Thương lắm Sơn Trà!
Góc bình luận - Ngày đăng : 13:56, 22/06/2017
Sơn Trà, thật ra là Sơn Chà, nghĩa là cây chà là núi, chứ không phải là chà cá hay rừng cây trà. Người dân gọi riết thành quen, mấy chục năm nay thành Sơn Trà. Là quận, bán đảo, khu bảo tồn sinh thái của thành phố Đà Nẵng và mới được quy hoạch thành trọng điểm du lịch quốc gia. Từ quốc lộ 1, ở Huế vào hay Đà Nẵng ra, khách nào cũng tỉnh ngủ để chiêm ngắm và ao ước làm quen, bởi Sơn Trà như một người đẹp mê hoặc. Bán đảo như hành cung che chắn gió, ngăn bão, canh giữ đất trời; là điểm cao chiến lược quân sự để kiểm soát toàn khu vực; là đài khí tượng thiên nhiên và là lá phổi của người dân khắp vùng. Hải Vân và Sơn Trà “nối vòng tay lớn”, kết thành cánh cung là vịnh (dân gian gọi là vũng) Sơn Trà, hay còn gọi bằng nhiều tên khác như Tiên Sa, Thùng, Hàn, Ðà Nẵng.
Thuở xưa, Sơn Trà là hòn đảo gồm 3 ngọn núi. Ngọn Đông Nam giống con nghê chồm ra biển, nên gọi là hòn Nghê. Ngọn Tây tựa cái mỏ diều hâu, nên gọi là ngọn Mỏ Diều. Ngọn Bắc vươn dài như cổ ngựa, nên gọi là ngọn Cổ Ngựa. Cả ngàn năm, dòng nước biển ven bờ kiên trì tải phù sa, bồi đắp dần, nối đất liền với đảo, tạo thành Sơn Trà với những bãi tắm nổi tiếng như Mỹ Khê, bãi Rạng, bãi Đa, bãi Bụt, bãi Phạm Văn Đồng, T 20 và nhiều khu nghỉ dưỡng tầm vóc. Cùng với cầu Thuận Phước, con đường ven biển vòng quanh bán đảo nối kết Đà Nẵng với Sơn Trà, khu bảo tồn thiên nhiên bên hông thành phố với những giá trị không đâu có được. Rừng Sơn Trà ngút ngàn xanh, bộ sưu tập động thực vật của hai miền Nam - Bắc, là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho người dân với hàng chục suối nước đẹp hoang sơ.
Khối núi Sơn Trà dài 13km, rộng từ 1,5 - 5km; chu vi khoảng 60km, 3/4 giáp biển. Độ cao trung bình 350m, cao nhất là đỉnh Ốc 996m, tiếp đến là điểm tháp truyền hình cao 647m, đỉnh Quả cầu cao (đài kiểm soát không lưu) 621m. Sơn Trà có giá trị lưu trữ đa dạng sinh học ven biển rất lớn, là một phần của vùng sinh thái Trường Sơn - một trong 200 vùng sinh thái tiêu biểu toàn cầu với nhiều loài động thực vật độc đáo. Có 985 loài thực vật bậc cao thuộc 143 họ với 57 loài cho củ, quả làm thức ăn. Động vật có 380 loài thuộc 106 họ, trong đó có 29 loài thuộc nguồn gen quý, hiếm cần ưu tiên bảo tồn như voọc chà vá chân nâu, khỉ vàng, mèo rừng, chồn bạc má... Nổi bật nhất là quần thể linh trưởng đặc hữu của Đông Dương - voọc chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus) - với số lượng đến tháng 5.2017 là 1.350 cá thể, đông nhất thế giới.
