Ngày rằm Vu lan, nhớ thày tôi
Góc bình luận - Ngày đăng : 16:11, 30/08/2015
Nhưng hôm nay, rằm tháng 7, mùa Vu lan, tôi lại nhớ nhiều đến thày tôi.
Quê tôi, vùng ven biển đồng bằng Bắc Bộ, đất Hải Phòng, người ta quen gọi bố (cha) là thày. Thày với thầy đều là một, nhưng có lẽ để phân biệt với thầy giáo (gọi tắt là thầy) nên người dân quê tôi kêu bố bằng thày.
Thày tôi nếu giờ còn sống đã tròn 105 tuổi. Cụ thuộc thế hệ nho học nửa chừng. Đọc thông viết thạo cả chữ Hán và chữ Pháp nhưng chỉ làm ruộng. Biết rất nhiều, chỉ để truyền đạt cho các con. Làm ruộng trồng trọt rất giỏi, luôn là người đầu tiên khai mở cái mới ở vùng làng xã mình. Và là người cuối cùng chịu vào hợp tác xã bởi ngay từ đầu những năm 1960 thày tôi đã nhìn thấy những vô lý của mô hình nông nghiệp này. Những năm 60-70 hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng thày tôi bắt các con phải học cho bằng được, không phải để làm ông nọ bà kia, quan chức gì, mà chỉ vì thày bảo “nhân bất học, bất tri lý; ấu bất học, lão hà vi” (người mà không học thì không hiểu lẽ đời; còn nhỏ mà không học thì về già biết làm cái gì).
Người dân trong xã và quanh vùng, cứ nhắc đến thày tôi là nhớ ngay một người tốt bụng. Yêu thương tất cả mọi người, với người khốn khó khổ sở lại càng dành cho tình thương. Chúng tôi, mấy đứa con, cho đến giờ đều nói với nhau rằng điều lớn nhất, đầy đặn nhất, có giá trị nhất mà thày để lại cho chúng tôi, ngấm vào máu con cái, chính là lòng thương yêu, quý mến, tôn trọng con người.
Vừa rồi, dư luận xã hội xôn xao việc chính quyền một phường ở Hà Nội bắt dẹp thùng nước từ thiện của một nhà hảo tâm. Họ đã làm sai lại còn viện cớ vi phạm trật tự đô thị, nguy cơ lây nhiễm... để bao biện cho hành động sai trái của mình. Chính quyền như vậy quả là tai họa cho dân. Vì họ thiếu tình thương người nên họ tự biến mình thành cái máy vô hồn. Thày tôi thì khác, hồi tôi còn bé tí, những năm 1960, thày tôi đã “triển khai” thùng nước từ thiện ấy rồi.
Có chuyện nhỏ. Dạo đó nhà tôi nuôi con chó vàng, nó khôn lắm. Nó chuyên nằm trong bụi dâm bụt ngoài ngõ, canh cửa ra vào. Bữa ấy một bà người Tú Đôi vào uống nước, thấy chiếc lon Guigoz nhôm để uống nước đẹp quá, liền giấu vào chéo áo đem ra. Vậy mà vàng phát hiện đồ của nhà nó, dứt khoát cắn gấu quần bà này không cho ra. Đến khi bà Tú Đôi kêu lên, trả lon thì nó mới nhả. Thày tôi ra ôn tồn bảo bà đừng làm thế, bà nhá, để cho mọi người có cái mà uống, nhưng nếu sau bà có khát thì cứ vào uống nhá, đừng ngại.
Nhớ lại chuyện xa ngái ấy, tôi càng nhớ thày tôi. Chúng tôi bây giờ trải đã gần hết đời nhưng đạo đức không bằng ngón tay út của thày.