Quốc phục hay “quái phục”, và chuyện trao tấm bằng khen
Góc bình luận - Ngày đăng : 15:51, 25/11/2016
Bởi sâu xa, nó đụng chạm đến một vấn đề tưởng như rất dễ mà thực ra rất khó.
Đó là văn hóa.
Văn hóa - ở vụ việc này tưởng như đơn giản nhưng thật ra đòi hỏi rất… tinh tế.
Ở vụ việc kia, tưởng là thẩm mỹ mà hóa ra rất “phản thẩm mỹ”.
Bằng khen và cách trao, thời điểm trao...
Đó là chuyện một quan chức đầu ngành Bộ Y tế đến thăm và trao tặng bằng khen của Bộ Y tế cho Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Quốc Bảo, Trưởng khoa Ngoại Đầu Cổ (Bệnh viện K Trung ương), một bác sĩ giỏi, nổi tiếng là “khắc tinh của các u quái ác vùng đầu mặt cổ. Ông đã mổ thành công các ca u rất khó, mang lại cuộc sống bình thường cho nhiều bệnh nhân” (Một Thế Giới, ngày 23.11).
Ông cứu được nhiều người bệnh và kéo dài sự sống cho họ. Nhưng rồi chính ông cũng không thoát khỏi vòng tuần hoàn khắc nghiệt sinh-lão-bệnh-tử, để trở về với tổ tiên nơi xa vắng.
Chuyện một người thầy thuốc giỏi sắp xa rời dương thế, ai cũng thương xót và nuối tiếc. Nhiều người đến thăm, vì biết rằng sự sống-cái chết với người thầy thuốc - bệnh nhân đó đang rất mong manh. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như trên báo chí, trên các trang mạng xã hội bỗng truyền đi bức ảnh vị quan chức đầu ngành Bộ Y tế đến thăm ông, tặng tấm bằng khen.
Một người bệnh gầy gò, tiều tụy, nằm trên giường bệnh, với các công cụ trợ sức gắn vào miệng, dán băng trắng toát vẫn đang phải gắng sức nhìn người trao tặng như cảm ơn, bỗng tạo nên một “hiệu ứng… ngược” ngoài dự kiến trên các trang mạng xã hội. Nói theo kiểu dân dã, là kiểu “huy chương phủ mặt”.
Mặc dù người viết bài tin ở sự thiện chí của vị quan chức đầu ngành, muốn ghi nhận những đóng góp của một thầy thuốc giỏi, nhưng cái giờ phút trao, cái cách trao tặng cho một người tài đang dần giã từ cuộc sống, đã không đủ sức thuyết phục lòng nhân ái và văn hóa ứng xử thông thường của con người.
Trao tặng thế nào, lúc nào cho xứng với công lao của người thầy thuốc, phản chiếu tình cảm thực lòng là chuyện ngành y tế phải bàn. Bởi văn hóa ứng xử với trí thức nó đòi hỏi sự tinh tế và… văn hóa. Bởi nó không đơn thuần là một tấm bằng khen, đặt trên ngực người bệnh, bởi người đó đã không còn đủ sức để đỡ tấm bằng… nặng trĩu- một cách hình thức, cho xong một việc.
Được biết, những vụ việc kiểu này không ít. Mà khá phổ biến. Đến nỗi có một cô giáo đã thốt lên: Bỗng nhiên nghe thấy một ai đó ốm nặng được phong tặng, được ông nọ bà kia đến thăm là biết rằng người đó sắp đi gặp tổ tiên.
Đó có phải là tình cảm, hay chỉ là hình thức, là“công thức chung”? Câu trả lời này chắc chỉ những người trong cuộc hiểu.
Thế nên, người thầy thuốc- bệnh nhân được tặng bằng khen, nhưng dư luận xã hội thì lại chê cái thời điểm, cái cách trao tặng.
Mà chê là phải.
Quốc phục hay “quái phục”?
Vụ việc thứ hai thì ồn ào và hài hước.
Đó là chuyện Siêu mẫu Việt Nam 2015 Dương Nguyễn Khả Trang, người đại diện cho Việt Nam tham gia cuộc thi Hoa hậu Siêu quốc gia 2017 (tổ chức ở Ba Lan và Slovakia từ ngày 19.11 đến 3.12.2016).
Ồn ào và hài hước vì Khả Trang xuất hiện trên báo chí trong một bộ trang phục- được gọi là “quốc phục”, nặng tới 44kg, của nhà thiết kế (NTK) Lê Long Dũng. Quả là thi Siêu mẫu. Vì hẳn phải có sức khỏe đến thế nào em mới có thể… “gánh” trên người bộ trang phục nặng đến như vậy.
