Làm sao để 'Cấm ép buộc người khác uống rượu bia' thực sự khả thi?

Góc bình luận - Ngày đăng : 11:18, 16/10/2020

Ngày 28.9 vừa qua Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 117 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế. Đáng chú ý là điều khoản quy định mức phạt từ 1 - 3 triệu đồng đối với hành vi “ép buộc người khác uống rượu bia”. Mặc dù Nghị định này đến ngày 15.11.2020 mới chính thức có hiệu lực nhưng dư luận đang về tính khả thi của nó.

Trước hết, chúng ta phải thừa nhận rằng hành vi “ép buộc người khác uống rượu bia” là rất khó xác định một cách cụ thể được. Trong quá trình giao tiếp, bên cạnh việc sử dụng ngôn ngữ làm công cụ giao tiếp chính, người ta còn dùng nhiều yếu tố phi ngôn ngữ như cử chỉ, thái độ, hành vi. Ngoài ra cuộc giao tiếp cần phải đặt trong một ngữ cảnh cụ thể mới rõ được ý đồ của người giao tiếp. Nhìn từ những bình diện đó chúng ta rất khó để xác định hành vi thế nào là mời mọc và thế nào là ép buộc.

Ví dụ có 1 người tên A trong buổi tiệc nói với người tên B là: “Tôi mời anh 1 ly nhé!”. Nếu người A nói câu đó với thái độ niềm nở, chân thành, kèm theo đó là nụ cười thân thiện, thì chúng ta có thể xác định hành vi của A là “mời mọc”. Nhưng nếu đặt trong ngữ cảnh khác, nhân vật A là cấp trên, khi thấy nhân vật B không chịu uống bia, lại còn tỏ ra không ủng hộ việc A và đồng nghiệp uống, thì nhân vật A nói ra câu trên lại hàm ý đe dọa, ép buộc. Kèm theo phát ngôn đó, nếu A nhìn B với ánh mắt lườm lườm, ngữ điệu có chút mỉa mai khiêu khích, thì ta có thể xác định động cơ của A là ngầm đe dọa, ép buộc B uống.

Rõ ràng ở đây cùng 1 phát ngôn nhưng ở ngữ cảnh này thì nó là “mời”, ở ngữ cảnh khác thì nó là “đe dọa, ép buộc”. Như vậy, chúng ta căn cứ vào điều gì để xử phạt? Chưa nói tới nếu trong cuộc nhậu, ban đầu A mời B với thái độ chân thành, cầu thị và B cũng chấp nhận lời mời đó một cách tự nguyện. Nhưng sau khi uống say giữa A và B có xảy ra xung đột, B lại khiếu kiện lên cơ quan chức năng yêu cầu xử phạt A vì A đã ép B uống rượu bia. Lúc đó, chúng ta sẽ thấy vấn đề vô cùng phức tạp và nan giải.

Thông thường trong 1 cuộc nhậu nếu mọi người đều có vị thế và tuổi tác gần như ngang hàng nhau thì ít có chuyện ép nhau uống. Nếu có bị ép người ta cũng dễ dàng từ chối vì đồng lứa, đồng đẳng với nhau, không cần gì đưa “luật” ra. Chỉ khi nào cuộc nhậu có người cao người thấp, người lớn người nhỏ thì chuyện ép buộc mới thường xuất hiện, và rất khó từ chối. Người có vị thế thấp ít khi dám ép buộc người có vị thế cao uống. Đa số là người có vị thế cao về chức vụ hoặc tuổi tác ép người nhỏ hơn, thấp hơn.

Những trường hợp như vậy, người có vị thế thấp cũng không thể lấy luật ra để tự giải thoát cho mình được. Ví dụ một lãnh đạo ép cấp dưới của mình uống rượu bia, cấp dưới không thể nói “căn cứ theo Nghị định 117 về xử lý hành vi ép người khác uống rượu bia, sếp ép tôi như thế tôi sẽ kiện sếp, sếp sẽ bị phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng”. Bởi thế, nếu ai có ý nghĩ Nghị định 117 sẽ là “bùa hộ mệnh” để thoát thân trong những lúc bị ép buộc uống rượu bia thì có thể nói là khó thực hiện.

Chưa kể đến có một số nơi, cuộc rượu là thứ không thể thiếu trong đời sống của người dân, và ép nhau uống cũng là thể hiện sự thân tình. Ví dụ như quê tôi trong những lúc đám tiệc trà dư tửu hậu, ai mà xin về trước sẽ bị mấy người còn lại ép uống thêm. Dân gian có câu “vào 3 ra 7” là thế, nghĩa là muốn vào cuộc nhậu này (khi người ta đã nhậu trước rồi) thì hãy uống 3 ly, muốn ra về khi mọi người còn uống thì hãy uống 7 ly rồi về. Thật ra không nhất thiết uống 3 ly hay 7 ly, chỉ cần uống “chào sân” và uống “cáo biệt” mang tính tượng trưng thôi cũng được.

Đáng nói là những người xin về trước mà bạn nhậu không ép uống “cáo biệt” là họ giận, họ nghĩ rằng mâm nhậu này muốn mình về càng sớm càng tốt, rằng những người nhậu chung chẳng ai quyến luyến gì mình. Bởi vậy, nếu Nghị định cấm ép rượu bia thực thi, tôi cho rằng tất cả những dân nhậu ở quê tôi sẽ vi phạm hết.

Việc ban hành Nghị định 117 xuất phát từ mục tiêu muốn hướng đến 1 xã hội văn minh, hướng đến việc hạn chế tác hại của rượu bia đối với cộng đồng. Cũng có nhiều ý kiến đồng tình và mong muốn Nghị định này sớm thực thi. Song, không ít người lo ngại về hiệu quả của nó. Giải đáp băn khoăn của dư luận, vừa qua bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng: “Quy định này sẽ góp phần giảm bớt tác hại của rượu bia. Quy định pháp luật ban hành trước hết để định hướng, chứ không nhằm mục đích xử phạt”.

Tức là chúng ta chỉ cần tuyên truyền, giáo dục bằng những phương pháp hữu hiệu là có thể đạt mục tiêu này. Nhưng nếu ban hành luật, với những mức xử phạt cụ thể mà không không cương quyết xử phạt thì rồi người dân sẽ có thái độ “nhờn luật”. 

Trương Chí Hùng