Malaysia sẽ xóa bỏ mức án tử hình
Quốc tế - Ngày đăng : 16:51, 12/10/2018
Chính phủ Thủ tướng Mahathir Mohamad vừa xem xétmột luật, sẽ trình Quốc hội Malaysia xem xét ở phiên họp ngày 15.10 tới. Bộ trưởng Luật pháp Liew Vui Keong nói: “Toàn bộ án tử hình đã ban sẽ bị hủy. Ngưng hoàn toàn. Toàn bộ khâu giấy tờ đang ở giai đoạn cuối. Một khi chúng tôi hủy mức án này, tất cả các vụ thi hành án tử hình sẽ không được thực hiện nữa”.
Ông Liew cho biết thêmnhững tử tù sẽ được chuyển đến Hội đồng Ân xá, nơi sẽ quyết trả tự do hoặc buộc họ phải chịu thi hành án: “Khi xét án, họ sẽ đối mặt với án tù chung thân.Vì đã có nhiều cái chết do thủ phạm gây ra và tòa án đã tuyên án tử hình đối với họ”.
Chính phủ Malaysia cũng dự tính hủy Luật chống Nổi loạn (có từ thời Malaysia bị Anh đô hộ). Bộ trưởng Thông tin Gobin Singh nói sẽ ngưng áp dụng luật này.
Theo New York Times, hai luật trên là nhờ sự thúc đẩy của liên minh cầm quyền Pakatan Harapan của Thủ tướng Mahathir. Ở cuộc bầu cử quốc hội Malaysia ngày 9.5, liên minh này bất ngờ thắng cử, và cựu Thủ tướng Najib Razak đang đối mặt hàng chục tội danh tham nhũng.
Việc hủy án tử hình sẽ có thể giúp mở cuộc điều tra vai trò của ông Najib, trong vụ vệ sĩ của ông giết người mẫu Mông Cổ Altantuya Shaariibuu hồi năm 2016. Dù hai vệ sĩ đã bị xử tù, chính quyền hy vọng sẽ biết được ai ra lệnh giết cô Altantuya, người khi còn sống từng nói có công môi giới giúp Malaysia mua một số tàu ngầm Pháp, nhưng cô chưa được hưởng số tiền công 500.000 USD.
Hiện đang có vụ điều tra một khoản tiền “lại quả” của những người thân ông Najib. Một người bị buộc tội giết cô người mẫu là Sirul Azhar Umar từng trốn qua Úc và bị nhốt ở trại giam di dân trái phép. Ông ta đề nghị giúp cuộc điều tra của chính phủ Malaysia. Nhưng chính quyền Úc chưa trao trả Sirul vì ngại ông ta bị tuyên án tử hình khi về nước.
Nghị sĩ Ramkarpal Singh cũng là em của Bộ trưởng Thông tin Gobind, nói: “Đòi đem Sirul về nước không là mục đích chính của việc tuyên hủy án tử hình, và chính phủ Úc phải trao trả ông ta, không có lý do giữ ông ta lại một khi án tử hình được hủy”.
Tuyên bố của chính phủ Malaysia được đưa ra một tháng sau khi Thủ tướng Mahathir kêu gọi các quan chức xem xét vụ một người đàn ông bị tuyên án tử hìnhvì bán dầu thuốc phiện cho những người mắc bệnh nặng đến đe dọa mạng sống.Hồi tháng 8, Muhamad Lukman Mohamad, 29 tuổi, bị tuyên án tử hìnhkhiến người dân Malaysia phẫn nộ.
Quyết định hủy án tử hình của chính phủ Malaysia được các tổ chức nhân quyền hoan nghênh, và sẽ liên quan hơn 1.200 tử tù đã phạm các tội từ phản quốc, tuyên chiến chống lại nhà vua, buôn lậu ma túy, bắt cóc và giết người... Malaysia thường xử án tử hình bằng cách treo cổ.
Tổng thư ký Ân xá Quốc tế Kumi Naidoo ra tuyên bố: “Malaysia nay phải tham gia cùng 106 quốc gia đã quay lưng vĩnh viễn với sự trừng phạt phi nhân tính, cực kỳ bạo tàn. Thế giới đang trông theo”.Ông gọi việc Malaysia áp dụng mức án tử hình là “vết ố khủng khiếp của thành quả nhân quyền từ nhiều năm qua”.
Ông Naido nói thêm: “Không thể lãng phí thời gian nữa, lẽ ra án tử hình đã phải bị nhốt vào sách lịch sử từ lâu. Chính phủ mới của Malaysia đã hứa tuân thủ nhân quyền, và tuyên bố hôm nay là một dấu hiệu đáng khích lệ.Tuy nhiên,vẫn còn nhiều việc cần làm”.
Theo Newsweek, vẫn còn nhiều nước tiếp tục áp dụng án tử hình, nhưng một báo cáo của một tổ chức nhân quyền phi chính phủ cho biết từ năm 2016 đến 2017, mức án tử hình đã giảm 4%. Năm 2017, có 993 vụ thi hành án tử hình ở 23 quốc gia, gồm hơn một nửa ở Iran vốn đã xử tử hình hơn 500 người.
Cùng năm 2017, Malaysia tuyên án 38 án tử hình, gồm 21 vụ vì tội buôn lậu ma túy, 16 vụ giết người và 1 một người phạm tội bắn súng. Từ tháng 7, Malaysia đã tuyên bố tạm ngưng thi hành án.
Theo Times, một số quốc gia Đông Nam Á vẫn còn áp dụng án tử hình, đối với người phạm tội buônma túy. Mới chỉ có Campuchia và Philippines cấm áp dụng mức án cao nhất này, nhưng Tổng thống Rodrigo Duterte đang vận động tái áp dụng án tử hình ở Philippines.
Bích Ngọc (theo Newsweek, New York Times)