Đại dịch COVID-19 thúc đẩy tiền kỹ thuật số
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:31, 14/10/2020
Trong cuộc họp với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây, Chủ tịch ECB Christine Lagarde tuyên bố ngân hàng này đang nghiêm túc xem xét về đồng euro kỹ thuật số. Bà nhận xét đại dịch COVID-19 làm thay đổi cách mọi người làm việc, giao thương và chi trả, dẫn đến hệ quả là thanh toán không tiền mặt gia tăng đáng kể.
Hoạt động lấy ý kiến công chúng dự kiến kéo dài 3 tháng – tính từ ngày 12.10, song song với một loạt thử nghiệm nhằm kiểm tra tính khả thi của đồng euro số. Phải chờ đến giữa năm 2021 ECB mới có quyết định cuối cùng, sau đó mất từ 18 tháng đến 3 - 4 năm triển khai.
Euro phiên bản số sẽ được cung cấp hợp pháp và đảm bảo bởi ECB. Mọi người có thể lưu trữ tiền trong hệ thống ngân hàng, thực hiện thanh toán hàng ngày nhờ công nghệ blockchain quen thuộc (cơ sở dữ liệu lưu trữ và truyền tải các khối thông tin liên kết với nhau nhờ mã hóa).
Không chỉ châu Âu, hai quốc gia châu Á là Nhật Bản và Trung Quốc cũng ráo riết chuẩn bị phát hành tiền số.
Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) chuẩn bị thiết lập một hệ thống thử nghiệm tính năng cơ bản dành cho đồng kỹ thuật số riêng bắt đầu từ năm tài khóa 2021, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu lĩnh vực này.
Từ tháng 4, một số thành phố tại Trung Quốc thí điểm trả lương viên chức nhà nước bằng tiền số do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) phát hành. Mới đây giới chức Thẩm Quyến phát miễn phí 10 triệu nhân dân tệ kỹ thuật số cho người dân, tiền có thể được dùng để chi tiêu ở hơn 3.000 điểm buôn bán thuộc quận La Hồ trên địa bàn thành phố.
Tại sao lại là tiền kỹ thuật số?
Đại dịch COVID-19 thúc đẩy hoạt động thanh toán trực tuyến khi mọi người tránh sử dụng tiền giấy hoặc tiền xu vì lo ngại lây lan bệnh. Ngay cả ở Đức - nơi tiền mặt vốn là “vua” - thì trong năm nay lượng người tiêu dùng sử dụng thẻ thanh toán dự kiến sẽ cao hơn tiền mặt.
Ngoài ra, ngân hàng trung ương các nước cũng nghĩ đến rủi ro tụt hậu so với các đơn vị tư nhân phát hành tiền kỹ thuật số như Bitcoin hay Facebook. Việc mọi người đều dùng tiền số tư nhân phát hành sẽ khiến các chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương giảm hiệu quả.
Trong thời điểm khủng hoảng, người dân có thể rút tài sản khỏi các ngân hàng kiểu truyền thống để tìm kiếm sự an toàn từ tiền số. Song song đó là nguy cơ mất thông tin cá nhân cũng như sử dụng tiền số rửa tiền.