Sóc Trăng: Nghị lực phi thường của bé gái khuyết tứ chi
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 10:53, 01/11/2018
Nhiều năm qua, người dân ở gần Trường tiểu học An Thạnh 2B (xã An Thạnh 2, H.Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) thường chứng kiến hình ảnh một bé gái không có tay chân, được ông bà ngoại đưa đến lớp. Càng ngạc nhiên hơn khi mọi người chứng kiến em viết bài, vẽ tranh cũng như thực hiện các hoạt động sinh hoạt khác mà không cần đến đôi tay.
Bà ngoại “chết đứng” khi cháu gái chào đời
Bà Lý Thị Cho (63 tuổi, người dân tộc Khơme) ở ấp Sơn Ton, xã An Thạnh 2, cho biết 10 năm trước con gái bà là chị Trần Thị Nhàn gặp và kết hôn với một người quê ở Nha Trang, tên Vũ - cho đến bây giờ bà cũng không biết họ của con rể mình - khi 2 người lđi àm thuê. Đến năm 2010 thì sinh cháu Trần Thị Hiếu Thảo.
Khi mang thai Thảo, từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 7, vợ chồng chị Nhàn thường xuyên đi lên một cơ sở y tế ở TP.Sóc Trăng khám thai, siêu âm. Những lần ấy, họ đều được người khám cho biết thai nhi phát triển bình thường, không có gì đặc biệt nên 2 vợ chồng cùng gia đình rất yên tâm và vui khi chuẩn bị đón thành viên mới.
Nhưng đến khi trở dạ, chị Nhàn được gia đình đưa lên Bệnh viện đa khoa H.Cù Lao Dung sinh thì các bác sĩ phát hiện cháu bé gái sinh ra không có tay, không có chân. Bà Cho nói: “Nhìn thấy cháu mình như vậy, tui chết đứng, không thể tin được. Lúc đó có rất nhiều người đổ đến xem vì đây là trường hợp rất hiếm thấy ở xứ trồng mía này”.
Thảo viết chữ- Ảnh: Hàm Yên
Bà Cho nói tiếp: “Lúc đó, có người nói với tui đem bỏ đi chứ nuôi chi cho tội. Nhưng tui nghĩ, dù sao cháu tui cũng là một con người, mặc dù không được trọn hình hài, nhưng bỏ đi thì tội nghiệp lắm. Vậy là tui quyết định mang cháu về nhà nuôi với tâm nguyện cho cháu có cuộc sống như một con người”.
Lúc Thảo được 10 tháng tuổi thì bất hạnh lại giáng xuống khi cha em về thăm gia đình ở Nha Trang thì bất ngờ bị tai nạn qua đời. Vậy làmọi khó khăn lại dồn vào đôi vai gầy của mẹ, tấm lưng còng của ông bà ngoại.
Cũng do hoàn cảnh gia đình nghèo khó, không có đất đai sản xuất nên sau đó không lâu, chị Nhàn buộc lòng phải gửi cháu Thảo cho cha mẹ nuôi, còn chị lặn lội lên Bình Dương làm công nhân với đồng lương ít ỏi, hy vọng có chút tiền gửi về cho cha mẹ chăm sóc đứa con gái bất hạnh của mình cho đến bây giờ.
Như vậy, Hiếu Thảo vừa mất cha, lại không có mẹ ấp ủ kế bên, những năm tháng tuổi thơ cháu chỉ sống trong vòng tay yêu thương của ông bà ngoại và bà con lối xóm gần xa.
“Mỗi lần cháu bị bệnh, đưa đi bệnh viện, có người gợi ý tui đưa cháu vào trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật. Nhưng cháu ở với mình từ nhỏ, bây giờ cho đi ở nơi khác, e là tui chịu không nổi. Có người gợi ý cho người quen của họ làm con nuôi thì tui thấy cũng không ổn”, người bà nói.
Mỗi lần nghe người lớn nói như vậy, chờ họ ra về, cháu lại nói với bà: “Ngoại ơi, ngoại đừng đem con cho người ta ngoại nha. Mai con… có tay, con sẽ đi làm kiếm tiền nuôi ngoại mà. Đừng cho người ta nha ngoại”. Nghe cháu nói, mắt bà Cho tự dưng trào nước.