Voọc chà vá chân nâu là loài sinh vật chỉ thị môi trường và là nguồn gen quý hiếm. Loài khỉ ăn lá này có lông 5 màu (ngũ sắc), được Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã quốc tế (Worldlife Conservation Society – WCS) tôn vinh là "nữ hoàng của các loài linh trưởng" nhờ vẻ đẹp khác thường. Chà vá chân nâu thuộc họ khỉ cựu thế giới (để phân biệt với loài khỉ tân thế giới), được biết đến từ năm 1771 nhưng cuối thế kỷ XX mới được kết luận là loài riêng. Voọc chà vá chân nâu tìm thấy ở Sơn Trà vào năm 1969. Chúng sống theo bầy đàn từ 5 - 10 cá thể, chủ yếu ở độ cao 100 - 600m. Tại Sơn Trà, chúng phân bố đến tận mép biển. Theo Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (International Union for Conservation of Nature - IUCN), voọc chân nâu đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng thứ hai trong danh mục đỏ của IUCN về các loài bị đe dọa. Đã có nhiều đàn voọc ở Sơn Trà bị săn bắn và giết hại. Với những giá trị sinh học, Đà Nẵng chọn voọc chà vá chân nâu là hình ảnh nhận diện nhân sự kiện APEC 2017 diễn ra vào tháng 11 tới.
Jonathan Charles Eames, người từng 30 năm nghiên cứu các hoạt động bảo tồn thiên nhiên Việt Nam và Ben Rawson - Giám đốc Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (World Wild Fun for Nature - WWF) đều có chung nhận định: “Sơn Trà có hệ sinh thái độc nhất vô nhị của thế giới. 40 năm trước, Sơn Trà đã là khu bảo tồn thiên nhiên. Đà Nẵng là thành phố duy nhất có hệ sinh thái đặc biệt như Sơn Trà nên cần được bảo vệ, không chỉ cho Đà Nẵng mà cho cả nước và thế giới”. Hệ sinh thái Sơn Trà khép kín với 4 kiểu rừng phân theo độ cao từ trên xuống là rừng mưa ẩm nhiệt đới, rừng nửa khô hạn, rừng còi và đới thực vật ven biển, thảm cỏ và san hô. Đây là túi chứa nước ngọt cung cấp cho thành phố và hệ nước ngầm Đà Nẵng, Hội An nên có giá trị môi trường vô giá. Nếu không được bảo vệ thì tác hại khôn lường đến hệ sinh thái, hệ san hô, hải sản ven bờ và chất lượng vùng biển Đà Nẵng.
Ngoài giá trị về đa dạng sinh học, hệ nước ngầm, Sơn Trà còn đóng vai trò quan trọng trong quốc phòng. Từ bán đảo Sơn Trà có thể phóng tầm mắt quan sát toàn bộ quân cảng Vùng 3 Hải quân - nơi neo đậu tàu chiến, tàu Kiểm ngư, Cảnh sát biển. Trên đỉnh Sơn Trà là hệ thống radar của quân đội cùng hàng không với khả năng bao quát vùng trời và biển Đông. Trong chiến tranh, Sơn Trà được mệnh danh là "mắt thần Đông Dương". Người Pháp và người Mỹ khi đổ bộ vào Việt Nam đều xây dựng Sơn Trà thành cứ điểm quân sự. Hiện phía Tây là cảng hàng hóa kết hợp du lịch Tiên Sa, cảng nước sâu quan trọng nhất miền Trung; điểm cuối của hành lang kinh tế Đông Tây xuất phát từ Myanmar, qua Đông Bắc Thái Lan, Nam Lào, các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và kết thúc tại Đà Nẵng.
Đà Nẵng đổi thay, vươn mình hiện đại nhưng Sơn Trà vẫn đằm thắm duyên thầm. Từ 1977, Sơn Trà là rừng đặc dụng (rừng cấm) và là khu bảo tồn thiên nhiên vào năm 1992, rộng 4.439 ha. Năm 2008, Đà Nẵng quy hoạch Sơn Trà chỉ còn 2.591 ha. Cuối năm 2016, chính phủ quy hoạch Sơn Trà thành trọng điểm di lịch quốc gia với 1.056 ha. Vấn đề cốt lõi là làm sao phát triển mà vẫn bảo tồn được cảnh quan và hệ sinh thái bền vững. Đó chính là Du lịch trách nhiệm mà chính phủ Việt Nam và cả thế giới đang nỗ lực thực hiện. Sơn Trà phải là khu bảo tồn, có nghỉ dưỡng chứ không thể để du lịch lấn át, thậm chí xóa sổ bảo tồn. Những khu nghỉ dưỡng đang hoạt động hiện nay là quá đủ, không nên mở rộng thêm, xâm hại đến lá phổi thành phố. Các doanh nghiệp này phải đóng góp kinh phí cho việc bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, đó là trách nhiệm với cả con người lẫn tự nhiên.
