Có lúc phải biết lắc đầu trước lời xin lỗi
Góc bình luận - Ngày đăng : 05:00, 11/07/2016
Lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương chỉ đưa ra lời xin lỗi khi bị công luận dồn đến đường cùng, không thể chối cãi sau khi xuất hiện liên tiếp 3 clip độc lập ghi hình, ghi tiếng cảnh nhân viên bảo vệ không cho xe chở bệnh nhân có nguyện vọng thấy nhà lần cuối rồi chết.
Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương thừa nhận bệnh viện đã không làm tốt vai trò giám sát lực lượng bảo vệ. “Tôi thay mặt bệnh viện gửi lời xin lỗi người dân khi để sự việc đáng tiếc xảy ra”, ông nói. Khi được hỏi về nghi vấn có hay không sự câu kết ngầm giữa lực lượng bảo vệ và các xe cứu thương "dù" để vận chuyển người bệnh với giá cao, ông Hải cho biết việc này đang được phía công an điều tra và chưa có kết luận.
Ngày 2.7, một video xuất hiện trên mạng ghi lại cảnh tranh cãi giữa một bên là bảo vệ Bệnh viện Nhi Trung ương với một bên là người nhà và tài xế chiếc xe cấp cứu biển kiểm soát 37A-13612 (biển trắng). Trên xe có một bệnh nhi đang hấp hối. Bảo vệ bệnh viện bị nghi là gây khó dễ, không cho xe cứu thương ra khỏi viện để về nhà.
Video làm dấy lên nghi vấn nhân viên bảo vệ ngăn chặn, gây khó dễ, làm ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhi. Tuy nhiên, Phó giáo sư Lê Thị Minh Hương, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương bác bỏ thông tin này. Bà Hương chỉ thừa nhận rằng trong lúc hai bên trao đổi với nhau đã sử dụng ngôn từ giao tiếp chưa phù hợp. Kỹ năng xử lý vụ việc của lực lượng bảo vệ bệnh viện đối với lái xe và người nhà bệnh nhi cũng chưa đạt yêu cầu. Mặt khác, theo bà Hương, lái xe cứu thương cũng chưa chấp hành nội quy của ngành y tế khi không có bệnh nhân trên xe mà vẫn rú còi ưu tiên. Bà Hương cũng nói đã báo công an điều tra xe đón bệnh nhân mà bà nghi là xe “dù” này.
Khi clip thứ nhất xuất hiện, nghĩ rằng có thể lấp liếm, bao che cho hoạt động kỳ lạ chỉ cho đưa chứ không cho đón tại bệnh biện, bà Hương thậm chí “cả vú lấp miệng em” bằng cách báo công an điều tra “xe dù” và người nhà bệnh nhân tử vong. Một phong cách khinh dân, coi thường công luận đã thành nếp ở bệnh viện này chăng?
Nếu không xuất hiện tiếp hai clip độc lập sau đó chứng minh sự thật và lẽ phải thuộc về bệnh nhân thì hậu quả có thể sẽ rất xấu cho nạn nhân.
Chị Nguyễn Thị Soa, mẹ cháu bé cho biết trước khi làm thủ tục xuất viện cho bé D, chị có nhận được cuộc điện thoại lạ, tự xưng là ở đội xe cấp cứu của Bệnh viện Nhi Trung ương, đề nghị gia đình thuê xe chở cháu bé về quê với giá 7 triệu đồng (có y tá đi cùng).
Do hoàn cảnh nghèo khó nên gia đình chị Soa đã từ chối. Sau đó từ giới thiệu của người quen, chị Soa quyết định thuê xe cấp cứu từ Nghệ An ra Bệnh viện Nhi Trung ương đón con về, với giá hơn 2 triệu đồng.
Theo chị Soa, lúc xe vào bảo vệ không cản nhưng khi đứa con trai hấp hối của chị lên xe để về nhà thì có vài người tới yêu cầu tài xế không được vận chuyển bệnh nhân. Lời qua tiếng lại, bảo vệ đóng hết các cổng lại và xe chỉ được rời đi khi công an đến giải quyết.
Khi bệnh nhân bị trả về, không còn hy vọng chạy chữa, thì có đi xe của bệnh viện cũng không cứu sống được bệnh nhân, vậy độc quyền làm gì nếu không phải là vì đồng tiền. Bệnh viện không chịu trách nhiệm về quá trình vận chuyển bệnh nhân, vậy không thể có một cuộc kiện cáo nào có thể xảy ra khiến Ban Giám đốc bệnh viện phải có quy định về phương tiện di chuyện, phải đi xe này chứ không là xe khác.
Vai trò của bệnh viện đã chấm dứt từ khi em bé được bác sĩ ký vào giấy tờ trả về, và cha mẹ đã đau lòng ký giấy.
Đúng sai giờ đã rõ nhưng cái làm tôi nhói lòng và công chúng căm phẫn là kể cả cái chết cũng không làm những người làm nghề “nhà thương" này động lòng trắc ẩn sao?
Gần đây những lời xin lỗi giả dối và đổ cho “quy trình” đã trở thành áo giáp che chắn cho các nhóm lợi ích khi bị công luận phanh phui. Trong lúc công luận đòi hỏi phải quy được trách nhiệm, xử lý người có trách nhiệm và cải thiện tình hình chung.
Không thể chấp nhận lời xin lỗi của lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương cũng như những bệnh viện khác có tình trạng tương tự, đổ hết tội cho nhóm bảo vệ, coi như xong, để rồi sau đó luật ngầm độc quyền xe cứu thương như một sự chia chác lợi ích giữa bệnh viện và công ty được giao độc quyền vận chuyển bệnh nhân tiếp tục tồn tại trên lưng những con người ở bước đường cùng.
Bộ trưởng Bộ Y tế cần ra tay xử lý nghiêm khắc tệ nạn đáng xấu hổ này ở những nơi được gọi với cái tên trìu mến là “nhà thương”.
Hoàng Linh