Hậu Giang: Khen thưởng, biểu dương ‘kiểu lạ’ gây thắc mắc
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 06:00, 21/12/2018
Tại kỳ họp thứ 10 (ngày 7.12) của HĐND tỉnh Hậu Giang khóa IX, đã thống nhất thông qua Nghị quyết số 21/2018/NQ-HĐND về quy định một số mức hỗ trợ thực hiện chính sách dân số trên địa bàn, giai đoạn năm 2019 - 2025. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 17.12. Trong đó, đáng chú ý là chính sách khen thưởng, biểu dương cặp vợ chồng sinh đủ 2 con (1 bề là gái).
Đối tượng được xét khen thưởng,biểu dươnglà những cặpvợ chồngsinh đủ 2 con (1 bề là gái) thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; những cặp cha mẹ sinh con 1 bề là gái khi hết tuổi lao động nhưng không có lương hưu.
Theo đó, hằng năm Chủ tịch UBND tỉnh sẽ ký bằng khen cho gia đình sinh đủ 2 con (1 bề là gái), mẹ còn trong độ tuổi sinh đẻ nhưng không vi phạmchính sách dân sốkể từ khisinh con gái thứ 2. Tặng Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phốcho gia đình sinh đủ 2 con(1 bềlà gái).
Theo tinh thần của Nghị quyết trên, thì Hậu Giang là tỉnh đi đầu cả nước trong việc triển khai Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh đến năm 2025 của Bộ Y tế được Thủ tướng phê duyệt tạiQuyết định số 468/QĐ-TTg vào tháng 3.2016.
Thế nhưng chị Trần Thị N. (ngụ H.Châu Thành, tỉnh Hậu Giang), thắc mắc: “Thời gian sinh đẻ của phụ nữ có thể kéo dài đến khoảng 50 tuổi. Ví dụ 1 phụ nữ lấy chồng ở tuổi 25, đến năm 30 tuổi thì có được 2 con gái. Nếu thực hiện khen thưởng cặp vợ chồng này xong, sau đó người phụ nữ này tiếp tục sinh thêm 1 hoặc 2 con trai. Khi ấy, chúng ta có đòi lại tiền và chính sách hỗ trợ không?
Chẳng lẽ năm nào không sinh thì được nhận Bằng khen, nhận hỗ trợ, đến khi sinh tiếp thì sẽ ngưng nhận? Còn nếu không khen thưởng ngay, thì chẳng lẽ đợi đến khi người phụ nữ này qua tuổi 50 thì mới khen? Như vậy, chính sách có thật sự mang đến hiệu quả hay phải chăng gây lãng phí, bất cập trong việc sử dụng tiền của nhà nước?”
Và dư luận lo lắng, với chính sách khen thưởng và biểu dương những cặp vợ chồng sinh đủ 2 con (1 bề là gái) sẽ tạo tiền đề không tốt, càng tăng thêm định kiến về giới - vốn đã tồn tại trước đó.
Anh Châu Minh Tứ (xã Phú Hữu, H.Châu Thành, tỉnh Hậu Giang), băn khoăn: “Nếu khen thưởng như vậy, giờ có thai, đi siêu âm, phát hiện con trai. Để nhận tiền thưởng, họ đi phá thai đi thì hậu quả của việc này sẽ như thế nào? Vì với công nghệ như hiện nay, việc siêu âm xác định giới tính thai nhi ở khoảng thời gian mới mang thai là điều không quá khó. Các dịch vụ y tế tư nhân điều làm được”.
Phải chăng, chính sách hỗ trợ của tỉnh Hậu Giang chỉ là giải pháp mang tính tình thế? Tăng cường chính sách hỗ trợ để kiểm soát mất cân bằng giới tính là phù hợp nhưng phải được thực hiện đúng theo tinh thần, chủ trương, không chạy theo thành tích… Từ đó không những không làm giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh mà còn gây lãng phí ngân sách nhà nước một cách không cần thiết.
Diễm My