Hà Nội muốn bỏ hội đồng nhân dân cấp xã, phường, thị trấn
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 12:21, 01/10/2018
Ngày 1.10, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Hà Nội tổ chức Hội nghị lần thứ 15. Theo dự thảo Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP.Hà Nội, phương án 1 sẽ xây dựng mô hình tổ chức hai cấp chính quyền (cấp thành phố và cấp quận, huyện, thị xã); một cấp hành chính (tại xã, phường, thị trấn).
Đối với phương án này, ở cấp thành phố cơ bản giữ nguyên như hiện nay. Thành phố sẽ quyết định các cơ quan chuyên môn được quy định cứng và các cơ quan chuyên môn giữ ổn định hoặc hợp nhất, thí điểm hợp nhất. Đồng thời, sẽ tiếp tục điều chỉnh các chức năng, nhiệm vụ chồng chéo giữa các sở, các nhiệm vụ còn bỏ sót, chưa rõ trách nhiệm.
Đối với tổ chức chính quyền quận, huyện, thị xã cũng gần như giữ nguyên, gồm HĐND và UBND. Trong đó, HĐND sẽ bố trí số lượng đại biểu hợp lý, không nặng về cơ cấu, giảm số lượng thành viên UBND tham gia HĐND. Tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách, nhằm đảm bảo cho hoạt động giám sát, chất vấn của HĐND đối với hoạt động của UBND cấp huyện và UBND cấp xã.
UBND cấp quận, huyện, thị xã gồm Chủ tịch, 3 Phó Chủ tịch, một số ủy viên UBND (không bao gồm toàn bộ người đứng đầu các phòng, ban chuyên môn của UBND như hiện nay) và thực hiện 2 loại nhiệm vụ chính là thực thi các nhiệm vụ cụ thể của quản lý hành chính nhà nước, tập trung vào hướng dẫn và kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, văn hóa - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự xã hội… trên địa bàn; tổ chức cung ứng một số dịch vụ công theo phân cấp, ủy quyền của UBND thành phố.
Ở cấp phường, xã, thị trấn sẽ không tổ chức HĐND, chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế UBND phường, xã, thị trấn, gồm: Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch và ủy viên phụ trách quân sự, ủy viên phụ trách công an.
Ưu điểm của phương án này là tổ chức bộ máy gọn nhẹ hơn, hoạt động nhanh nhạy và thông suốt hơn (giảm khoảng 700 người là chủ tịch, phó chủ tịch HĐND xã, phường, thị trấn chuyên trách); đảm bảo tính kế thừa, giữ tương đối ổn định ở cấp quận, huyện, thị xã; tiết kiệm chi ngân sách trên 188 tỷ đồng mỗi năm… Tuy nhiên, phương án này chưa thực hiện triệt để yêu cầu về tinh gọn bộ máy, chưa thể hiện rõ nét mô hình tổ chức chính quyền đô thị.
Đối với phương án 2, dự thảo Đề án đề xuất xây dựng mô hình tổ chức một cấp chính quyền (Thành phố), 1 cấp hành chính (quận, huyện, thị xã) và 1 cơ quan hành chính đại diện (xã, phường, thị trấn). Theo đó, phương án này sẽ không tổ chức HĐND ở cả cấp quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn.
Bên cạnh đó, đề án cũng đề cập đến cơ chế phân cấp giữa Chính phủ, bộ, ngành Trung ương với chính quyền TP.Hà Nội. Theo đó, Thành phố tiếp tục đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đẩy mạnh phân cấp cho Hà Nội trên 8 lĩnh vực với 27 nội dung cụ thể.
Chính quyền Thành phố cũng sẽ thực hiện phân cấp cho chính quyền quận, huyện, thị xã trên các lĩnh vực: kế hoạch - đầu tư; xây dựng; đất đai; văn hóa; giáo dục - đào tạo; y tế và lĩnh vực lao động, thương binh, xã hội.
Đặc biệt, việc xây dựng thành phố thông minh sẽ gắn với thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP.Hà Nội, hướng đến 4 chủ thể chính của đô thị, gồm: Chính quyền, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội trên các nội dung về quản lý thông minh, xây dựng cộng đồng thông minh và người dân có thể tham gia vào công tác quản lý đô thị thông minh; khuyến khích nghiên cứu các ứng dụng thông minh, giải pháp thông minh trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội.
Theo đó, nếu thực hiện theo phương án 1, đề xuất sẽ thực hiện thí điểm việc không tổ chức HĐND tại phường trước từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026; sau đó sẽ thực hiện việc không tổ chức HĐND xã, thị trấn từ đầu nhiệm kỳ 2026-2031.
Nếu thực hiện theo phương án 2, đề xuất sẽ thực hiện thí điểm việc không tổ chức HĐND xã, phường, thị trấn từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026; sau đó sẽ thực hiện việc không tổ chức HĐND quận, huyện, thị xã từ đầu nhiệm kỳ 2026-2031.
Lam Thanh