Ngành y cũng cần… điều trị!
Góc bình luận - Ngày đăng : 08:00, 22/03/2016
Vụ cô nữ sinh mới 15 tuổi Lê Thị Hà Vi bị cắt cụt một chân, trở thành tàn phế chỉ vì sự yếu kém và tắc trách của y bác sĩ một bệnh viện huyện ở Đắk Lắk gây phẫn nộ dữ dội trong xã hội những ngày qua. Hay trường hợp bệnh nhân Trần Thị Là bị gãy chân mà bệnh viện đa khoa Đà Nẵng không mổ dẫn đến tử vong. Đây có lẽ là những giọt nước làm tràn ly khi đã có quá nhiều trường hợp các y bác sĩ, thay vì cứu người với lương tâm và khả năng của mình, lại gây họa cho bệnh nhân.
Đã không ít lần những người thân của các bệnh nhân bức xúc vì thân nhân bị bệnh nhẹ mà bất ngờ tử vong do điều trị đã phản ứng một cách tiêu cực bằng cách bao vây bệnh viện, hành hung y tá bác sĩ. Đó chắc chắn là những hành vi tiêu cực đáng phê phán, nhưng cũng phải thông cảm một điều rằng các nạn nhân ấy chẳng có cách nào khác hơn để giải tỏa nỗi đau mất đi người thân của mình một cách vô lý. Họ chưa có thói quen thưa kiện và luật pháp của ta cũng chưa có thói quen xử kiện về những trường hợp này.
Chưa có một thống kê nào về những thiệt hại nhân mạng hay đời sống của bệnh nhân do sự yếu kém hay tắc trách của y bác sĩ gây ra, nhưng mọi người ai ai cũng có thể kê ra một danh sách dài những trường hợp ấy. Đó là những cái chết của các sản phụ được hộ sinh, cái chết của những trẻ em được tiêm vắc xin, của những bệnh nhân sốc thuốc… Đó không phải là những chứng nan y khó khăn nào để mà cứu chữa. Thậm chí có nhiều trường hợp bác sĩ tắc trách đến mức để quên gạc trong bụng bệnh nhân nhiều ngày, và đó cũng chẳng phải là chuyện hy hữu.
Tất nhiên, còn nhiều trường hợp các gia đình biết người thân mình chết do sự bất cập của ngành y, thế nhưng họ vẫn âm thầm chịu đựng. Một số trường hợp các bệnh viện đã phải đền bù những số tiền lớn cho thân nhân người bệnh.
Bệnh do… thầy thuốc
Những “tai nạn nghề nghiệp” trong nghề chữa bệnh không phải chỉ diễn ra trong những nước có ngành y còn yếu kém như nước ta. Như nước Mỹ, quốc gia có ngành y thuộc loại tiên tiến nhất thế giới, nhưng vẫn để xảy ra tình trạng mà các nhà nghiên cứu y học gọi là “sinh bệnh do thầy thuốc”.
Một thống kê của các bộ Y tế, Giáo dục và An sinh của Mỹ ước tính rằng mỗi năm có khoảng 7% tổng số bệnh nhân phải chịu những thiệt hại đáng đền bù khi nằm viện, cho dù ít người trong họ đòi được đền bù. Một trong số 50 trẻ em đưa vào bệnh viện đã phải chịu tai nạn thêm do chữa trị, và một trong 30 trường hợp đó bị tử vong. Với những thiệt hại đó, nhà nghiên cứu Ivan Ilich cho rằng “một sĩ quan quân đội với thành tích tương tự có thể bị loại khỏi vị trí chỉ huy và một tiệm ăn hay một trung tâm giải trí có thể bị cảnh sát đóng cửa”.
Các thiệt hại “trực quan” về nhân mạng là điều dễ thấy, nhưng còn nữa là những thiệt hại “vô hình” của những người yếu kém năng lực hay thiếu lương tâm trong ngành y gây ra, như việc chẩn đoán sai, cho dùng sai thuốc, dùng thuốc cũ đã nhiễm độc, “nuôi bệnh” … Những thiệt hại này rất khó phát hiện và có khi ngay cả những người điều trị cũng chẳng phát hiện ra lỗi lầm của chính mình.
Yếu kém “toàn tập”?
