Nền kinh tế và câu chuyện quốc tịch
Góc bình luận - Ngày đăng : 11:15, 26/07/2016
Hãng tin Bloomberg vừa mới đưa tin chính phủ Trung Quốc chuẩn bị thành lập văn phòng di trú đầu tiên của mình để thúc đẩy chính sách khuyến khích người nước ngoài nhập quốc tịch Trung Quốc sau rất nhiều năm không chấp nhận nới lỏng vấn đề này, một động thái được xem là nỗ lực thu hút nhân tài trên thế giới để bù đắp cho làn sóng chảy máu chất xám ồ ạt ở Trung Quốc trong nhiều năm qua.
Còn tại Việt Nam, vấn đề quốc tịch cũng trở nên nóng hơn bao giờ hết, khi một vị đại biểu quốc hội mới đây đã bị loại do mang quốc tịch thứ hai. Vấn đề quốc tịch càng trở nên nóng hơn khi theo số liệu thống kê của ngân hàng Thế giới (WB) thì Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia di cư ra nước ngoài nhiều nhất ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương tính đến năm 2013, phần lớn trong số đó di cư đến những nước phát triển phương Tây.
Một Trung Quốc vốn rất bảo thủ về vấn đề quốc tịch đã chấp nhận nới lỏng các quy định nhập tịch vì lợi ích của nền kinh tế, vậy còn Việt Nam thì sao?
Không phải ngẫu nhiên mà việc chính phủ Trung Quốc quyết định thành lập văn phòng di trú đầu tiên của mình lại nhận được sự chú ý lớn của thế giới. Với dân số 1,3 tỷ người, có thể nói nhân lực chưa bao giờ là vấn đề với Trung Quốc, và cùng với truyền thống văn hóa và lịch sử đặc trưng và lâu đời của mình, đó là lý do vì sao quốc gia đông dân nhất thế giới này duy trì chính sách hạn chế nhập cư khắt khe của mình trong nhiều năm qua, theo thống kê từ năm 2004 đến nay trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 248 trường hợp được nhập quốc tịch Trung Quốc.
Lý do buộc Trung Quốc phải chấp nhận tạm gác lòng kiêu hãnh về dân số và nhân chủng trong nhiều năm qua sang một bên, là vì tình trạng chảy máu nhân lực chất lượng cao thông qua di cư ra nước ngoài ở Trung Quốc đã ở tình trạng đáng báo động.
Số lượng người Trung Quốc có trình độ cao và tài sản lớn di cư ra nước ngoài ngày càng nhiều, theo thống kê gấp 5 lần số lượng di cư của tầng lớp lao động trung bình. Ngoài làn sóng di cư của những triệu phú và những người có tài sản, thì một làn sóng di cư khác ở Trung Quốc là tầng lớp trí thức.
Theo thống kê của Viện chính sách di dân, từ năm 1978 đến năm 2013 có khoảng 3 triệu học sinh sinh viên Trung Quốc ra học tập ở nước ngoài, và phần lớn không trở về. Làn sóng chảy máu tài sản và chất xám khổng lồ này là một tổn thất rất lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc trong tương lai, buộc nước này phải nới lỏng chính sách nhập tịch của mình nhằm thu hút nhân tài trên khắp thế giới để bù đắp lại tổn thất trên.
Trên thực tế, Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất đang phải hứng chịu tình trạng chảy máu chất xám và tài sản kể trên, mà đó là tình trạng chung của các quốc gia đang phát triển và đang gặp phải nhiều vấn đề xã hội như môi trường, sinh hoạt và xã hội, dẫn đến việc một bộ phận người dân có trình độ cao hoặc có tài sản chuyển sang sinh sống tại các nước phát triển có điều kiện sống chất lượng tốt hơn.
