Trung Quốc đem gì đến tập trận chung với ASEAN?
Quốc tế - Ngày đăng : 15:41, 28/10/2018
Cuộc tập trận quy tụ nhân sự của 11 quốc gia. Sáu nước trong số này cũng gửi tàu chiến đến tham gia, trong đó có Trung Quốc.
Khu trục hạm tên lửa đa nhiệm Quảng Châu thuộc lớp 052B đã góp mặt. Được đưa vào biên chế năm 2004, tàu có thiết kế giúp tránh bị radar phát hiện, lượng giãn nước 6.000 tấn. Radar cảnh giới 3 chiều cùng tên lửa SA-N-12 Nga tầm ngắn đảm bảo khu trục hạm đủ sức hoàn thành nhiệm vụ phòng không, trong khi các ống phóng ngư lôi được dùng đối phó tàu ngầm. Trên tàu còn có sàn đáp trực thăng.
Trung Quốc điều động cả Hoàng Sơn, một trong những tàu khu trục đa nhiệm lớn và hiện đại nhất của nước này. Đây là tàu thuộc lớp 054A tự sản xuất, đưa vào hoạt động từ năm, dài 134m, tốc độ tối đa 27 hải lý, lượng giãn nước 4.000 tấn.
Năm 2013, Trung Quốc từng đưa ra đề nghị bán ba tàu lớp 054A cho Thái Lan nhưng cuối cùng chính quyền Bangkoyk chọn lựa mẫu khu trục Gwanggaeto của Hàn Quốc.
Gabe Collins, chuyên gia của Viện nghiên cứu hàng hải thuộc đại học Hải chiến Mỹ, trong một bài phân tích năm 2015 từng ước tính chi phí đóng và trang bị một chiếc 054A vào khoảng 348 triệu USD.
Tàu tiếp vận Quân Sơn Hồ lớp 961, vào biên chế hải quân Trung Quốc từ năm 2015, cũng tham gia tập trận chung. Theo trang Thepaper.cn, lượng giãn nước là hơn 10.000 tấn, vận tốc di chuyển 22 hải lý, có 5 trạm tiếp vận nhưng không có sàn đáp trực thăng.
Uy lực tàu ASEAN
Singapore điều động tàu chiến đa nhiệm RSS Stalwart. Được thiết kế bởi hãng DCN của Pháp, đây là phiên bản hiện đại hóa của khu trục hạm La Fayette.
Tàu có lượng giãn nước 3.200 tấn, sở hữu súng Oto Melara 76mm bắn đạn pháo 6kg, tầm bắn 16km, tốc độ bắn 20 viên/phút. Tầm bắn của tên lửa chống hạm Harpoon trang bị cho tàu lên đến 130km, sử dụng định hướng bằng radar. Ngoài ra, hệ thống đánh chặn tên lửa Aster 15 trên tàu có tầm bắn 15km, đối phó được máy bay trong phạm vi 30km.
Hợp đồng mà Singapore ký với DCN có điều khoản chuyển giao công nghệ. Chiếc RSS Stalwart đầu tiên đóng tại Pháp, nhưng 5 tàu tiếp theo sẽ đóng tại Singapore.
Brunei đem đến OPV-09, tàu tuần tra lớp Daruttaqwa thứ 4. Dòng tàu này do công ty Lurssen Werft đóng tại Đức. Được đưa vào hoạt động năm 2014, tàu dài 80m, lượng giãn nước 1.625 tấn, trang bị hai súng pháo Oerlikon 20mm cùng bốn tên lửa chống hạm Exocet MM40 Block 3.
Trong khi đó, tàu HTMS Taksin mà Thái Lan đem đến tập trận là sản phẩm của Tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc. Sau khi trải qua quá trình nâng cấp năm 2016, HTMS Taksin có lượng giãn nước 2.980 tấn, sở hữu súng pháo 127mm và hệ thống phóng tên lửa Mark 41.
Việt Nam điều động 015 Trần Hưng Đạo lớp Gepard 3.9 góp mặt. Tàu được đóng ở Nga, là một trong những tàu chiến tối tân nhất của hải quân Việt Nam, vừa được đưa vào biên chế trong tháng 2.2018.
Lượng giãn nước của 015 Trần Hưng Đạo đạt 2.100 tấn, chiều dài 102m. Tàu được trang bị bốn ống phóng ngư lôi 533mm cùng hai hệ thống chống ngầm SS-N-25.
Philippines chỉ đưa tàu hậu cần BRP Dagupan City đến tham dự. Tàu được đưa vào hoạt động từ thập niên 1990, lượng giãn nước 4.265 tấn, vận tốc tối đa 12 hải lý.
Cẩm Bình (theo SCMP)