Người tiêu dùng bơ vơ
Góc bình luận - Ngày đăng : 19:53, 15/03/2015
Lương tâm đi vắng
Chiều 5-3-2015, phụ huynh của Trường tiểu học Long Bình, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương thấy xe tải chở thực phẩm của Công ty Phú Nhật Hào chuẩn bị giao cho nhà trường bốc mùi hôi. Số thực phẩm này dự kiến được dùng để nấu ăn cho học sinh vào trưa hôm sau (6-3). Một phụ huynh phát hiện số thịt heo đã bị thối, số cá điêu hồng cũng không được tươi... nên hô hoán và hàng chục phụ huynh sau đó tập trung trước cổng trường để phản đối. Theo báo Tuổi Trẻ, Công ty Phú Nhật Hào cung cấp suất ăn cho học sinh Trường tiểu học Long Bình khoảng ba năm nay. Toàn trường có khoảng 650 em học bán trú đăng ký ở lại ăn trưa tại trường. Sau khi xảy ra vụ việc trên, tới nay phụ huynh đều tự chuẩn bị đồ ăn từ nhà cho các em mang theo, hoặc buổi trưa phụ huynh tới đón con về nhà ăn cơm.
Đây là vụ vi phạm vệ sinh, an toàn thực phẩm mới nhất bị phát hiện sau hàng loạt những vụ ngộ độc thực phẩm không thể nào nhớ hết từ nhiều năm qua mà nạn nhân, thường là công nhân các nhà máy trong các khu công nghiệp ở các tỉnh thành khác nhau, có khi đến hàng trăm người phải nhập viện cùng lúc sau khi dùng bữa. Nhưng điều đáng nói ở đây là những người cung cấp thực phẩm không đảm bảo chất lượng đã không buông tha cả những đứa trẻ đang học tiểu học, đối tượng mà Nhà nước và xã hội luôn kêu gọi dành những gì tốt đẹp nhất cho các em.
Rõ ràng, với thực tế lâu nay ai cũng biết là nhiều người trồng rau nhưng lại không dám ăn rau do mình trồng (vì có phun thuốc trừ sâu) mà chỉ để bán cho người khác ăn, với việc buôn bán nội tạng động vật hôi thối không chỉ từ tỉnh này qua tỉnh khác mà cả từ bên kia biên giới và xử lý bằng hóa chất rồi đem tiêu thụ tại các nhà hàng, quán nhậu ở các thành phố lớn, với việc đang tâm cung cấp cả thực phẩm ôi thiu cả cho các trường tiểu học, lương tâm của người kinh doanh từ lâu đã đi vắng. Nói cho đúng, người ta không ngại đầu độc người tiêu dùng, miễn sao thu lợi nhuận cao nhất.
Ai bảo vệ người tiêu dùng?
Khi một quan chức cấp cao ngành nông nghiệp còn hùng hồn tuyên bố rằng rau quả Trung Quốc nhiễm độc nhưng vẫn an toàn; khi ông Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, PGS.TS Phạm Xuân Đà, thừa nhận rằng chính ông đã mua trái lê Trung Quốc ở Hà Nội và để trong môi trường bình thường nhưng sau 5 tháng, trái lê chỉ héo một chút, và rằng điều đáng lo ngại là, để kiểm nghiệm xác định quả lê chứa chất gì mà có thể tươi lâu như vậy lại không hề dễ dàng vì hiện có đến 2.000 hóa chất bảo vệ thực vật, bảo quản rau quả được sử dụng nhưng phòng thí nghiệm trong nước chỉ có chất thử và phương pháp định danh khoảng 600 loại… Hàng rào kỹ thuật, trang thiết bị kiểm nghiệm để bảo vệ người tiêu dùng trong nước đã yếu kém, luật pháp lại cũng tỏ ra kém hiệu lực, trước nay chưa xử được vụ nào đủ sức răn đe đối với những nhà sản xuất, các tổ chức bảo vệ người tiêu dung thì gặp khá nhiều khó khăn trong hoạt động vì thiếu kinh phí.
Với nông sản thực phẩm nhập khẩu, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn mới đây đã ban hành Thông tư số 30/2014/TT-BNNPTNT. Theo đó, bắt đầu từ 1-1-2015 một số dạng vật thể muốn được nhập khẩu vào Việt Nam bắt buộc phải phân tích nguy cơ dịch hại. Cụ thể gồm: cây và các bộ phận còn sống của cây, củ, quả tươi, cỏ và hạt cỏ, sinh vật, thực vật nhập khẩu…Rau, củ, quả nhập khẩu phải có giấy phép kiểm dịch thực vật theo đúng quy định của Thông tư. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng vẫn tỏ ra hoài nghi với các quy định mới trong Thông tư cũng như khả năng rau, củ, quả độc hại của Trung Quốc tuồn vào Việt Nam nhưng được phù phép khoác áo của Mỹ, New Zealand, thậm chí Việt Nam để dễ bề tiêu thụ…
Và một câu hỏi lớn hơn, bao trùm hơn là: liệu các cơ quan, cán bộ công chức có liên quan có đủ tình yêu và tinh thần trách nhiệm với đồng bào mình để mẫn cán làm tròn nhiệm vụ? Và bao giờ các hội bảo vệ người tiêu dùng đích thực là của người tiêu dùng?