Hãy xem mô tả: Tổng chiều cao gần 4m và đuôi áo dài hơn 3,5m, sải cánh 2m. Phần váy và yếm của những cô gái Đông Sơn xưa kia được cách điệu thêm với dải băng chéo vai trang trí hoa văn sóng nước và đá pha lê. Thổ cẩm trang trí trải dài từ mũ nón đến chân và đuôi váy. Phần đội đầu là điểm nhấn cuối cùng và nón cao gần 2m với lông chim trĩ điểm xuyến với hoa tai bản to (VietNamNet, ngày 23.11).Theo thuyết minh của NTK, bộ trang phục này là sự kết hợp giữa sự mạnh mẽ của cha Lạc Long Quân và sự mềm mại, thanh thoát của mẹ Âu Cơ.
Thế nhưng cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ nếu có thật, và… phục sinh, hẳn hai người sẽ ngơ ngẩn “phục sát đất” vì trí tưởng tượng bay bổng của NTK. Vì cha và mẹ chúng ta thời đó hẳn chỉ có vỏ cây, lá rừng che thân? Đâu có tới 44kg chất liệu? Mặc dù NTK muốn nói đến biểu tượng tinh thần.
Công bằng mà nói, ghi nhận tình cảm, tấm lòng và sự nhiệt huyết của Lê Long Dũng. Hẳn NTK cũng mong mỏi cho thế giới biết thế nào là người Việt Nam, với bộ trang phục mà theo anh, đó là bản sắc riêng của văn hóa Việt. Có điều, chính đa số người Việt cũng… ngẩn ngơ tự hỏi không hiểu nó là trang phục nước Việt thời nào? Nó na ná trang phục cải lương? Không phải. Na ná trang phục tuồng? Cũng không phải? Na ná cổ trang Trung Hoa? Cũng không phải nốt.
Có điều chắc chắn, là lực bất tòng tâm, nên rốt cuộc tâm đi đằng tâm, mà tài đi đằng tài.
Thú thật, khi nhìn Siêu mẫu Khả Trang mặc bộ trang phục, người viết bài này thấy rất… khó tả. Nó nhức mắt, rối mắt kinh khủng, bởi màu sắc đã đành, mà cũng nhức mắt, rối mắt bởi các họa tiết của trang phục. Nó vừa hổ lốn chen chúc nhau, vừa thiếu điểm nhấn trung tâm, như một nguyên tắc thẩm mỹ của thời trang mà bất kỳ NTK nào cũng phải nắm vững để gửi thông điệp cho khán giả.
Có cảm giác, NTK quá tham lam, như một đứa trẻ không biết kiềm chế, tiết chế cả màu sắc lẫn họa tiết. Không kiềm chế được nên màu sắc nào cũng chen vai thích cánh, họa tiết nào cũng thích cánh chen vai, thành ra một bộ trang phục hổ lốn mà có người đã nửa đùa nửa thật: Lẩu thập cẩm
Có rất nhiều những lời bình nửa đùa nửa thật như thế. Người thì cho rằng phải có mạnh thường quân “Đồng Nát” tài trợ. Người bảo giống nhân vật Games trong “võ lâm truyền hồn”. Người nhận xét, trang phục in đậm chất “đồng cốt”…
Báo Trí thức trẻ, ngày 24.11 còn nói thẳng: Hoa hậu siêu quốc gia suy cho cùng vẫn là một cuộc thi nhan sắc, đâu phải thi “cử tạ” hay “lễ hội Halloween” để thí sinh phải gây ấn tượng bằng trọng lượng và sự kỳ quái như vậy?
Nhưng số đông dư luận đều phản ứng nhất ở cụm từ, coi đó là “quốc phục”. Thậm chí báo Trí thức trẻ, còn gọi đó là bộ ‘quái phục”. Miễn bàn!
Cười chán, người viết bài lại ngẩn ngơ tự hỏi: Đã tham dự cuộc thi, người Việt nào không mong muốn đại diện nước Việt mình đoạt giải. Nhưng nếu chả may, Khả Trang đoạt giải, thì thế giới sẽ nhìn bản sắc văn hóa Việt Nam thông qua trang phục của thí sinh ra sao?
Văn hóa khó lắm đấy. Đâu phải cứ chân thành, thiện tâm, hay nhiệt huyết mà… thành? Văn hóa còn là sự ứng xử đặt đúng chỗ. Là tài năng và cả sự hiểu biết sâu sắc những nguyên tắc thâm mỹ và cội nguồn.
Tinh tế và … “văn hóa”- đó chính là văn hóa.
Kỳ Duyên