Tướng Hồ Sỹ Tiến nói về nguồn cơn các vụ án rúng động năm 2015
Chân dung và đối thoại - Ngày đăng : 06:10, 29/12/2015
Người đứng đầu lực lượng cảnh sát hình sự - Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến cả nước cũng thừa nhận, các vụ án rúng động xảy ra trong năm qua có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó lớn nhất từ các mâu thuẫn tranh chấp, tình ái...
Hàng loạt vụ án giết người rúng động trong năm 2015 đã làm lòng người hoang mang, lẫn tổn thương... Dù công an nhanh chóng khám phá và những kẻ gây án phải trả giá. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Công an, số vụ phạm pháp giảm nhưng hành vi tội phạm manh động, bạo lực, tàn bạo hơn.
Điểm mặt các vụ trọng án giết người hàng loạt
Đầu tiên phải kể đến là vụ thảm án giết 6 người ở huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước do Nguyễn Hải Dương (SN 1991, quê An Giang, tạm trú huyện Hóc Môn, TP.HCM) tổ chức. Đây là vụ án có mức độ nghiêm trọng hiếm thấy trong vài chục năm trở lại đây; đến nay TAND tỉnh Bình Phước đã đưa ra xét xử, tuyên án Dương cùng đồng bọn trong những ngày cận kề cuối năm.
Đến nay, khả năng Dương chấp nhận với mức án tử hình, không hề kháng cáo. Trước tòa, Dương bình thản thừa nhận hành vi tội ác, không có chút ăn năn, hối hận nào. Thế nhưng chút tình còn sót lại trong kẻ gây tội ác đã trỗi dậy, trong lời nói sau cùng, Dương đã xin...tha chết cho đồng phạm Vũ Văn Tiến (SN 1991, quê Bình Phước, tạm trú huyện Hóc Môn) vì đã bị mình lừa...đưa vào vòng tội ác, trợ giúp đắc lực cho Dương gây án.
Trong khi đó, Tiến và 1 đồng phạm khác trong vụ án là Trần Đình Thoại (SN 1988, quê Vĩnh Long, tạm trú Q.Gò Vấp) cũng đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Trong năm 2015 hồ sơ án hình sự còn có vụ trọng án giết nhiều người như: đối tượng Vũ Văn Đản (SN 1974) trong cơn say và loạn thần đã thực hiện màn đâm chém, giết 3 người và làm 4 người khác bị thương ở Gia Lai; vụ đối tượng Vi Văn Hai (SN 1990) ra tay giết một lúc 4 người tại một huyện miền núi ở Nghệ An hay như vụ Đặng Văn Hùng (SN 1989) ra tay giết 4 người trong một gia đình ở vùng rẻo cao Yên Bái...
Theo thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến – Cục trưởng cục cảnh sát hình sự, Bộ công an, những vụ trọng án thực hiện bởi Vũ Văn Đản, Vi Văn Hai hay Đặng Văn Hùng kể trên, đều xuất phát từ mâu thuẫn bộc phát, khiến đối tượng ra tay; hoàn toàn không có kế hoạch giết người ghê sợ, tính toán kỹ lưỡng như vụ Nguyễn Hải Dương cùng đồng bọn thực hiện. Tất cả các vụ trọng án rúng động đến nay đều đã được làm rõ.
Tuy nhiên, riêng trường hợp Trần Văn Điểm (SN 1988, quê Hải Dương) bị TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đưa ra xét xử và tuyên án tử hình mới đây là chân dung một tên tội phạm sát nhân hoàn toàn khác. Đó chính là tội phạm giết người hàng loạt đúng nghĩa; liên tục nhiều tháng, Điểm đi 4 tỉnh sát hại 4 người khác nhau để cướp.
Trong phiên xử, Trần Văn Điểm đóng vai kẻ khờ khạo nhưng cực kỳ tỉnh táo và bất cần đời. Mức độ nguy hiểm của Điểm còn thể hiện qua nhiều cầu nói lạnh gáy trước vành móng ngựa như: “Tôi nhập vai anh hùng kiếm hiệp đi giết kẻ xấu, cứu nhân độ thế. Tôi không cần mọi người tin hay không tin tôi. Tôi bị ảo tưởng, tôi muốn giết nhiều người. Tôi giết người xong, thấy tài sản là lấy luôn. Nếu không bị bắt, tôi sẽ tiếp tục giết những người khác...”
Tướng công an nói về nguồn cơn tội ác
Chính tướng Hồ Sỹ Tiến từng thừa nhận, một số vụ trọng án trong năm 2015, quá trình phá án khiến ông không khỏi bất ngờ, điển hình như vụ thảm án 6 người ở Bình Phước hay vụ giết 4 người ở huyện miền núi Nghệ An.
“Các đối tượng có kế hoạch gây án tinh vi, xóa sạch dấu vết nên tâm lý rất tự tin, ổn định, mặc dù đã bị công an khoanh vùng, nghi vấn. Chỉ khi nào đối diện với những chứng cứ xác thực, không thể chối cãi thì chúng mới cúi đầu...”, ông Tiến nói.
Người đứng đầu lực lượng cảnh sát hình sự cả nước cũng thừa nhận, các vụ án rúng động xảy ra trong năm qua có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó lớn nhất từ các mâu thuẫn tranh chấp, tình ái... Ngoài ra việc sử dụng chất kích thích, bệnh tật (đặc biệt là bệnh tâm thần)... cũng là nguồn cơn dẫn đến hành vi.
Ông Tiến cho rằng “có thể giải quyết, hòa giải được các mâu thuẫn kể trên; không đáng để xảy ra những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây tổn thương lòng người như thế”.
Để hạn chế thấp nhất các vụ trọng án... theo tướng Tiến “xã hội và các cơ quan ban ngành khác cần phối hợp với công an là nòng cốt để triển khai hàng loạt các biện pháp phòng ngừa, đặc biệt là phòng ngừa xã hội. Chúng ta cần chung tay, kịp thời phát hiện, tổ chức hòa giải, giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, định hướng, giáo dục đạo đức, lối sống cho giới trẻ, thanh thiếu niên hiện nay.
Quan trọng không kém là tạo điều kiện công ăn việc làm cho những người đang có hoàn cảnh khó khăn. Duy trì, tăng cường phong trào toàn dân phòng chống tội phạm bảo vệ tổ quốc, phong trào tố giác tội phạm...”.
Ông Tiến cũng cho hay, trong năm 2015, Cục cảnh sát hình sự cũng đã có chuyên đề nghiên cứu khoa học về các vụ trọng án, tâm lý tội phạm để từ đó đề ra các giải pháp phòng ngừa.
Anh Sinh/VNN