Phía sau của những 'thành phố năng động nhất thế giới'

Góc bình luận - Ngày đăng : 05:07, 27/01/2017

Trong sự tăng trưởng và sự năng động thuộcTop 10 thành phố trên thế giới mà TP.HCM có được qua sự đánh giá mới đây của WEF có một phần không nhỏ nhờ công sức của những người lao động trong khi chính họ đang còn nhiều khó khăn cần phải vượt qua.
Bí thư Thăng dùng cơm với 600 công nhân đón Tết xa nhà

Báo chí gần đây đồng loạt đưa một tin vui: Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đóng tại Thuỵ Sĩ đã xếp hạng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) nằm trong Top 10 thành phố năng động nhất thế giới. Vị trí này có được là nhờ vào hàng chục tiêu chí khoa học được định lượng rõ ràng. Đó là những con số phản ánh khả năng tiếp nhận những thay đổi của công nghệ và đổi mới, sức tăng dân số nhanh và tăng cường các mối quan hệ quốc tế.

Không phải là chuyên gia kinh tế, tôi dù sao cũng tin và mong rằng cách đánh giá của tổ chức uy tín này là có sức thuyết phục. Quả thật, đã từ lâu, ai cũng hiểu TP.HCM và Hà Nội luôn là mảnh đất hứa với biết bao người dân Việt Nam. Cũng chính vì thế, dân số của hai thành phố lớn nhất nước này luôn tăng "nóng" mỗi năm, góp phần quan trọng tạo thêm công ăn việc làm cho biết bao con người ở khắp mọi miền quê đổ về và đồng thời cũng góp phần tăng trưởng kinh tế cho các địa phương là đầu tàu kinh tế của cả nước này. Như TP.HCM chẳng hạn, hãy nhìn vào dòng người lao động xa nhà ở phía Nam nói chung, TP HCM nói riêng toả về quê đón Tết mỗi dịp xuân về là đủ thấy sức hấp dẫn của mảnh đất này.

Có lẽ cũng ít có thành phố nào sôi động và hấp dẫn như TP.HCM. Tôi khá tâm đắc với tác giả Trương Khắc Trà khi ông "giải mã hiện tượng TP.HCM" trên báo Diễn đàn Doanh nghiệp mới đây rằng:
"Chẳng có nơi nào ở Việt Nam làm việc “thâu đêm suốt sáng” như những thành phố này (ý nói cả Hà Nội). Nói không ngoa, bạn có thể mua bất cứ thứ gì vào bất cứ thời điểm nào trong ngày nếu bạn muốn.
...Mặc dù “khó sống” do sự cạnh tranh khốc liệt, nhưng nhân lực khắp cả nước đều đổ về hai thành phố này. Ở Sài thành bạn thỏa sức kiếm tiền, chỉ là hàng quán vỉa hè nhưng tháng thu trăm triệu, một anh bồi bàn lương năm bảy triệu/tháng là chuyện thường, kỹ sư, bác sỹ thì con số tới vài chục, nhưng chẳng có ai “bao cấp” cho bạn cả mà tất cả phải tuân thủ một nguyên tắc bất di bất dịch: phải có năng lực thực sự. Kiếm tiền dễ nhưng tiêu tiền cũng nhanh, bởi dịch vụ vô cùng phong phú, đa dạng được giăng ra khắp nơi để "móc túi" bạn bất kỳ lúc nào.

Nhìn dòng người qua lại trên đường phố ùn ùn suốt ngày đêm, tiếng xe cộ, bụi khói, ai cũng vội vã lao lên phía trước… phần nào cho thấy sự năng động, hối hả. Những hàng quán, cà phê, nhà hàng luôn đông khách nhưng ngoảnh đi ngoảnh lại bạn không còn nhìn thấy vị khách bàn bên cạnh mà đã thay bằng người mới..."