Nêu những thống kê tệ hại nêu trên để cho thấy là với một ngành nghề được đào tạo tiên tiến và công phu đến thế (người Mỹ đào tạo một bác sĩ mất 10 – 12 năm) thì ngành y tế nước Mỹ vẫn còn cho ra những bác sĩ yếu kém hay tắc trách. Chưa kể là việc các bệnh nhân người Mỹ khá có ý thức về quyền lợi của mình nên thường kiện tụng rất căng thẳng cho các y bác sĩ nếu họ phát hiện ra các yếu kém trong điều trị.
Những người nhà của em nữ sinh bị cắt cụt chân kể trên hẳn phải ân hận vì đã không quyết định chuyển viện sớm cho em. Thật vậy, nếu chỉ kể trong phía Nam, hầu như mọi “con đường cấp cứu” đều dẫn tới một địa điểm: bệnh viện Chợ Rẫy. Đó chính là nguyên nhân dẫn tới việc bệnh viện này luôn quá tải và các bệnh nhân ở tỉnh, dù xa xôi cách trở như ở tận Cà Mau hay Quảng Nam Quảng Ngãi, đều thuê xe cấp cứu hụ còi vượt hàng trăm cây số đến đó.
Điều đó chứng tỏ rằng năng lực chữa trị nhìn chung của các bệnh viện tỉnh khá yếu kém. Người dân các tỉnh chẳng mấy khi tin tưởng các bệnh viện này. Ở các thôn xã thuộc miền Nam, công việc từ thiện của các nhà hảo tâm miệt ruộng, miệt vườn hiện nay là sắm cho làng xã mình một chiếc xe cấp cứu.
Nguyên nhân? Chính ở chính sách đào tạo và phân bổ lao động của ngành y. Hiện nay, đa số các bác sĩ dù có quê quán ở các tỉnh và hưởng được chế độ ưu tiên điểm thi vào đại học nhờ yếu tố này, nhưng chẳng mấy ai muốn quay trở về tỉnh hành nghề. Tất cả các sinh viên ngành y khi ra trường đều muốn trụ lại ở các bệnh viện của TP HCM. Một số lượng không nhỏ các bác sĩ đang hành nghề ở các bệnh viện tỉnh hiện nay là những người được đào tạo theo dạng “cử tuyển”, khi ra trường phần lớn có chuyên môn không cao.
Đến lúc điều trị
Vì sao ngành y không phân bổ các điều kiện chữa trị đồng đều trên khắp các vùng đất nước, theo cách nào đó như luân phiên, thay đổi nhiệm sở các y bác sĩ, để mọi người dân đều được hưởng các phúc lợi này một cách bình đẳng? Điều này cũng sẽ giúp cho xã hội và người dân tiết kiệm được biết bao công sức, tiền bạc khi điều trị gần nhà so với khi phải điều trị xa nhà, chưa kể những trường hợp bệnh nhân có thể tử vong trên những quãng đường cấp cứu xa xôi diệu vợi.
Việc đầu tư cơ sở điều trị thì hẳn không cần phải nói. Mới đây, cả thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lẫn bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng đều tỏ ra xót xa vì người bệnh chưa đủ cơ sở để chữa bệnh. Cần nhắc lại là đã hơn 40 năm qua từ ngày giải phóng, những thành phố lớn như TP. HCM, nơi bệnh nhân các tỉnh đổ về chữa trị, hiếm có một bệnh viện nào được xây dựng mới mà to lớn, khang trang như hàng loạt các bệnh viện được xây trước đó.
Chất lượng đào tạo cần phải điều chỉnh. Ngày trước, đa số các đại học của nước ta đều có sự giao lưu, trao đổi qua lại về công tác chuyên môn với các đại học quốc tế. Điều này dường như không còn thấy trong những năm qua. Cần phải có mức đào tạo theo một chuẩn quốc tế nào đó đối với các ngành nghề, và nhất là riêng đối với ngành y. Hiện nay, xu hướng người dân bỏ tiền ra nước ngoài trị bệnh đang dần dần phổ biến, chứng tỏ chất lượng điều trị của nước ta vẫn còn thua kém khá xa so với khu vực và thế giới.
Không thể phủ nhận những đóng góp to lớn của ngành y đối với đời sống xã hội. Tuy nhiên, có lẽ một sự cải tổ sâu rộng ngành y là điều mọi người dân đều ngóng chờ, để con em của mình may ra sẽ không còn bị đột tử hay bị cắt cụt tay chân một cách vô lý nữa…
Đoàn Đạt