Ông Đinh La Thăng ở TP.HCM - Kỳ 2 : Tinh thần pháp trị
Góc bình luận - Ngày đăng : 11:11, 10/03/2016
Cải cách mạnh mẽ bộ máy hành chính, đưa ra khỏi bộ máy những người nhũng nhiễu doanh nghiệp là quyết tâm của ông Đinh La Thăng, thể hiện trong tuyên bố tại cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM với các doanh nghiệp vừa diễn ra cách đây ít bữa.
Cải cách hành chính, làm tinh gọn và trong sạch bộ máy, loại trừ tình trạng nhũng nhiễu, hướng cán bộ, công chức vào mục tiêu duy nhất là phục vụ nhân dân một cách chuyên nghiệp, đang là quyết tâm chung của Đảng và Nhà nước. Đây là quá trình vô cùng gian nan vất vả do gặp phải sự cản trở của thói quan liêu đã “hóa thạch” trong bộ máy, cộng với những dây nhợ của “lợi ích nhóm” giăng phủ chằng chịt từ Trung ương đến địa phương. Nhưng dù gian nan vất vả đến mấy, quyết tâm này không phải là bất khả thi, miễn là tiến hành đồng bộ và nhất quán quan điểm lấy dân làm gốc.
Vấn đề khó hơn rất nhiều so với cải cách hành chính là thực hiện các nguyên tắc pháp trị trong quản lý xã hội. Là thành phố lớn nhất nước, TP.HCM nếu không đi tiên phong, không thực hiện một cách nhất quán nguyên tắc này thì công cuộc Đổi Mới của cả nước sẽ không thành công như mong đợi. Không có pháp trị thì không có tự do, dù là tự do kinh doanh hay các quyền tự do khác.
Xin dẫn chứng một trường hợp, đó là việc ngừng cấp đăng ký kinh doanh đối với một số ngành nghề “nhạy cảm”. Để góp phần giảm tệ nạn xã hội, chính quyền TP.HCM đã đi “tiên phong” ngừng cấp đăng ký kinh doanh đối với vũ trường, nhà hàng karaoke… theo một Chỉ thị ban hành từ năm 2001 của UBND thành phố. Sau đó, vào năm 2005, Chính phủ cũng ra Chỉ thị số 17/2005/CT-TTg tạm ngừng để rà soát, quy hoạch lại các ngành nghề này. Các vị lãnh đạo TP.HCM lúc đó rất tâm đắc vì Chỉ thị của Thủ tướng đã “khẳng định chủ trương của Đảng bộ và chính quyền TP.HCM trong những năm qua là đúng đắn và tiếp thêm sức mạnh cho TP.HCM” (Người Lao động online, 16.6.2005.).
Và từ 1.1.2010, Chính phủ đã cho phép cấp đăng ký kinh doanh trở lại nhưng TP.HCM vẫn tiếp tục “đóng cửa” để chờ quy hoạch. Dù Chỉ thị 17/2005/CT-TTg yêu cầu các địa phương phải hoàn thành quy hoạch các ngành nghề này ngay trong năm 2005, nhưng mãi đến gần 10 năm sau, vào tháng 10.2014, UBND TP.HCM mới phê duyệt “đề cương, nhiệm vụ quy hoạch và dự toán kinh phí dự án quy hoạch ngành nghề karaoke, vũ trường trên địa bàn TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, nghĩa là… vẫn chưa có quy hoạch gì cả.
Vì bài này chỉ đề cập đến các nguyên tắc pháp trị nên hãy gác qua một bên chuyện vũ trường hay nhà hàng karaoke có cần thiết cho xã hội hay không. Không ai nghi ngờ gì động cơ tốt đẹp của lãnh đạo thành phố trong việc ngăn chặn tệ nạn xã hội, nhưng rõ ràng việc ngăn cấm đăng ký kinh doanh các ngành nghề nói trên vô hình trung đã tạo lợi thế cho mấy chục vũ trường và mấy trăm nhà hàng karaoke đang hoạt động và làm mất cơ hội kinh doanh của những người khác. Trong khi theo tinh thần của Luật Doanh nghiệp, ngành nghề nào bị cấm đều có danh mục cụ thể, còn ngành nghề nào cần hạn chế kinh doanh thì nằm trong danh mục kinh doanh có điều kiện, chỉ cần đáp ứng các điều kiện theo luật là mặc nhiên được phép.
