

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 17:30, 02/11/2020

Cậu bé Dmitry Sirenko ở Nga đã phát hiện ra hóa thạch của loài bò sát biển thời tiền sử ở ven biển đảo Russky.
cau-be1.jpg
Người đầu tiên phát hiện ra hóa thạch này là cậu bé Dmitry Sirenko - Ảnh: Instagram

Các hóa thạch được tìm thấy khi một nhóm những người đam mê khủng long địa phương đang kiểm tra bờ biển của đảo Russky, theo người phát ngôn của Thủy cung Primorsky. Người đầu tiên phát hiện ra những hóa thạch này là cậu bé Dmitry Sirenko (7 tuổi).

“Cháu rất yêu thích khủng long và mơ ước tìm thấy bộ xương của một con khủng long thực sự. Cháu luôn nhìn những tảng đá và hỏi mẹ đó có phải khủng long không. Khi đang chơi đùa với em gái ở bờ biển, cháu trông thấy tảng đá khác thường này”, Sirenko chia sẻ.

nha-co-sinh-vat.jpg
Nhà cổ sinh vật học địa phương đang xem xét các hóa thạch - Ảnh: Instagram

Hai nhà cổ sinh vật học địa phương xác nhận rằng những dấu vết kỳ lạ trên đá thuộc về thằn lằn cá (ichthyosaur), một loài bò sát biển thời tiền sử. Các nhà nghiên cứu cho biết xương lồng ngực của sinh vật này “rất dễ nhìn thấy” và cột sống có thể còn nguyên vẹn.

“Vẫn còn một điều bí ẩn là liệu có mảnh xương hộp sọ nào nằm trong đá hay không. Nếu có thì điều đó sẽ vô cùng tuyệt vời”, nhà cổ sinh vật học Yury Bolotsky cho biết. “Tuy nhiên, con thằn lằn cá này có thể đã mất đầu từ 250 triệu năm trước”.

cau-be2.jpg
Những dấu vết kỳ lạ trên đá thuộc về loài thằn lằn cá (ichthyosaur) - Ảnh: Getty Images
than-ca.jpg
Thằn lằn cá được mô tả là một trong những loài động vật lớn nhất từng sống trên Trái đất - Ảnh: Instagram

Tảng đá với hóa thạch đã được chuyển đến Thủy cung Primorsky để nghiên cứu thêm. Các nhà khoa học dự định sẽ cắt từng lớp đá để kiểm tra xem liệu có hộp sọ bên trong hay không và xác định chính xác lớp của con khủng long.

Ichthyosaur được mô tả là một trong những loài động vật lớn nhất từng sống trên Trái đất. Cơ thể của nó được cho là dài tới 26 mét.

Long Hải