Khi người của Bộ Y tế phát ngôn về vụ VN Pharma 'không ai học dược'!
Góc bình luận - Ngày đăng : 15:40, 05/09/2017
Tôi hơi thất vọng khi đọc trên báo khoảng chục hôm nay thấy có những điều tưởng như không quá khó khi tìm ra một định nghĩa tạm gọi là đủ ý về khái niệm thế nào là hàng giả? Thế nào là thuốc chữa bệnh giả? Với ngay cả các cơ quan tố tụng pháp luật cũng vậy, muốn xử đúng người, đúng tội trong vụ án xảy ra tại Công ty VN Pharma hôm mới đây, lẽ ra cũng cần thống nhất khái niệm. Chỉ có vậy mới tránh được điều tiếng cho những người tham gia tố tụng.
Trên diễn đàn chính thức mà các cơ quan truyền thông trích dẫn, đại diện Bộ Y tế luôn khăng khăng cho rằng lô thuốc H-Capita do Công ty VN Pharma nhập chỉ là thuốc kém chất lượng chứ không phải thuốc giả. Họ viện dẫn cả đến Luật Dược (năm 2005) với điều nọ, khoản kia, nói này, nói nọ để biện minh thì ai chẳng phải tin. Nếu không có chút kiến thức nhất định về dược học như tôi chẳng hạn, có lẽ tôi cũng phải im lặng mà nghe và tin vào họ. Không lẽ nơi đây có cả một cơ quan cấp cục, gọi là Cục Quản lý dược mà lại non kém kiến thức đến thế là sao?
Đọc trên nhiều tờ báo mấy bữa nay, tôi thấy mà tá hoả bởi những chuyện không ai dám nghĩ tới. PGS.TS.DS Phạm Khánh Phong Lan, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đại biểu Quốc hội khóa XIV cho rằng, tất cả những người trên Bộ Y tế vừa phát ngôn trên các báo này đều không ai có chuyên môn về dược. Thật vậy sao?
Hãy nghe bà nói: “Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, đại diện cho Bộ Y tế nói thuốc H-Capita 500mg Caplet là thuốc thật, nhưng ông cũng chỉ là một bác sĩ, chứ không phải là dược sĩ; còn lại những người khác nói thuốc này là thuốc thật mà tôi biết đều là những người không có chuyên môn về dược, kể cả PGS.TS Trần Thị Hồng Phương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y dược Cổ truyền (Bộ Y tế) - lên tiếng với báo chí mới đây cũng không có kiến thức về dược”- bà Lan khẳng định.
Khi được hỏi, liệu bà có chấp nhận ra đối chất nếu Bộ Y tế thành lập hội đồng để phản biện việc này không thì bà nói sẽ rất sẵn sàng bởi bà tin vào kiến thức chuyên môn được đào tạo và hành nghề nhiều năm của bà. Bà Phong Lan cho hay: "Tôi rất bức xúc không hiểu tại sao mọi người luôn kêu gọi bắt và trừng trị nghiêm khắc những người sản xuất, buôn bán thuốc giả nhưng khi chúng ta đã bỏ công sức bắt được rồi thì lại đánh tráo khái niệm để tạo điều kiện cho những kẻ vi phạm thoát tội”.
Một điều làm tôi hơi bất ngờ là khi bà nói: "Tôi là một người học chuyên ngành về dược, được đào tạo bài bản ở trong nước và nước ngoài, từ đại học, đến tiến sĩ rồi được phong hàm Phó giáo sư, tôi có thể thẳng thắn tranh luận về vấn đề này đến cùng. Thật ra đến giờ tôi chưa thấy có nhà chuyên môn nào trong lĩnh vực dược nói đây là thuốc thật cả, còn những người nói đây là thuốc thật đều là những người ngoài chuyên môn về dược".
Có lẽ bà Phong Lan đã rất dũng cảm khi nói vậy mà không ngại "đụng" đến sự tự ái của Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến, âu bà cũng vì cái chung. Tôi tuyệt nhiên không hề có ý coi thường ông, vị Giáo sư, tiến sỹ Y khoa, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới mà còn rất muốn chia sẻ với ông khi bị Bộ trưởng phân công oái oăm như thế, bởi tôi biết rõ GS Viết Tiến vốn là nhà ngoại khoa chuyên về sản rất tài năng, từng được mệnh danh "người có đôi bàn tay vàng trời cho".
Song dù sao, Bộ Y tế cũng không nên làm khó ông như thế. Không nên để ông Tiến phải chịu trận như vậy trong khi bộ này có hẳn vị Thứ trưởng kiêm Cục trưởng cục Quản lý dược ngồi đó. Hơn nữa, thời điểm xảy ra vụ việc năm 2014, ông Trương Quốc Cường chưa ngồi ghế Thứ trưởng mà vẫn là Cục trưởng của chính cái cục cấp giấy phép cho lô thuốc này vào Việt Nam (Giám đốc VN Pharma bị bắt từ tháng 9.2014, tới giờ đã 3 năm, Bộ Y tế xử lý kiểu gì mà lãnh đạo Cục Quản lý dược vẫn tiếp tục được lên chức cao hơn?) cho nên trách nhiệm của ông Cường đến đâu, tôi nghĩ cũng không thể ngoài cuộc. Tất nhiên, cũng không loại trừ khả năng Bộ trưởng Kim Tiến muốn cho sự việc được khách quan hơn nên không muốn ông Cường xuất hiện chăng?
