Pháp trị nhìn từ câu chuyện vỉa hè- Kỳ 2: 'Lỗi hệ thống' của chính quyền địa phương

Góc bình luận - Ngày đăng : 09:50, 17/03/2017

Tình trạng vô pháp trên vỉa hè không phải là căn bệnh ngoài da mà là triệu chứng của nhiều căn bệnh từ lục phủ ngũ tạng của xã hội. Nói cách khác, nhìn vỉa hè có thể thấy được nhiều vấn nạn trong hệ thống chính quyền.

Pháp trị nhìn từ câu chuyện vỉa hè -Kỳ 1: Đàn gảy tai… điếc

Khi mấy anh công an hàng ngày đi dẹp những gánh hàng rong hay những quán cóc trên vỉa hè, thu hết bàn ghế xô chậu đưa lên xe công vụ mang về đồn, trong khi cạnh đó là những quán nhậu căng dây chiếm vỉa hè một cách trái phép làm chỗ để xe cho khách vẫn bình an vô sự, ta nhìn thấy điều gì? Mấy anh công an đã làm đúng, dĩ nhiên rồi. Các chị hàng rong làm sai, cũng dĩ nhiên rồi. Nhưng người dân lại ghét cái đúng của mấy anh công an và thương cái sai của các chị hàng rong. Bởi vì người dân nhìn thấy luật pháp chỉ áp dụng cho các chị hàng rong nhưng không áp dụng cho các quán nhậu đông khách. Sự bất bình đẳng về luật pháp trên hè phố liệu có khiến người dân tin được sự bình đẳng về luật pháp trong xã hội?

Mặc dù có luật lệ rõ ràng, nhưng cơ quan, doanh nghiệp cả nhà nước lẫn tư nhân và nhà ở của dân vẫn ngang nhiên chiếm dụng vỉa hè giữa thanh thiên bạch nhật năm này qua năm khác. Những hè phố nham nhở ngổn ngang gạch đá sau những đợt “ra quân” dọn dẹp cho thấy tình trạng chiếm dụng nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì chúng ta đã hình dung. Hãy khoan bình luận xung quanh những tranh cãi về việc chính quyền có nên báo trước cho người dân và doanh nghiệp trước khi phá dỡ những phần xây dựng trái phép trên hè phố hay không; những gì chiếm dụng thì phải trả lại vô điều kiện, nếu có bình luận thì nên bình luận chi phí phá dỡ dọn dẹp sẽ được Nhà nước thu hồi lại như thế nào. Cũng không cần phải phân vân về những ngôi nhà mà mặt nền trở nên cao vót so với mặt đường sau khi các bậc tam cấp chiếm dụng lề đường bị tháo bỏ; chủ của những ngôi nhà đó sẽ tự biết cách xử lý trong phạm vi đất của họ. Vấn đề nên bình luận là lâu nay chính quyền từ phường, quận đến thành phố đã làm những gì mà để tình trạng trái phép diễn ra thâm căn cố đế đến như vậy? Và ai phải chịu trách nhiệm về tình trạng vỉa hè bị chiếm dụng trầm kha lưu cửu nói trên?

Chiếm dụng vỉa hè đương nhiên là lỗi của người dân. Nhưng chiếm dụng tràn lan, phổ biến thì không còn chỉ là lỗi của người dân nữa. Bởi vì người này chiếm dụng nhưng không bị làm sao thì người khác dại gì mà không chiếm dụng. Thực tế là chính quyền đã buông lỏng cho người ta chiếm dụng. Nhưng sự buông lỏng này không phải chỉ diễn ra ở vài nơi mà diễn ra phổ biến trong cả nước. Do đó, đây không phải là sự yếu kém của phường A, quận B hay thành phố C. Đây cũng không chỉ là vấn đề thực thi luật pháp không nghiêm mà chính là khiếm khuyết của cả hệ thống, là “lỗi hệ thống” của chính quyền địa phương. Đó là cái lỗi ở một đất nước đã xác lập nền kinh tế thị trường nhưng hệ thống chính quyền địa phương thì chưa được tổ chức tương thích với nền kinh tế thị trường.

Ở các nước có nền kinh tế thị trường lâu đời, chính quyền địa phương không làm nhiệm vụ quản lý kinh tế. Kinh tế có phát triển hay không, GDP có tăng trưởng hay không chỉ phụ thuộc vào luật pháp quốc gia và các chính sách vĩ mô của chính phủ cùng sự năng động của doanh nghiệp, chẳng phụ thuộc gì vào vai trò quản lý của chính quyền địa phương. Hoạt động của doanh nghiệp được điều chỉnh theo luật pháp, không bị chi phối bởi các quy định của địa phương, trừ những quy định về vệ sinh môi trường, về trật tự an ninh và an toàn cháy nổ.

Nhiệm vụ của chính quyền địa phương (cấp tỉnh trở xuống) là duy trì và thực thi luật pháp của quốc gia, bảo đảm trật tự trị an, bảo đảm vệ sinh môi trường, sức khỏe và đời sống văn hóa cho người dân, bảo đảm phúc lợi công cộng và những công việc liên quan đến những nhiệm vụ đó. Ở ta, cơ chế kinh tế đã thay đổi, đã chuyển sang kinh tế thị trường, nhưng hệ thống quản lý Nhà nước thì căn bản vẫn duy trì cấu trúc cũ theo chiều dọc: Chính phủ có bộ gì thì UBND cấp tỉnh gần như có đủ các sở tương đương, trên có Bộ Công thương thì dưới có Sở Công thương, trên có Bộ KH&ĐT dưới có Sở KH&ĐT, v.v… Nhiệm vụ của ông Chủ tịch tỉnh, thành phố gần giống như nhiệm vụ thu hẹp của ông Thủ tướng. Cấp quận, huyện, tuy có thay đổi bằng các phòng, ban tham mưu đa chức năng nhưng vẫn chưa thoát những nhiệm vụ quản lý kinh tế.

Do chính quyền phải chạy đua theo các chỉ tiêu kinh tế trong khi bộ máy quản lý không được phình to, sức lực của cán bộ, công chức lại không phải là vô hạn nên những chức năng tối cần thiết của chính quyền địa phương bị sao nhãng mà tình trạng gạch đá vôi vữa ngỗn ngang trên hè phố sau những đợt ra quân vừa rồi là một minh chứng hùng hồn. Không chỉ vỉa hè bị chiếm dụng mà đường phố, những nơi công cộng dơ bẩn, công viên mất vệ sinh, kênh rạch hôi thối, thức ăn trộn hóa chất độc hại bày bán tràn lan…, nhưng chưa thấy một ông chủ tịch quận, chủ tịch thành phố, chủ tịch tỉnh nào chịu trách nhiệm cả.

(còn tiếp)

HOÀNG HẢI VÂN