Hôm kia, 28 tháng Chạp, tôi rất xúc động khi đọc trên báo VietNamnet thấy có bữa cơm đầm ấm được Ban quản lý các khu Chế xuất và khu Công nghiệp thành phố tổ chức cho 600 công nhân không có điều kiện về quê đoàn tụ cùng gia đình được vui xuân tại Khu du lịch văn hóa Suối Tiên trong chương trình “Vui Tết cùng Công nhân". Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng đã đến thăm và cùng dùng cơm tất niên với công nhân. Theo giãi bày của công nhân trước lãnh đạo TP về lý do họ không thể về quê dịp này thì đúng là hoàn cảnh của họ thật đáng để các ngành,các cấp và chủ doanh nghiệp cùng suy nghĩ .

Chị Trần Thị Xuân (quê Thanh Hoá), công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7) chia sẻ,do điều kiện khó khăn nên không thể về quê đón Tết cùng gia đình.“Làm việc cả năm nhưng không dư nổi 2 triệu vì công ty không tăng ca. Lương hằng tháng đóng tiền nhà trọ với ăn uống là hết nên tôi đành ở lại, dù cũng muốn về quê sum vầy cùng gia đình trong những ngày Tết lắm”, chị Xuân rưng rưng nói.

Chị Đặng Thị Hương (quê Nghệ An) cho biết vợ chồng chị có hai con nhỏ nên nếu về quê cũng tốn số tiền khá lớn. Bàn đi tính lại, hai vợ chồng quyết định ở lại phòng trọ đón Tết.“Tôi cũng ba năm rồi không về quê. Cảm giác nhớ nhà, nhớ bố mẹ già nhưng điều kiện kinh tế eo hẹp nên phải chịu”, chị Hương nói thêm.

Tại bữa cơm tất niên ấm áp tình người này, Ban quản lý các khu Chế xuất và khu Công nghiệp TP.HCM phối hợp với Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP tặng mỗi công nhân tham gia chương trình một phần quà Tết trị giá 600 ngàn đồng, đó là cả một cố gắng mà thành phố đã thực hiện. Tôi nghĩ, đây là số tiền không nhỏ với họ khi mà trên đất nước này, nhiều đơn vị còn thưởng Tết cho người lao động chỉ vài ba trăm ngàn, thậm chí dăm chục ngàn đồng/người...

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho rằng, trong sự phát triển của TP, không thể thiếu vai trò của những người công nhân đang ngày đêm làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.“Công nhân xứng đáng nhận được lời khen ngợi vì quá trình lao động cần cù, chăm chỉ của mình. Không được sum vầy với những người thân yêu ở quê hương trong những ngày Tết là điều rất thiệt thòi. Chính vì vậy, chương trình đón Tết cùng công nhân này có ý nghĩa thiết thực, là niềm động viên to lớn đối với công nhân”, ông Thăng nói.

Từ đó, tôi càng hiểu thêm rằng, trong sự tăng trưởng và sự năng động thuộcTop 10 thành phố trên thế giới mà TP.HCM có được qua sự đánh giá mới đây của WEF có một phần không nhỏ nhờ công sức của những người lao động trong khi chính họ đang còn nhiều khó khăn cần phải vượt qua. Lương thấp, cuộc sống thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần, bệnh viện, nhà trẻ, trường học, nhà văn hoá, chợ búa... nói chung với họ, còn khá nhiều thiếu thốn, nan giải. Nên chăng, ngoài đồng lương cao thấp thế nào còn phụ thuộc vào doanh nghiệp làm ăn ra sao và cần có sự giám sát của các cấp thì có một việc, theo tôi, thuộc về trách nhiệm của nhà nước: cần làm sao đó để họ được thụ hưởng các phúc lợi xã hội vốn đang rất thiếu thốn trong các khu chế xuất, khu công nghiệp trên cả nước.

Nếu nhà nước có cách bù đắp như vậy, tôi nghĩ nó sẽ giảm bớt gánh nặng đối với mỗi gia đình người lao động khi đồng lương của họ còn chưa thể gánh nổi. Giúp người lao động ổn định cuộc sống, tất nhiên người lao động cũng sẽ có điều kiện góp phần cống hiến hết mình cho tăng trưởng kinh tế địa phương. Ở một khía cạnh sâu xa hơn, họ cũng có quyền được hưởng phúc lợi đó!

Quốc Phong