Nếu đọc trên báo Pháp luật TP.HCM hôm 4.9 thì sẽ thấy cuộc trao đổi với ông Trần Hùng, Phó chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) cũng sẽ vỡ ra nhiều điều. Ông Trần Hùng, trong các mảng công việc được Ban 389 phân công theo dõi thì cũng có cả ngành y tế. Cho nên theo ông Hùng, "ngay từ khi kinh doanh loại thuốc này, Công ty VN Pharma đã có ý định không trung thực. Họ nại ra cái tên của một công ty không có thật ở Canada dùng làm tên hãng sản xuất để phục vụ mục đích kê khai hồ sơ nhập khẩu thuốc. Như vậy, họ đã cố tình giả mạo nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, tem nhãn, bao bì có chỉ dẫn giả mạo nơi sản xuất, đóng gói, vi phạm theo điểm e khoản 8 Điều 3 Nghị định 185/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Vì thuốc là hàng hóa đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người nên chắc chắn các quy định có liên quan còn ngặt nghèo hơn. Với tổ thẩm định của Cục Quản lý dược Bộ Y tế, gồm 10 chuyên gia giỏi, chia thành hai nhóm kiểm tra, đánh giá trước khi xét duyệt, tôi không rõ quá trình thẩm định nguồn gốc, xuất xứ số thuốc này của Công ty VN Pharma được thực hiện theo cách thức, quy trình nào. Các mã vạch ở vỏ hộp thuốc cũng có thể là nguồn tra cứu trực tiếp, đơn giản và hữu dụng. Tất cả mã vạch chuẩn được đăng ký toàn cầu và rất nhiều trang web có mục tra cứu, quét bằng điện thoại smartphone thông dụng để một người tiêu dùng bình thường cũng có thể kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa mình sử dụng.
Nói ngắn gọn H-Capita là hàng giả, thuốc giả và cần được xử lý đúng tội danh buôn bán hàng giả và yếu tố nghiêm trọng đó là thuốc chữa bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người. Đây là tội ác!"
Liên quan đến vụ VN Pharma làm giả giấy tờ để nhập thuốc chữa ung thư, cùng những tranh luận về thuốc giả, thuốc thật, thuốc nhập lậu và thuốc kém chất lượng, GS.TS Phạm Gia Khải, chuyên gia cao cấp trong Ban bảo vệ sức khoẻ Trung ương nhiều năm nay cho biết: “Nếu đã là thuốc thì giấy tờ phải hợp lệ. Nếu thuốc thật thì làm sao phải làm giấy tờ giả? Có những thuốc lý luận tốt nhưng tương đương về lâm sàng không có. Lâm sàng mới là thước đo cuối cùng...".
Ông nói thêm: "Tôi kể chuyện này: Một công ty nổi tiếng là Boehringer Ingelheim của Đức tiến hành thử nghiệm lâm sàng chứng minh Telnisantan (biệt dược Micardis) cộng với Ramipril (tên một loại thuốc ức chế men chuyển) thì cho kết quả hạ huyết áp tốt. Thế nhưng trên thực nghiệm, làm trên hàng trăm người, người ta thấy rằng nó không phải như vậy. Những người suy thận, kali cao thì dùng như vậy nguy hiểm. Và cuối cùng chỉ công nhận được: Telnisantan và Ramipril giá trị như nhau nhưng dùng riêng rẽ, không nên dùng phối hợp”.
"Mình nghĩ rằng tốt, nhưng trên thực tế nó không tốt như vậy. Thực tế lâm sàng khác với suy luận của mình. Một công ty nổi tiếng và được thế giới công nhận mà còn như vậy. Trong y học không có suy luận.
Trở lại vụ việc ở Công ty VN Pharma, tôi thấy nó là dấu giả, giấy giả, công ty cũng giả nốt, nếu thuốc vẫn tốt, vậy thì cần gì dấu với giấy tờ nữa, cứ nhập thuốc thôi!"- GS Khải phân tích.
Việc Viện Kiểm sát NDTC và Toà án NDTC, sau phiên toà sơ thẩm, trước bức xúc của dư luận đã cùng có ý kiến chỉ đạo cấp dưới xem xét lại quá trình điều tra, ra cáo trạng và xét xử vụ án nói trên; Thủ tướng cũng yêu cầu Thanh tra Chính phủ thanh tra toàn diện công tác quản lý dược của bộ Y tế, đã cho thấy tất cả đều đang vào cuộc và không tha thứ cho những dấu hiệu khuất tất đã và đang diễn ra ở lĩnh vực chuyên doanh nhạy cảm nói trên. Tôi nghĩ, chỉ có làm nghiêm khắc và làm tới cùng sự việc như thế thì mới có khả năng răn đe những hành vi vi phạm kiểu như thế về sau. Hy vọng vào một Chính phủ hành động, liêm chính cũng chính là từ những việc rất cụ thể như thế này.
Quốc Phong