Anh lo ngại về khả năng và quy mô của tình báo quân đội Nga

Quốc tế - Ngày đăng : 05:44, 05/10/2018

Ngày 4.10, chính phủ Anh lần đầu tiên trực tiếp cáo buộc Cơ quan tình báo quân đội Nga (GRU) thực hiện hàng loạt cuộc tấn công mạng theo chỉ đạo của Điện Kremlin, nhằm gây hại cho các nền dân chủ phương Tây, gây hoang mang trong nhiều lĩnh vực.

Kết luận của chính phủ Anh dựa theo nghiên cứu của Trung tâm An ninh mạng quốc gia (NCSC) nêu rõ GRU là đối tượng tin tặc nguy hiểm, sử dụng nhiều tin tặc để gây chia rẽ trên toàn thế giới.

Bộ Ngoại giao Anh xác định 6 vụ tấn công của tin tặc từGRU, mật danh của 12 nhóm tin tặc dưới quyền GRU là Fancy Bear, Voodoo Bear, APT28, Sofacy, Pawnstorm, Sednit, CyberCaliphate, Cyber Berku, BlackEnergy Actors, STRONTIUM, Tsar Team và Sandworm.

Trong tuyên bố, Bộ Ngoại giao Anh xác định 4 vụ tấn công mạng của tin tặc Nga, trong đó cóvụ tấn công tháng 10.2017bằng mã độc BadRabbit khiến mạng IT không thể hoạt động và gây rối loạn cho Ngân hàng Trung ương Nga, 2 cơ quan truyền thông Nga và hệ thống xe điện ngầm ở thủ đô Kiev và sân bay Odessa của Ukraine.

Các cuộc tấn công mạng khác lần đầu tiên bị NCSC quycho tin tặc Nga, là vụ xâm nhập hồ sơ y tế mật của các vận động viên thể thao quốc tế chịu sự kiểm soát của Ủy ban Phòng chống doping thế giới (WADA) năm 2017, một đài truyền hình nhỏ của Anh hồi năm 2015, và nhân mùa tranh cử tổng thống Mỹ 2016, tin tặc Nga xâm nhập máy chủ điện toán của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) chiếm đoạt hàng ngàn thư điện tử nội bộ đảng này, sau đó tuồn cho giới truyền thông, gồm cả mạng Wikileaks.

Vụ tấn công mạng của DNC từ lâu được quycho tin tặc Nga, nhưng đây là lần đầu tiên tình báo Anh cáo buộc Nga.Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt tuyên bố cuộc tấn công mạng có sự phê duyệt của lãnh đạo Điện Kremlin, Tổng thống Vladimir Putin. Ông nói các cuộc tấn công này vi phạm luật pháp quốc tế, gây hại cho công dân nhiều quốc gia gồm cả Nga, gây thiệt hại hàng tỉ bảng Anh cho nền kinh tế các nước.

Ngoại trưởng Hunt nói: “Các vụ tấn công mạng này không phục vụ quyền lợi an ninh quốc gia hợp pháp, thay vào đó là tác động vào cuộc sống thường ngày của người dân khắp thế giới mà không bị can thiệp, thậm chí tác động vào khả năng thụ hưởng thể thao của họ”.

Tuyên bố của ông Hunt còn viết: “Hoạt động của GRU rất liều lĩnh, cố gắng phá hoại, can thiệp vào các cuộc bầu cử của các nước, thậm chí sẵn sàng gây hại cho các công dân Nga, công ty Nga. Hành xử này cho thấy họ muốn hoạt động bất chấp luật pháp quốc tế hoặc các chuẩn mực đã được xác lập, họ làm thế với suy nghĩđược miễn tội, không phải gánh chịu hậu quả”.

Sau vụ cựu đại tá GRU Sergei Skripal và con gái bị đầu độc ở thành phố Salisbury (Anh) ngày 4.3, Thủ tướng Anh Theresa May đã hứa công bố tầm cỡ phá hoại của GRU. Anh cũng ráo riết xác định hai người Nga bị nghi thực hiện vụ đầu độc cha con Skripal.

Nhưng các quan chức Nga xác nhận hai người dân Nga đến Salisbury chỉ để du lịch. Tổng thống Putin hôm 3.10 tuyên bố Skripal, người đã phản bội GRU khi tố cáo hàng chục điệp viên cho Cục tình báo MI6 của Anh, là “tên rác rưởi phản quốc”.

Cảnh báo của Bộ Ngoại giao Anh vào lúc Mỹ đang chuẩn bị một chiến dịch chống tấn công mạng cho 29 nước thành viên NATO, nơi đã tuyên bố sẽ lập một trung tâm hoạt động không gian mạng, để điều phối hoạt động chiến tranh mạng của NATO.

Giáo sư Malcolm Chalmers thuộc tổ chức nghiên cứu phòng thủ RUSI nói: “Đa phần hoạt động tình báo nhằm chiếm ưu thế, thông qua chiếm giữ bí mật của địch. Nhưng hoạt động của GRU vượt quá vai trò do thám truyền thống trong thời bình. Khi tung ra hoạt động phá hoại đe dọa mạng sống của người ở các nước bị chọn là mục tiêu, GRU đã xóa mờ ranh giới chiến tranh với hòa bình”.

Cựu cố vấn an ninh quốc gia Anh, ông Mark Lyall Grant cảnh báo tấn công mạng nay là một trong những mối đe dọa lớn đối với sự tồn vong của trật tự thế giới tự do.

Chắc chắn Nga sẽ phản đối cáo buộc của chính phủ Anh, nhưng ông Lyall Grant tuyên bố ông Putin sẽ bị bất ngờ vì CNSC vạch trần quá sâu hoạt động của GRU.

Theo Reuters, dù không nổi tiếng bằng Cơ quan phản gián Liên Xô (KGB), GRU vẫn giữ những vai trò lớn trong vài sự kiện quốc tế như vụ khủng hoảng tên lửa Cuba, vụ Nga sáp nhập Crimea năm 2014.

Hãng tin Anh nêu GRU có điệp viên rải khắp thế giới, chỉ tuân lệnh Tổng tham mưu trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Nga, không công khai bình luận về hoạt động của lực lượng. Cơ cấu tổ chức, số nhân sự và nguồn kinh phí của GRU đều là bí mật quốc gia Nga.

Bảo Vĩnh (theo Guardian, Reuters)

Trần Trí