Lãnh đạo không nên cố chấp, nếu thấy góp ý đúng thì phải sửa

Chân dung và đối thoại - Ngày đăng : 17:41, 25/11/2015

Ông Lê Như Tiến cho rằng việc nói một ai đó "kênh kiệu" không phải là sự xúc phạm, tuy nhiên nếu có thể dùng một từ nào đó hay hơn sẽ tốt hơn, chẳng hạn "ông ấy cũng không gần dân lắm".Ông cũng cho rằng lãnh đạo không nên cố chấp, nếu thấy góp ý đúng thì phải sửa.

Liên quan đến vụ 3 người dân tỉnh An Giang bị kỷ luật và xử phạt tiền do chê chủ tịch tỉnh "kênh kiệu" trên Facebook, mới đây, cơ quan chức năng tỉnh An Giang đã ra quyết định thu hồi các quyết định xử phạt này với lý do "họ đã thấy được lỗi của mình". Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đại biểu quốc hội Lê Như Tiến bên hành lang Quốc hội về vấn đề này.

- Ông nghĩ như thế nào về việc An Giang rút lại quyết định xử phạt hành chính đối với 3 người có liên quan đến bài viết chê Chủ tịch tỉnh An Giang kênh kiệu, với lý do là ba người đó đã nhận ra lỗi của mình?

- Ông Lê Như Tiến: Đó chỉ là một cách giải thích thôi. Trong một xã hội dân chủ thì người ta có quyền bình xét, đánh giá, đặc biệt là cử tri và nhân dân có quyền đánh giá những người mà mình bầu ra hoặc là cán bộ lãnh đạo quản lý. Chuyện ấy bình thường. Tôi cũng cho đó là cơ hội tốt để mỗi người tự nhìn lại mình, nếu thấy có vấn đề thì sửa chữa. Việc người dân đánh giá, nhận xét mình mà mình lại chỉ đạo đối với các cơ quan hữu quan kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính thì không được.

- Cá nhân ông có nghĩ đó là sự lạm quyền không?

- Ông Lê Như Tiến: Có dấu hiệu trù dập với người nói sự thật. Như vậy là rất nguy hiểm bởi sau này có thể người dân sẽ không góp ý với mình nữa. Mà người dân không nói thì sẽ không có cơ hội để sửa chữa nếu có khuyết điểm.

- Vụ việc này liệu có tạo ra tiền lệ xấu?

- Ông Lê Như Tiến: Nếu thấy việc mình làm là quá đáng với công dân của mình, thì rút lại quyết định là rất tốt. Khi đã làm sai mà sửa thì càng có thêm uy tín. Còn nếu không nhận ra lỗi sẽ càng làm cho vai trò, uy tín người lãnh đạo, quản lý giảm xuống.

- Hôm trước, khi trả lời báo chí, ông Chủ tịch tỉnh An Giang có nói rằng ông không biết việc 3 người bị phạt. Tuy nhiên, thực tế lại có nhiều cơ quan ở An Giang cùng vào cuộc để xử lý một việc mà chính sự ảnh hưởng của nó lại khiến người "trong cuộc" chưa biết. Ông có nghĩ rằng việc một bộ máy công quyền xử lý một vụ nhỏ bé quá ầm ĩ như thế liệu có phải là để "nịnh" lãnh đạo không?

- Ông Lê Như Tiến: Nói là nịnh thì chưa có căn cứ để khẳng định là nịnh nhưng đó là một việc làm vội vã. Đáng lẽ, khi bất kỳ một công dân nào có khuyết điểm thì cũng phải tìm lý do vì sao, căn cứ vào cơ sở pháp luật nào để xử lý. Vậy mới là khách quan. Và cũng phải coi ngược lại là phản ánh của người dân có đúng không. Nếu đúng như người dân nói thì quá tốt, đó là một cơ hội để cho chủ tịch tỉnh sửa đổi những bất cập của mình.

- Vậy ranh giới của việc nhận xét một người nào đó với việc "chê" để đến mức bị phạt trong trường hợp này là quá mong manh?

- Ông Lê Như Tiến: Tôi cho là phải xem lại cả hai phía: phía công dân và phía lãnh đạo. Công dân góp ý cho lãnh đạo hay góp ý cho một công dân khác cần phải điềm đạm, trên tinh thần xây dựng, góp ý một cách có văn hóa. Phía lãnh đạo thì không nên cố chấp, nếu thấy góp ý đúng thì phải sửa.

- Cá nhân ông có cho rằng việc nói ai đó "kênh kiệu" là xúc phạm người đó không?

- Ông Lê Như Tiến: Nếu nói một ai đó "kênh kiệu", thậm chí "tự kiêu lắm" thì cũng không phải là sự xúc phạm mà đó chỉ là nhận xét bình thường. Nếu có thể dùng một từ nào đó hợp hơn thì tốt hơn, ví dụ "ông ấy cũng không gần dân lắm".

-Xin trân trọng cảm ơn ông!
Tuệ Minh (ghi)