Trung Quốc không dám đầu tư khi Mỹ rút quân khỏi Syria
Quốc tế - Ngày đăng : 16:37, 31/12/2018
Tình hình bất ổn sẽ kéo dài, công cuộc tái thiết cũng bị trì hoãn khi Mỹ không còn hiện diện. Theo tiến sĩ Ngô Tâm Bá, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu Mỹ thuộc đại học Phúc Đán: “Ông Trump tái khởi động cuộc chơi và các bên chuẩn bị có động thái riêng. Trung Quốc đang theo dõi chặt chẽ để biết được những thay đổi ở Trung Đông ảnh hưởng ra sao đến lợi ích của họ”.
Chuyên gia Vương Kiến thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) khẳng định dù giữ khoảng cách với xung đột nhưng cường quốc châu Á luôn muốn gia tăng hiện diện kinh tế tại Syria với mục đích thúc đẩy Vành đai và Con đường.
“Công ty cùng nhiều khoản đầu tư Trung Quốc không được nôn nóng. An ninh xấu đi sẽ ảnh hưởng đến hợp tác kinh tế Bắc Kinh triển khai trong khu vực do rủi ro có thể lan sang Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Saudi hay Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất”, chuyên gia Vương phân tích.
Doanh nghiệp Trung Quốc từng đầu tư - làm ăn tại Syria trước khi xung đột nổ ra năm 2011. Kim ngạch thương mại giữa hai nước từng đạt đến 2,4 tỉUSD. Sau đó thì hầu hết đều rời khỏi.
Tuy vậy, nếu tình hình ổn định, doanh nghiệp Trung Quốc sẵn sàng quay trở lại. Bắc Kinh năm ngoái tổ chức Hội chợ triển lãm Các dự án tái thiết Syria, đưa ra kế hoạch xây khu công nghiệp trị giá 2 tỉUSD.
Vào tháng 9, Trung Quốc cử một đoàn gồm 200 doanh nghiệp sang tham gia Hội chợ quốc tế Damascus lần thứ 60.
Các nhà phân tích cho rằng cường quốc châu Á sẽ được chào đón. Bộ trưởng phụ các các vấn đầu tư của Syria Wafiqa Hosni cho biết chính quyền Tổng thống Assad là một quốc gia thân thiện.
Trong khi đó giáo sư John Lee đến từ đại học Sydney lại cảnh báo: “Quyết định rút quân cho thấy tư duy chiến lược của Mỹ xác định Trung Đông ít quan trọng hơn Ấn Độ - Thái Bình Dương. Mỹ xem Trung Quốc là thách thức cơ bản trong dài hạn. Điều này đã được thể hiện rõ qua Chiến lược An ninh quốc gia, Chiến lược Quốc phòng quốc gia cũng như phát biểu của Phó tổng thống Mike Pence”.
Washington thời gian qua cũng thực hiện nhiều hành động cho thấy họ ngày càng chú trọng Ấn Độ - Thái Bình Dương hơn, như đổi tên Bộ chỉ huy Thái Bình Dương thành Bộ chỉ huy Ấn Độ - Thái Bình Dương, lên kế hoạch nâng cấp trang thiết bị quân sự cũng như tăng cường tập trận với đồng minh khu vực. Hai năm qua, hải quân Mỹ 8 lần tuần tra thể hiện quyền tự do hàng hải gần khu vực do Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên Biển Đông.
Tiến sĩ Ngô đánh giá Mỹ khó có khả năng dùng đến quân sự mà mục đích của họ chủ yếu là duy trì hiện diện lẫn vị thế trong khu vực và gây áp lực với cường quốc châu Á.
Cẩm Bình (theo SCMP)