Thích tự lập từ nhỏ
Theo ông Trần Văn Nhỏ - ông ngoại của Thảo, ngay từ lúc còn nhỏ, Hiếu Thảo rất thích tự lập, tự mình làm cho mình, không muốn làm phiền người khác. Đặc biệt, khi vào mẫu giáo, Thảo rất thích học, rất thích viết chữ. Vì thế, ông bà mua cho cháu cây bút chì, quyển tập để cháu tự mình tập viết, tập vẽ cho thỏa nỗi ước ao.
Dù không tay chân, nhưng cháu có thể quét nhà - Ảnh: Hàm Yên
Những năm qua, người dân ấp Sơn Ton thường thấy hình ảnh một bé gái không tay không chân đang nghiêng đầu qua 1 bên, cây bút để sát vào gần cổ, đưa “cánh tay” giữ bút, viết thành chữ, mồ hôi chảy thành giọt trên gò má. Hình ảnh ấy rất xúc động lòng người và ai cũng khen Thảo tuy còn nhỏ nhưng đã có ý chí, có nghị lực.
Năm học 2016-2017, Hiếu Thảo vào lớp 1 và được cô Lý Thị Thanh Thúy, hàng xóm với em, tình nguyện dạy. Đến nay, Thảo đã bước vào lớp 3 của Trường tiểu học An Thạnh 2B. Khi được hỏi ai đưa em đi học, Thảo trả lời thật nhanh: “Hồi học mẫu giáo, bà ngoại đưa con đi học rồi bà ngoại ngồi sau lưng con, khi nào hết giờ học ngoại đưa con về nhà luôn. Từ khi vào lớp 1 thì con ngồi học được một mình rồi”.
Hóa ra, khi đó, đưa cháu vào lớp mẫu giáo, cháu ngồi học, còn bà Cho cũng ngồi ngay sau lưng cháu vì sợ cháu có thể ngã bất cứ lúc nào vì không có tay, không có chân mà đỡ như những cháu bé khác.
Do Thảo không có tay để cầm bút nên em để bút kẹp vào cổ, dùng phần thịt nhô ra từ vai để viết hay vẽ; làm toán thì bạn bày que tính trên bàn rồi Thảo theo hướng dẫn của cô dùng “tay” sử dụng que tính để làm bài như các bạn khác. Cứ như thế, chỉ hết khoảng nửa thời gian của học kỳ 1 năm học 2016-2017, Thảo đã viết được thành thạo.
“Ban đầu em viết chữ rất to, sau đó đã viết được chữ nhỏ như các em khác và nét chữ rõ ràng, tròn trịa và khá đẹp. Thảo tuy khuyết tật về cơ thể nhưng em rất ham học và học rất nhanh nên luôn đạt điểm cao, xếp loại Khá trong học tập”, cô Thanh Thúy cho biết.
Những lúc ở nhà, Thảo tự lấy sách vở trong cặp ra để lên bàn mà không cần sự trợ giúp của người khác. Tự tay em mở sách giáo khoa ra đọc bài; tự tay lấy bút trong cặp ra để chép bài mà không cần sự trợ giúp của ai. Sau khi đọc bài, chép bài xong, Thảo rời bàn học và “đi” ra nhà sau một cách nhanh nhẹn dù không có đôi chân.
Thảo tự có thể uống nước, không cần nhờ ai - Ảnh: Hàm Yên
Khát nước, tự “tay” em lấy cốc, tự tay mở vòi nước cho vào cốc rồi bưng lên uống một cách ngon lành, không đổ 1 giọt ra ngoài. Uống nước xong, Thảo lấy chổi (loại chổi nhỏ do bà Ngoại làm riêng cho em) rồi đặt vào giữa chút thịt thừa ở vai và cằm rồi quét nhà một cách nhanh nhẹn, nhuần nhuyễn, có khi hơn cả nhiều bạn có đủ cả 2 tay.