Việt Nam hiện cũng đang ở trong tình trạng tương tự. Theo thống kê của WB về di cư và kiều hối của các quốc gia trên thế giới, thì Việt Nam hiện đang nằm trong top 10 quốc gia di cư ra nước ngoài nhiều nhất tại khu vực Đông Á - Thái Bình Dương tính đến năm 2013. Cụ thể, theo số liệu của tổ chức Di cư quốc tế (IMO) lấy từ nguồn dữ liệu của Vụ Liên hiệp quốc về vấn đề kinh tế và xã hội (UN DESA) thì từ năm 1990 đến năm 2015, có khoảng 2.558.678 người Việt Nam di cư ra nước ngoài, tính trung bình 26 năm thì mỗi năm có khoảng gần 100.000 người Việt Nam chuyển sang sinh sống ở nước ngoài.
Cũng tương tự như trường hợp của Trung Quốc, phần lớn người di cư Việt Nam đều có điểm đến là các quốc gia phát triển, chủ yếu ở phương Tây. Đông nhất là tại Mỹ với 1,3 triệu người, Pháp là 125.700 người, Đức là gần 113.000 người, Canada 182.000 người, Australia 227.300 người,… số lượng người Việt di cư đến các quốc gia tư bản phát triển chiếm tới 4/5 tổng số người Việt di cư hàng năm. Và chỉ có khoảng 1/5 số lượng người Việt di cư đến các khu vực và quốc gia kém phát triển hơn như Đông Âu hay một số nước châu Á như Lào, Campuchia hay Thái Lan và Malaysia,…
Việc 4/5 trong tổng số lượng người Việt Nam di cư có điểm đến là các quốc gia phát triển đang là một dấu hiệu khá rõ rệt của tình trạng chảy máu chất xám và của cải tương tự như những gì đang diễn ra ở Trung Quốc. Phần lớn người Việt Nam di cư sang các nước phát triển là những người có trình độ và thu nhập cao, hoặc du học sinh ở lại làm việc và đưa gia đình sang sinh sống.
Đây là một trong những lực lượng cần thiết và quý giá nhất đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam để thúc đẩy nền kinh tế, và sự thất thoát chất xám và của cải lớn này đang trở thành một vấn đề lớn đối với Việt Nam ở thời điểm hiện tại và trong tương lai, nhất là khi chúng ta đang nỗ lực cải cách nền kinh tế và rất cần nguồn nhân lực chất lượng và trình độ cao.
Một nền kinh tế phát triển không thể thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, trong khi một thực tế đáng buồn là phần lớn các chuyên gia và du học sinh Việt Nam hiện nay đều chọn ở lại sinh sống và làm việc tại các nước phát triển, một phần là do đặc điểm xã hội và nền kinh tế Việt Nam hiện tại chưa đủ điều kiện để hấp thụ nguồn nhân lực chất lượng cao này. Nhưng về lâu dài thì có lẽ đã đến lúc Việt Nam cần phải tính đến một chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao kể cả người Việt di cư lẫn người nước ngoài trên khắp thế giới, không những để bù đắp cho làn sóng chảy máu chất xám đang có xu hướng ngày càng gia tăng, mà còn để vận hành nền kinh tế trong tương lai nếu chúng ta muốn hướng tới một nền kinh tế phát triển.
So với Trung Quốc, Việt Nam không có nhiều điều kiện chẳng hạn như về tài chính trong việc thu hút nhân tài trên khắp thế giới. Nhưng chúng ta có một lợi thế lớn là chính sách cho phép giữ hai quốc tịch. Luật pháp Trung Quốc không cho phép công dân nước này giữ quốc tịch thứ hai, và nếu muốn nhập tịch một quốc gia khác thì phải bỏ quốc tịch Trung Quốc. Nhưng Việt Nam thì không.
Công dân Việt Nam di cư và sinh sống ở nước ngoài hiện đa số có hai quốc tịch, trong đó vẫn giữ quốc tịch Việt Nam, trừ một số trường hợp bắt buộc bỏ quốc tịch gốc như ở Đức. Vì thế khi cần thiết vẫn có thể kêu gọi bộ phận lớn người Việt di cư có trình độ cao quay về nước làm việc, miễn là Nhà nước và chính phủ Việt Nam có chính sách kêu gọi và đãi ngộ hợp lý.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg/CafeF, The Saigon Times)