Việt Nam 'gặt hái' được những gì từ 16 FTA?
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 16:26, 20/10/2020
Cho tới nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó có 13 FTA đã ký kết và 3 FTA đang đàm phán (gồm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực - RCEP giữa 10 nước ASEAN với 6 nước đối tác gồm Úc, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ; FTA giữa Việt Nam với Khối Thương mại tự do Châu Âu (EFTA) gồm Thụy Sĩ, Na Uy, Ireland và Liechtenstein; và FTA giữa Việt Nam và Israel).
Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường có FTA năm 2019 là 123,11 tỉ USD. Trong khi đó, năm 2004, Việt Nam mới có hai đối tác FTA là ASEAN và Trung Quốc với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 7 tỉ USD.
Nói về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân sang các thị trường đối tác FTA kể từ khi có Hiệp định FTA thì Ấn Độ đạt bình quân 35,7%/năm, Hàn Quốc đạt 29,2%/năm, Chile 28,9%/năm và Trung Quốc 20,9%/năm.
Tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam sang các thị trường đối tác FTA của Việt Nam năm 2019 là 186 tỉ USD. Trong khi đó, năm 2004, Việt Nam mới có hai đối tác FTA là ASEAN và Trung Quốc với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 12,4 tỉ USD.
"Như vậy, về tổng thể hết năm 2019, chúng ta vẫn nhập siêu từ các thị trường có FTA do thị trường nhập khẩu lớn nhất hàng Việt Nam là Mỹ vẫn chưa có FTA", Bộ Công Thương nhìn nhận.
Trong đó, tổng số các loại C/O ưu đãi theo FTA năm 2019 đạt 47,55 tỉ USD, chiếm 37,2% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường Việt Nam ký FTA. Năm 2019, Việt Nam đã cấp hơn 1 triệu bộ C/O ưu đãi (bao gồm theo FTA và GSP) với trị giá 61,19 tỉ USD.
Với mức tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi đạt 37,2% cho thấy doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang dần nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan tại các thị trường có FTA với Việt Nam trong những năm qua.
Song, con số 37,2% chỉ là tỷ lệ sử dụng trung bình của các mẫu C/O ưu đãi. Tỷ lệ cụ thể khác nhau theo từng mẫu C/O (với Chile tỷ lệ sử dụng 67,72%), theo thị trường xuất khẩu (Hàn Quốc 49,78%, Nhật Bản 38,28%), theo mặt hàng xuất khẩu (da giày gần 91,52%, nhựa và các sản phẩm nhựa 71,66%, dệt may 66,85%, thủy sản 65,25%, cà phê và hạt tiêu lần lượt đạt 52,16% và 90,77%).
Trong số các lĩnh vực, ngành dịch vụ có đóng góp lớn trong cơ cấu GDP của Việt Nam, đặc biệt đối với lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngành bán lẻ, lưu trú, ăn uống và du lịch. Việc tham gia các FTA giúp nền kinh tế Việt Nam mở cửa thị trường ngành dịch vụ, mang lại nhiều tác động tích cực như: thu hút vốn đầu tư nước ngoài, công nghệ, kinh nghiệm quản lý, tăng cường lưu thông hàng hóa, và là cơ hội để nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng hỗ trợ dịch vụ.
Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khi phải đối đầu với tốc độ thâm nhập thị trường của các doanh nghiệp ngoại có tiềm lực về tài chính, kinh nghiệm khiến cho việc cạnh tranh trên thị trường dịch vụ càng trở nên gay gắt.
Bộ Công Thương nhìn nhận: "Việt Nam đã tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Từ năm 2007 đến nay, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực là tăng tỉ trọng xuất khẩu hàng chế biến, giảm tỉ trọng hàng thô, sơ chế; tăng tỉ trọng hàng công nghệ chế biến, giảm tỉ trọng hàng nông lâm thủy sản; tăng tỉ trọng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế tư nhân, giảm tỉ trọng xuất khẩu khu vực kinh tế nhà nước".
Đến năm 2019, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện với sự gia tăng tỷ trọng của nhóm hàng chế biến chế tạo (từ mức 82,9% của năm 2018 lên 84,3%). Đa số kim ngạch xuất nhập khẩu của các ngành đều tăng đặc biệt là đối với các thị trường mà Việt Nam có FTA. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong vấn đề nguyên vật liệu, công nghệ, lao động và khả năng tận dụng cơ hội từ FTA chưa cao.