Bỏ biên chế: Nên bắt đầu từ đâu?
Góc bình luận - Ngày đăng : 18:42, 13/06/2017
Câu hỏi là vì sao một nền kinh tế thị trường được vận hành hơn 30 năm qua từ thời đổi mới mở ra nhiều lựa chọn việc làm mà khu vực nhà nước vẫn cứ có sức hút kỳ lạ? Vì sao mà một chân biên chế lương vẫn ba cọc ba đồng mà vẫn thu hút nhân lực, đến mức một chỗ làm lương vài triệu mà có người phải lén lút chạy chọt vào làm với cái giá hàng trăm triệu như một số ví dụ được các nhà quản lý nêu ra?
Khoảng 5 năm trước, ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, đã nêu ra một cách cụ thể nghịch lý này. Ông phát biểu thẳng thắn: “Tiền chạy của các thí sinh để đỗ công chức không dưới 100 triệu đồng. Nói đến điều này là rất đau lòng, nhưng đây là thực trạng đang tồn tại”. Có lẽ, cũng như ông Dực, nhiều người trong xã hội đang đặt ra câu hỏi có hay không một "thị trường" biên chế?
Đây có thể là một trong những lý do vì sao lực lượng biên chế cứ “phình” ra mãi làm tăng gánh nặng ngân sách như Bộ trưởng Tài chánh Đinh Tiến Dũng vừa phát biểu. Nó “phình” ra tới mức mà theo thống kê hiện tại thì dân số nước ta khoảng 90 triệu người mà đã có đến 11 triệu người có thu nhập từ ngân sách!
Một con số khổng lồ ngân sách phải chi trả cho lực lượng lao động này. Đó là chưa kể mức chi trả “mềm” từ xã hội, có lẽ ở mức còn “khổng lồ” hơn nữa, dưới những dạng phần thu có lẽ là “hấp dẫn” nhất đối với một bộ phận không nhỏ lực lượng biên chế, như từ tham nhũng, hối lộ, “bôi trơn”, “chân trong chân ngoài”… Có thể dẫn chứng điều này theo một thống kê của Thanh tra chính phủ kết hợp với Ngân hàng thế giới năm 2012, có đến 79% viên chức nhà nước hưởng lợi từ những nguồn thu nhập không thuộc quy chế.
Đông đảo là thế, nhưng hiệu quả lao động của lực lượng này là có cao không? Cũng theo ông Trần Trọng Dực, có đến “40% cán bộ đang hưởng lương nhà nước không đáp ứng được công việc”. Nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã từng phát biểu rằng: “70% lao động thuộc khu vực nhà nước mà chỉ tạo ra 15% GDP là không đạt”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng chỉ ra là có 30% cán bộ công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Hay mới đây nhất, trong hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, “ông bầu” Nguyễn Văn Đệ nêu ra tỉ lệ đến “50% cán bộ đi chơi rất nhiều, ngồi bói chữ hơn là làm”. Đó là còn chưa kể tới việc không ít các viên chức “làm khó” các hoạt động sản xuất kinh doanh để có được “thu nhập không thuộc quy chế”.
Câu hỏi và lời giải cho chuyện tinh giảm biên chế có lẽ nên bắt đầu từ “lực lượng” này trong bộ máy nhà nước. Vì sao chúng ta thấy được bệnh mà không có phương thuốc chữa bệnh? Vì sao một lực lượng có thể đông đến 30%, 40%, thậm chí 50% công nhân viên chức “ăn hại” mà ta không tìm cách đào thải, lại đi nhắm cụ thể vào lực lượng giáo viên, những người làm việc vẫn tương đối hiệu quả, như đề xuất mới đây của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ?
Nếu tinh giảm được lực lượng hùng hậu những công nhân viên chức làm việc thiếu tinh thần, thiếu hiệu quả hay thậm chí gây hại này thì xã hội mới giảm được gánh nặng trả lương, việc nâng lương người lao động có cơ hội thực hiện, mới thoát khỏi vòng lẩn quẩn: lương thấp - làm việc thiếu hiệu quả - kinh tế chậm phát triển - lương thấp…
Có thể lấy bài học từ Singapore cho việc giải bài toán về hiệu quả hoạt động nhà nước này. Lúc sinh thời, cố thủ tướng Lý Quang Diệu đã quan niệm nhà nước như một doanh nghiệp lấy hiệu quả làm thước đo hàng đầu. Những viên chức nhà nước được xem như các nhà quản lý công ty, nhận lương cao không thua gì các quản lý công ty tư nhân, nhưng phải hoạt động hiệu quả và tuyệt đối không tham nhũng.
So sánh ngược lại với nước ta thì chắc chẳng có một quy trình quản lý nhà nước nào tương tự như các doanh nghiệp tư nhân quản lý khá phổ biến theo tiêu chuẩn ISO, một quy trình quản lý khoa học từ việc mô tả công việc đến đánh giá hiệu quả, truy xét trách nhiệm khi có sai sót… Như đề xuất bỏ biên chế ngành giáo dục của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, sẽ rất khó có căn cứ về hiệu quả lao động để đánh giá ai là người phải chịu loại bỏ, ai là người không, kể cả ông Bộ trưởng…
Do vậy, không phải việc chuyển biên chế giáo viên sang hợp đồng là một biện pháp giảm biên chế, mà chính là việc triệt để chống tham nhũng mới là biện pháp bước đầu cho việc tinh giảm biên chế. Đó sẽ là một mũi tên trúng nhiều đích: làm trong sạch hoá xã hội, giảm được những mối gây hại trong nền kinh tế chính trị và giảm đáng kể lượng biên chế đang “khủng hoảng thừa”…
Đoàn Đạt