Nguyên tắc pháp trị không chỉ đòi hỏi sự bảo đảm cho mọi công dân được bình đẳng trước pháp luật, đòi hỏi luật pháp phải được áp dụng một cách nhất quán trong phạm vi cả nước, không có ngoại lệ, nguyên tắc này còn đòi hỏi sự bảo đảm cho người dân có thể dự đoán được hành vi của mình, hành vi của những người khác và hành vi của các cơ quan thực thi pháp luật có đúng luật, có “được phép” hay không. Bởi vậy, nó còn yêu cầu luật pháp không giao cho bất cứ cơ quan, địa phương nào có quyền ban hành những quy định mà người dân không thể dự đoán.
Trong trường hợp cụ thể của Luật Doanh nghiệp, người dân đã không dự đoán được việc “cấm” của UBND TP.HCM và cũng không dự đoán được việc “tạm ngừng” của Chính phủ, cho nên có thể nhiều người đã chuẩn bị đầu tư mở vũ trường hay nhà hàng karaoke và đã bị thiệt hại khi gặp sự cấm cản đó. Đã xuất hiện tình trạng mua bán, chuyển nhượng giấy phép với giá cao ngất ngưởng. Nếu như việc quy hoạch tới đây thiếu rõ ràng minh bạch và nếu như giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực này chỉ có giá trị trong thời hạn 2 năm như có người đề nghị, sẽ tạo ra một thứ cơ chế xin-cho hết sức dị dạng, biến một số công chức sống ký sinh vào vũ trường hoặc nhà hàng karaoke.
Chuyện mấy cái vũ trường hoặc nhà hàng karaoke có thể là chuyện nhỏ, vấn đề lớn là một đạo luật đã bị biến dạng khi đưa vào cuộc sống ở TP.HCM, khiến cho người dân giảm bớt niềm tin vào hiệu lực và tính thống nhất của luật pháp quốc gia để tuân thủ các chỉ thị của chính quyền địa phương.
Và ngay cả luật pháp của quốc gia, cũng đã thành lệ, một đạo luật thường được giao cho một cơ quan của Chính phủ soạn thảo, sau khi Quốc hội thông qua, chính các cơ quan này lại soạn thảo Nghị định cho Chính phủ thông qua để hướng dẫn thi hành, rồi cũng chính cơ quan này ra Thông tư của ngành mình hướng dẫn thi hành Nghị định. Rồi chỉ thị, công văn chỉ đạo, tạm ngưng việc này, chấn chỉnh việc kia… Đối với các đạo luật mang tính liên ngành như Luật Doanh nghiệp thì nhiều bộ nhiều ngành tham gia hơn, văn bản nhiều hơn, phức tạp hơn, khó dự đoán hơn.
Tình trạng luật không thi hành được ngay mà phải chờ nghị định, nghị định không thi hành được ngay mà phải chờ thông tư là chuyện hiếm thấy trên thế giới. Sự nguy hiểm của tình trạng này là tạo quyền quá lớn cho các bộ, nhiều bộ “tận dụng” quyền này để duy trì cơ chế xin-cho, kéo theo đó là tình trạng cán bộ, công chức cấp dưới nhũng nhiễu doanh nghiệp. Nước ta luật được ban hành ngày càng nhiều, nhưng các nguyên tắc pháp trị thì ít được tuân thủ.
Hơn đâu hết, TP.HCM là nơi mà luật pháp đi vào cuộc sống sinh động nhất và là nơi có đủ áp lực làm thay đổi cơ chế chính sách và hoàn thiện hệ thống luật pháp của đất nước. Ông Đinh La Thăng sẽ được công chúng ca ngợi khi kiên quyết loại bỏ những cán bộ nhũng nhiễu doanh nghiệp ra khỏi bộ máy, nhưng nếu không loại bỏ được nguyên nhân dẫn đến nhũng nhiễu thì sẽ tiếp tục sinh ra nhũng nhiễu, loại bỏ người này sẽ xuất hiện người khác.
Nếu ông Đinh La Thăng đi tiên phong loại bỏ được nguyên nhân gây ra nhũng nhiễu bằng cách lãnh đạo thành phố gương mẫu tuân thủ các nguyên tắc pháp trị và sử dụng áp lực từ TP.HCM vào quá trình xây dựng cũng như thực thi hệ thống luật pháp quốc gia theo các nguyên tắc pháp trị thì công lao của ông lớn hơn rất nhiều, mặc dù công lao đó có thể không được đám đông nhìn thấy để ca ngợi.
(còn tiếp)
Hoàng Hải Vân