Công an TP.Cần Thơ nói gì về vụ ‘anh thợ điện bị xử phạt 90 triệu đồng’?

Sự kiện - Ngày đăng : 13:52, 24/10/2018

Ngày 24.10, Công an TP.Cần Thơ đã thông tin vụ việc anh thợ điện bị xử phạt 90 triệu đồng vì đổi 100 USD tại tiệm vàng Thảo Lực (Q.Ninh Kiều).

Theo Công an TP.Cần Thơ, trưa 30.1.2018, lực lượng Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TP.Cần Thơ) đã bắt quả tang ông Lê Hồng Lực (Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực - tiệm vàng Thảo Lực) đang mua 100 USD của anh Nguyễn Cà Rê (thợ điện, ngụ Q.Ninh Kiều), với giá 2.260.000 đồng mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.

Qua quá trình xác minh, 2 bên đã thừa nhận hành vi sai phạm của mình. Công an TP.Cần Thơ cho biết đã có đầy đủ căn cứ chứng minh hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân nêu trên nên trình Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Cụ thể, ông Nguyễn Cà Rê bị phạt 90 triệu đồng, tịch thu 2.260.000 đồng (quy đổi từ 100 USD) theo điểm a, khoản 3, điều 24 Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ).

Căn cứ vào Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ, Công an TP.Cần Thơ tham mưu UBND TP ra quyết định xử phạt hành chính đối với tổ chức và cá nhân nêu trên theo quy định của pháp luật.

Quyết định xử phạt ông Rê- Ảnh: Thanh Nguyên

Cũng theo Công an TP.Cần Thơ, căn cứ vào Luật Xử lý vi phạm hành chính, tổ chức và cá nhân vi phạm có thể thực hiện các yêu cầu để giảm nhẹ việc nộp phạt như: đề nghị tiền nộp phạt nhiều lần theo quy định tại điều 79 hoặc đề nghị hoãn thi hành quyết định phạt tiền theo quy định tại điều 76, hay đề nghị giảm, miễn tiền phạt theo quy định tại điều 77.

Trường hợp anhNguyễn Cà Rê có hoàn cảnh khó khăn thì có thể làm đơn gửi UBND TP.Cần Thơ xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP.Cần Thơ) cho rằng việc UBND TP.Cần Thơ căn cứ Nghị định 96/2014 để xử phạt như vậy là không sai. Tuy nhiên, quy định pháp luật này cần sửa đổi bổ sung cho sát với thực tế và đi vào cuộc sống.

Luật sư Đức nêu 3 điểm cần xem xét. Thứ nhất, chế tài đối với cá nhân là người đổi ngoại tệ ngoài việc tịch thu còn phải chịu xử phạt. “Tôi cho rằng việc tịch thu cũng đã đủ tính răn đe. Mặt khác, hiệu quả của việc xử phạt cũng sẽ rất khó khăn, không khả thi”, luật sư Đức nói.

Thứ hai, vấn đề là kiểm soát điểm kinh doanh, chứ không phải là cá nhân có nhu cầu nhỏ lẻ. Trong giao dịch hằng ngày, có nhiều trường hợp như lì xì, tặng cho nhau với lượng nhỏ USD, nếu có nhu cầu đổi mà cũng xử lý là không ổn.

Thứ ba, nếu cá nhân đi đến ngân hàng để đổi ngoại tệ đi chăng nữa thì có ai đó yêu cầu ngân hàng xuất trình giấy phép về việc ngân hàng đó được phép mua bán ngoại tệ? “Nói tóm lại, Nghị định 96/2014 cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn”, luật Đức nói.

Theo gia đình ông Lê Hồng Lực chủ tiệm vàng Thảo Lực, hôm đó, kết quả khám xét nhà ngoài tờ 100 USD của khách vừa đổi, thì cơ quan công an không thu giữ được thêm bất cứ đồng ngoại tệ nào khác. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cho rằng có đơn tố giác gia đình ông Lực kinh doanh ngoại tệ.

Ông Lực cũng cho biết trước đó, vào tháng 6.2017, Cảnh sát Kinh tế (Công an TP.Cần Thơ) cũng từng đến đọc lệnh khám nhà ông một lần và tạm giữ một số lượng vàng trắng.Tiệm vàng của ông bị phạt 8,5 triệu đồng.

Việc khám xét nhà và tạm giữ vật dụng kinh doanh như vậy đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và công việc kinh doanh của gia đình.

Thanh Vinh

Văn Vĩnh