Tới bữa ăn, tự tay Thảo lấy bát và muỗng rồi tự mình múc cơm, bằng vài động tác nhỏ, em đã đưa được muỗng cơm vào miệng ăn một cách ngon lành. Công việc vệ sinh cá nhân cũng tự Thảo lo được cho mình mà không nhờ đến sự hỗ trợ của ông bà như hồi nhỏ nữa.
Ông Nhỏrầu rĩ: “Hoàn cảnh vợ chồng tôi rất khó khăn, không đất đai sản xuất, cả hai vợ chồng đều già yếu, lại thêm nhiều bệnh trong người nên sức khỏe đã giảm sút. Để có cái ăn cái mặc cho mình và cháu, chúng tôi phải đi làm thuê làm mướn cho bà con trong vùng.
Tuy vậy, chúng tôi cũng cố gắng giúp cháu có được con chữ để sau này tự lo được cho mình. Biết nỗi vất vả của ông bà, cháu Thảo rất hiếu học và luôn phấn đấu học tốt. Có nhiều bữa bị bệnh cháu cũng không chịu nghỉ học”.
Ông kể, ngày 14.10 vừa qua, ông chở cháu đi khám bệnh thì bị một thanh niên chạy xe ngược chiều đâm vào gây tai nạn. Ông bị chấn thương nhiều hơn phải đi bệnh viện khâu vết thương, chụp X quang, chân bị đau không chạy xe được. Riêng cháu thì bị trầy xước một số chỗ, vùng chân bị chấn thương khá đau. Thế nhưngsang ngày thứ 2, cháu lại năn nỉ ông đưa cháu đi học.
“Nhưng tôi không thể chạy xe chở cháu đi được. Nghe tôi nói, cháu buồn ra mặt. Nhưng thật may khi cô giáo của cháu biết nên vào nhà đưa cháu đi học cho gia đình. Vợ chồng tôi rất mừng khi cháu hiểu hoàn cảnh của ông bà nên có nhiều cố gắng trong học tập và học tập đạt kết quả cao, vượt qua suy nghĩ của mọi người”, ông nói.
Nghị lực phi thường của “chim cánh cụt” Hiếu Thảo đã được chứng minh khi từ một cô bé không tay không chân, bước vào lớp học trong sự ngạc nhiên, lo lắng của nhiều người cũng như sự e dè của bản thân em, đến bây giờ em đã học lớp 3, viết chữ, vẽ tranh nhanh, đẹp không thua gì các bạn trong lớp. Từ khi vào mẫu giáo đến hết lớp 2, năm học nào em cũng được nhà trường khen thưởng vì có thành tích trong học tập.
Nói về cô học trò cưng đặc biệt của mình, cô Thanh Thúy cho biết: “Thảo tuy khuyết tật nhưng rất ham học và em tiếp thu bài khá nhanh, viết chữ khá đẹp, học lực luôn từ khá trở lên. Em là tấm gương cho nhiều bạn khác noi theo”.
Thầy Lê Hoàng Vinh, Hiệu trưởng Trường tiểu học An Thạnh 2B nhận xét: “Khi nhận em Hiếu Thảo vào trường, chúng tôi rất lo vì không biết mình có cách nào giúp cháu học tốt được hay không. Thế nhưngchúng tôi rất bất ngờ khi Thảo rất thích học, ham học và học rất nhanh. Thảo là học sinh có nghị lực thật phi thường”.
Khi hỏi ước mơ sau này của Thảo, thì em nói một cách ngắn gọn nhưng chắc chắn: “Ước mơ sau này của con là làm bác sĩ để chữa bệnh cho ngoại và cứu người”.
Mọi đóng góp xin quý độc giả về:
1. Trực tiếp: Báo điện tử Một Thế Giới
Hà Nội: Nhà 22 Ngõ 249A Thụy Khuê, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội - ĐT: .
TP.HCM: 345/134 Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1 - ĐT: .
2. Chuyển khoản qua ngân hàng:
Tên tài khoản: Báo điện tử Một Thế Giới
Số tài khoản: 0921.000.715.674
Ngân hàng Vietcombank - Chi nhánh Nhà Rồng
Lưu ý: Thông tin xin ghi rõ: Ủng hộ bé HiếuThảo