Những chính sách mới về BHXH, BHYT có hiệu lực từ năm 2018
Sự kiện - Ngày đăng : 11:05, 29/10/2018
4 quy định mới về BHXH cần lưu ý từ 1.1.2018
Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014 có hiệu lực từ ngày 1.1.2016, tuy nhiên, có nhiều quy định BHXH kể từ 1.1.2018 mới chính thức được áp dụng. Cụ thể, những quy định mới về BHXH dưới đây cần được chủ sử dụng lao động, người lao động lưu ý:
Thứ nhất là người lao động có hợp đồng lao động từ 1 tháng đến dưới 3 tháng và người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ.
Thứ hai là từ ngày 1.1.2018 trở đi, tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định tại Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động -Thương bình -Xã hội.
Trong đó, mức lương làm căn cứ đóng BHXH theo thang lương, bảng lương do doanh nghiệp tự xây dựng. Các khoản bổ sung khác là khoản tiền ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.
Các khoản bổ sung khác không bao gồm: Tiền thưởng theo quy định tại điều 103 của Bộ luật Lao động ; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.
Thứ ba là từ ngày 1.1.2018 trở đi, thay đổi điều kiện hưởng lương hưu đối với người về hưu trước tuổi. Theo đó, người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên, được hưởng lương hưu với mức thấp hơn trong trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80% thì phải đủ điều kiện về tuổi đời như sau:
Năm 2018: Với nam là từ 53 tuổi trở lên; với nữ là từ 48 tuổi trở lên.
Năm 2019: Với nam là từ 54 tuổi trở lên; với nữ là từ 49 tuổi trở lên.
Năm 2020: Với nam là từ 55 tuổi trở lên; với nữ là từ 50 tuổi trở lên.
Riêng trường hợp người lao động đã có thời gian đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên, trong đó có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì không kể tuổi đời.
Thứ tư là từ ngày 1.1.2018, lao động nữ nghỉ hưu khi đóng đủ 15 năm BHXH hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Từ năm thứ 16 trở đi, mức hưởng BHXH tăng thêm 2%; đóng đủ 30 năm được hưởng lương hưu tối đa 75% thay vì 25 năm như hiện nay.
Hiện lao động nam đóng 15 năm BHXH hưởng lương hưu 45% bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Từ ngày 1.1.2018, để hưởng mức trên, lao động nam phải đóng đủ 16 năm; tới năm 2022 phải tham gia 20 năm BHXH mới được hưởng mức 45%. Muốn hưởng lương hưu ở mức tối đa 75%, lao động nam phải đóng bảo hiểm 35 năm, thay vì 30 năm như hiện nay.
Lao động nam nghỉ hưu trong năm 2018 đóng đủ 31 năm BHXH hưởng lương hưu tối đa 75% bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Nếu lao động nam nghỉ hưu từ năm 2019, 2020, 2021 và 2022 trở đi phải đóng tương ứng từ 32 đến 35 năm BHXH mới được hưởng 75%.
Muốn hưởng lương hưu tối đa 75%, người lao động đóng BHXH thêm 5 năm nữa so với hiện nay. Mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi theo quy định thì bị trừ 2%.
Thứ năm là người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn: 30% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo; 25% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo; 10% đối với các đối tượng khác.
Quy định mới về chế độ BHYT có hiệu lực từ ngày 1.7.2018
Từ ngày 1.7.2018, lương cơ sở được tăng lên mức 1.390.000 đồng/tháng, kéo theo mức đóng và các quyền lợi thuộc chế độ bảo hiểm y tế (BHYT) cũng đồng loạt tăng theo.
Thứ nhất, hiện tại căn cứ điểm b, d và e của điều 2 Nghị định 105/2014/NĐ-CP quy định mức đóng BHYT hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở, tương ứng với 58.500 đồng/tháng.
Tuy nhiên, từ ngày 1.7.2018, lương cơ sở tăng dẫn đến mức đóng BHYTsẽ tăng và ở mức 62.550 đồng/tháng, áp dụng với các đối tượng như: Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; người thuộc hộ gia đình cận nghèo; học sinh, sinh viên...
Ngoài ra, trường hợp đóng BHYT theo hình thức hộ gia đình thì mức đóng được quy định như sau: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Như vậy, với việc mức lương cơ sở tăng lên 1.390.000 đồng từ ngày 1.7.2018 thì mức đóng BHYT của người thứ nhất là 62.550 đồng/tháng và kéo theo mức đóng của người thứ 2 là 43.750 đồng/tháng; người thứ 3 là 37.530 đồng/tháng, người thứ 4 là 31.275 đồng/tháng và từ người thứ 5 là 25.020 đồng/tháng.
Thứ hai, hiện tại, mức phí khám chữa bệnh được BHYT chi trả 100% là dưới 195.000 đồng, mức này bằng 15% mức lương cơ sở. Từ ngày 1.7.2018, người khám chữa bệnh dưới 208.500 đồng vẫn được BHYT chi trả hoàn toàn (căn cứ theo điểm d khoản 1 điều 4 Nghị định 105/2014/NĐ-CP).
Đồng thời, Nghị định 105/2014/NĐ-CP cũng quy định người đóng BHYT từ đủ 5 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh. Như vậy, từ ngày 1.7.2018, nếu thời gian tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục và số tiền chi trả chi phí khám, chữa bệnh lớn hơn 6 tháng lương cơ sở tương ứng với 8,34 triệu đồng thì được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh.
Tuyết Nhung