TP.HCM: Sau tay chân miệng, đến lượt sốt xuất huyết và sởi bùng phát
Sự kiện - Ngày đăng : 12:46, 03/10/2018
Sốt xuất huyết, sởi " kéo" nhau tăng đột biến
Theo trung Tâm y tế dự phòng TP.HCM trong tháng 9 vừa qua, bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt là bệnh sởi tăng cao và đang tiếp tục tăng mạnh trong những tuần gần đây.
Nếu như ở tuần đầu của tháng 9, số ca sốt xuất huyếtđược ghi nhận chỉ 617 ca,thì trong tuần cuối của tháng 9 vừa qua, TP ghi nhận đến hơn 700 ca mắc sốt xuất huyết, nâng tổng số ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay lên 12.963 ca mắc bệnh.
Theo đánh giá của Trung tâm y tế Dự phòng TP, dù số ca mắc sốt xuất huyết thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (thời điểm sốt xuất huyết bùng phát thành dịch), nhưng đang gia tăng mạnh trong cộng đồng, cùng với thời tiết thuận lợi mưa nhiều ở khu vực phía Nam thì bệnh sốt xuất huyết có nguy cơsẽ bùng phát mạnh thành dịchnếu không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Trong khi đó số ca mắc sởi được ghi nhận liên tục tăng, đặc biệt là trong những tuần cuối của tháng 9. Nếu như ở những tuần đầu của tháng, mỗi tuần TP phát hiện khoảng 14 đến 15 ca mắc sởi thì trong tuần cuối cùng của tháng 9 vừa qua, TP ghi nhận đến hơn 30 ca mắc sởi, tăng gấp đôi so với những tuần đầu của tháng. Hiện bệnh nhân mắc sởi đã có mặt ở tất cả 24 quận - huyện; đặc biệt các quận nhưThủ Đức, 12,Tân Bình, Tân Phú... số ca mắc sởi rất cao.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM cho hay năm nay bệnh sởi diễn biết rất phức tạp. Trong 9 tháng của năm 2018 này, TP.HCM ghi nhận đến 111 ca mắc sởi, trong khi đó cùng thời điểm này của năm ngoái TP không ghi nhận ca mắc sởi nào.
Sự gia tăng đột biến của bệnh sởi trong những ngày gần đây đang khiến cho tình hình dịch bệnh của TP trở nân rất phức tạp.
Viện Pasteur TP.HCM cho biết qua giám sát về mật độ lưu hành của virút sởi mới đây cho thấy sự gia tăng của vi rút sởi trong cộng đồng rất lớn. Hiện tỷ lệ bệnh sởi chiếm hơn 20% số bệnh phẩm sốt phát ban, nếu so với cùng kỳ chỉ có 1%.
“Hiện nay tình hình thời tiết ở khu vực phía Nam đang rất thuận lợi cho việc lây lan bệnh sởi. Sự giao lưu đi lại rất lớn và tỷ lệ tiêm chủng chưa được như mong muốn là điều kiện thuận lợi để bệnh sởi lây lan trong cộng đồng. Dự báo tình hình trong thời gian tới vẫn tiếp tục ghi nhận ca bệnh tại khu vực”, Viện Pasteur TP.HCM cảnh báo và cho biết dịch sởi thường quay lại theo chu kỳ từ 3 đến 5 năm. Năm 2018 này nhiều khả năng sẽ là chu kỳ của bệnh sởi bùng phát mạnh như thời điểm năm 2014. Tại thời điểm năm 2014, dịch bệnh sởi bùng phát trên cả nước khiến hơn 8.500 người mắc bệnh và 114 trẻ tử vong.
Tổ chức tiêm bổ sungvắcxin sởi
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp. Mọi người đều có thể bị mắc sởi và dễ lây lan thành dịch, đặc biệt ở trẻ em chưa được tiêm phòng đầy đủ.
Biểu hiện của bệnh là sốt, phát ban và viêm long đường hô hấp; có thể dẫn đến những biến chứng nặng như: Viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm não,... dễ dẫn đến tử vong.
Trước tình hình trên, bác sĩ Dũng cho biết hiện TP đang triển khai tiêm bổ sung vắc xin sởi tại các trạm y tế xã - phường. “Các gia đình có con dưới 5 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin sởi hoặc chưa rõ đã tiêm chủng hay chưa có thể liên hệ tại các trạm y tế xã - phường nơi cư ngụ để được tư vấn cụ thể”, ông Dũng nói.
Trung tâm y tế Dự phòng TP.HCM khuyên các cha mẹ không nên cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày, đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ; tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
Đặc biệt, nhà trẻ, mẫu giáo, trường học là nơi tập trung đông trẻ em nên cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.
Các gia đình cần chủ động đưa trẻ trong độ tuổi (9 tháng - 2 tuổi) chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin sởi, hoặc trẻ từ 1 - 14 tuổi tiêm vắc xin Sởi - Rubella đầy đủ và đúng lịch.
Hồ Quang