Công tác cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng 3 đã có kết quả ban đầu
Sự kiện - Ngày đăng : 14:55, 14/10/2020
Trao đổi với báo chí sau khi chỉ huy đội bay vào thị sát cứu nạn khu vực thủy điện Rào Trăng 3, Thiếu tướng Phạm Trường Sơn, Phó tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không Không quân cho biết đường vào khu vực thủy điện này sạt lở rất nặng, có những đoạn dài hàng chục km.
“Tất cả các ngôi nhà gần khu vực gần như đổ sập, các công trình xây dựng bị hư hỏng nặng. Sau khi thị sát, đội bay đã quyết định chia nhóm 2-3 người để tiếp cận hiện trường từ độ cao 30m. Người dân và công nhân trong khu vực đã nhận được hàng tiếp tế. Nếu thời tiết thuận lợi, lực lượng Không quân sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ”, ông Sơn nói.
Trưa 14.10, tuyến đường bộ 71 vào thủy điện Rào Trăng 3 đã được lực lượng quân đội khắc phục một phần. Trong ngày 14.10, lực lượng cứu hộ sẽ tiếp cận được hiện trường vụ tai nạn bằng đường bộ. Khoảng 10 giờ 30 cùng ngày, đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và Quân khu 4 đã di chuyển bằng đường bộ vào khu vực trạm kiểm lâm tiểu khu 67.
Ngày 13.10, nhiều cơ quan báo chí đã đăng tải thông tin có xác nhận từ phía lãnh đạo chủ đầu tư thủy điện Rào Trăng 3 rằng ít nhất 3 công nhân (quê ở tỉnh Hà Tĩnh) tử vong do sạt lở đất đá ở khu vực thủy điện. Tuy nhiên, đến trưa 14.10, phía sở chỉ huy tiền tuyến cứu hộ cứu nạn vẫn chưa có xác nhận chính thức nào về thông tin trên.
Trước mắt, lực lượng quân đội đã xác định được vị trí đoàn công tác có 13 người mất liên lạc. Trạm kiểm lâm tiểu khu 67 là điểm đầu tiên trên đường vào khu vực 4 nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, 4 và A Lin B1, A Lin B2. Điểm này nằm cách UBND xã Phong Xuân 14 km, tức là còn cách thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 15 km.
Trước đó, như đã thông tin, ngày 12.10, thủy điện Rào Trăng 3 thuộc xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đã bị sạt lở đất đá khiến 17 công nhân bị mất liên lạc. Chiều cùng ngày, đoàn công tác của Quân khu 4 cùng một số cán bộ tỉnh Thừa Thiên Huế đã tức tốc vào khu vực xảy ra sạt lở để tiếp cận các nạn nhân.
Lúc 21 giờ cùng ngày, sau nhiều giờ trèo đèo, lội suối, đoàn đã đến khu vực trạm kiểm lâm gần đó và quyết định tạm nghỉ lại. Khoảng 1 giờ sau, bất ngờ đất đá từ quả đồi phía sau trạm kiểm lâm sạt xuống vùi lấp khu nhà mà đoàn cứu hộ đang dừng chân.
Thông tin ban đầu, trong đoàn cứu hộ 21 người có nhiều lãnh đạo ngành quân đội và lãnh đạo địa phương, đáng chú ý có Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu 4. Sau tai nạn xảy ra, 8 người đã tìm cách thoát thân và liên lạc được về, những người còn lại đến nay vẫn mất liên lạc.
Trong ngày 13.10, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có mặt tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền để chỉ đạo công tác cứu hộ cứu nạn. Tại đây, Phó thủ tướng đã chỉ đạo các lực lượng bằng mọi cách phải sớm tìm được phương án tiếp cận, ứng cứu những người đang trong khu vực thủy điện Rào Trăng 3.
Một Thế Giới sẽ tiếp tục thông tin.