Cám ơn “Nhà báo - nghệ sĩ nông dân” Lê Phước Chín, người đã phát hiện và đưa ra công luận các dự án xâm hại Sơn Trà. Dư luận giật mình với số liệu “Hơn 1.800 ha rừng Sơn Trà bị chuyển thành đất du lịch và đất khác”. Rất may, nhờ bất động sản suy thoái nên nhiều dự án đóng băng hoặc chỉ nằm trên giấy. Có dự án khởi công hoặc xây phần thô rồi bỏ hoang. Nhờ vậy Sơn Trà còn có thể cứu vãn nhờ điều chỉnh quy hoạch. Nhờ Lê Phước Chín, cả nước giật mình, lo lắng, phẫn nộ. Cả cộng đồng và những ai có lương tri, thật lòng với đất nước đã lên tiếng. Không chỉ giúp cứu vãn Sơn Trà, Lê Phước Chín còn giới thiệu với mọi người những tấm ảnh tuyệt vời về Sơn Trà, đặc biệt là ảnh của các nữ hoàng linh trưởng. Những tấm ảnh rút gan rút ruột và cực kỳ sống động của tác giả, thể hiện một tình yêu mãnh liệt và chung thủy với Sơn Trà.
Cám ơn Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Huỳnh Tấn Vinh đã dũng cảm và kiên trì, tìm mọi cách bảo vệ Sơn Trà. Tiếng nói của anh được nhiều doanh nhân và cộng đồng đồng tình, ủng hộ nhưng Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các Hiệp hội địa phương vẫn giữ thái độ “Im lặng là vàng” một cách khó hiểu. Ngành du lịch, đáng lẽ phải tiên phong chống sự xâm hại môi trường theo tiêu chí Du lịch trách nhiệm để phát triển bền vững mà chính phủ đang kêu gọi, lại quay lưng ủng hộ các dự án bị dư luận tẩy chay và không phải là lần đầu tiên. Có đồng nghiệp mỉa mai “Ngành du lịch chỉ ủng hộ sự phát triển chứ không mặn mà với việc bền vững?”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An, nguyên Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (1986-1995) bình luận: “Nếu Nhà nước quyết tâm bảo vệ voọc chà vá chân nâu, bảo vệ đa dạng sinh học Sơn Trà, thì phải có nghiên cứu cụ thể, khoa học trước khi làm quy hoạch và cần loại bỏ tư duy làm quy hoạch theo cảm tính hay chủ quan”. Càng không thể nhắm mắt chạy theo các nhóm lợi ích. Tôi tin là với thực tiễn của một cựu Giám đốc Sở Du lịch và tầm nhìn của một chính phủ kiến tạo, luôn lắng nghe và cầu thị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có chỉ đạo kịp thời, điều chỉnh quiyhoạch, cứu Sơn Trà khỏi những dự án xâm hại môi trường.
Đà Nẵng đã bê tông hóa Bà Nà một cách ngột ngạt, không thương tiếc. Mỗi lần phải đưa khách lên Bà Nà tôi cứ ray rứt và ám ảnh bởi Bà Nà xưa, như sơn nữ trinh nguyên thon thả, giờ xồ xề và phấn son lòe loẹt. Cách đây hơn mười năm, tôi đã có dịp đi xe hai cầu lên đỉnh Sơn Trà, vào đài không lưu xem màn hình radar kiểm soát máy bay qua lại và ngắm toàn cảnh Sơn Trà đẹp như mơ. Từ đấy, cứ ao ước sớm trở lại Sơn Trà, trekking giữa rừng, tắm thác và trải nghiệm với những nữ hoàng linh trưởng. Sơn Trà dứt khoát phải được bảo tồn để phát triển du lịch bền vững, không thể đi theo vết xe đổ của Bà Nà.
Thương lắm Sơn Trà!
Nguyễn Văn Mỹ (Ủy viên BCH Hiệp hội Lữ hành Việt Nam)