Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: “Báo chí nên tự thay đổi để phát triển“
Chân dung và đối thoại - Ngày đăng : 16:04, 07/10/2015
Trước cuộc làm việc với lãnh đạo TP.HCM để nghe dự kiến kế hoạch quy hoạch báo chí của thành phố vào sáng mai 8.10, Thứ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn có cuộc trao đổi thẳng thắn nhiều nội dung, không chỉ là chuyện số phận của mỗi tờ báo sau quy hoạch.
Sau khi đoàn công tác của Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) làm việc với cơ quan chủ quản báo chí ở một số địa phương phía nam, Thứ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn khẳng định: “Những cơ quan báo chí nào đang phát triển tốt, có ảnh hưởng trong công chúng lớn thì cần có cơ chế để tạo điều kiện hơn nữa cho báo phát triển”.
-Sau khi bất ngờ công bố quy hoạch báo chí, dư luận có nhiều ý kiến khác nhau, kể cả công kích trực tiếp trên báo chính thống. Thứ trưởng có thể cho biết Bộ TT-TT sẽ tiếp thu những ý kiến này như thế nào?
-Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Tôi cho rằng việc công bố không có gì bất ngờ bởi quy hoạch đã được nghiên cứu, soạn thảo, trình qua các cấp xem xét nhiều năm nay.
Việc quy hoạch có nhiều ý kiến khác nhau là dấu hiệu tốt. Chúng tôi luôn lắng nghe mọi ý kiến góp ý, phản biện với tinh thần cầu thị và tôn trọng những góp ý mang tính xây dựng.
Chúng tôi có đọc loạt bài phản biện Thử phác họa diện mạo báo chí sau quy hoạch của một nhà báo đăng trên tờ báo thuộc Sở Công Thương TP.HCM.
Tôi xin nói ngay rằng ý kiến phản biện cần phải dựa vào nội dung chính xác của đề án quy hoạch, giống như nhà phê bình văn học muốn phê bình phải đọc tác phẩm hết sức kỹ lưỡng.
Diện mạo báo chí có giống như tác giả đó vẽ ra hay không phải căn cứ vào thực tế giống như phóng viên viết tin, bài phải đến hiện trường mới mô tả và bình luận chính xác.
Bộ TT-TT không áp đặt bằng mệnh lệnh
-Thưa thứ trưởng, nhưng nhiều tờ báo ở TP.HCM đang lo lắng về số phận của mình cũng như đội ngũ người lao động sau quy hoạch báo chí. Thứ trưởng có thể cho biết mức độ ảnh hưởng của quy hoạch đối với những tờ báo của thành phố?
-Thứ nhất, cần phải nhìn thấy những tiến bộ của đề án quy hoạch. Định hướng quy hoạch đã thể hiện rõ quan điểm là tạo mọi điều kiện để báo chí phát triển, căn cứ vào thực tiễn, có tính đến yếu tố đặc thù của các cơ quan.
Những cơ quan báo chí nào đang phát triển tốt, có ảnh hưởng trong công chúng lớn, ví dụ như báo Tuổi Trẻ TP.HCM, thì cần có cơ chế để tạo điều kiện hơn nữa cho báo phát triển.
Thứ hai, Bộ TT-TT không áp đặt quy hoạch bằng mệnh lệnh hành chính khi không đủ cơ sở.
Thứ ba, việc quy hoạch được thực hiện theo lộ trình rất thận trọng, vừa thống nhất với cơ quan chủ quản vừa làm thí điểm, rút kinh nghiệm và theo chỉ đạo về cách thức triển khai thực hiện quy hoạch báo chí, cần có sự thống nhất phương án sắp xếp giữa các cơ quan chủ quản báo chí với Bộ TT-TT (cơ quan quản lý nhà nước về báo chí), bảo đảm hài hòa, không gây xáo trộn xã hội.
Như tôi từng phát biểu ngay sau khi công bố quy hoạch, báo chí TP.HCM có đặc thù. Ngày 8.10, Bộ TT-TT sẽ có cuộc làm việc với lãnh đạo TP.HCM để nghe dự kiến kế hoạch quy hoạch báo chí của thành phố và tiếp thu ý kiến góp ý.
Chúng tôi ghi nhận mọi ý kiến góp ý để áp dụng quy hoạch một cách khoa học, đảm bảo sự phát triển của các cơ quan báo chí thành phố. Việc tờ này tờ kia bị “xóa sổ”, “hàng ngàn nhà báo thất nghiệp” là không chính xác.
Báo chí của TP.HCM rất mạnh trong thời kỳ báo in phát triển nhưng nay xu hướng độc giả đã khác, nhiều cơ quan báo chí ở đây vẫn loay hoay tìm lối thoát và phát triển báo điện tử phần lớn phải dựa vào nền tảng công nghệ của người khác.
Thay vì băn khoăn “tồn tại hay không tồn tại” sau quy hoạch báo chí, gây hoang mang cho đội ngũ làm báo, các cơ quan báo chí ở TP.HCM nên băn khoăn là làm thế nào tồn tại và phát triển trước xu hướng báo điện tử và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ.
Phải chăng báo chí đang tảng lờ giá trị tốt đẹp?
-Hiện nay, báo chí đang đứng trước nhiều vấn đề thay đổi như vậy, theo ông, cần ưu tiên giải quyết vấn đề nào trước?
-Trước thực tế tác động của truyền thông xã hội, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, sự thay đổi trong nhu cầu và cách thức thụ hưởng thông tin của người dân, nhiều cơ quan báo chí đã có sự đổi mới để thích nghi và phát triển, nhưng cũng không ít cơ quan báo chí hoạt động yếu kém, loay hoay tồn tại.
Vấn đề tái cơ cấu được đặt ra là làm sao để tạo điều kiện cho báo chí đứng vững, ngày càng phát triển, cơ quan báo chí nào yếu kém thì phải nỗ lực đổi mới, chấp nhận sự thay đổi.
Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là không ít tờ báo đang mất dần bản sắc vì chạy theo mạng xã hội, thiếu tính nhân văn và trách nhiệm đối với cộng đồng.
Chúng tôi từng thống kê vụ án giết người ở Bình Phước có hàng ngàn bản tin; vụ chặt cây xanh tại Hà Nội, vụ vỡ đường ống dẫn nước ở Hà Nội... cũng có hàng trăm tin, bài. Nhiều tờ báo dường như chỉ tập trung khai thác những sai sót của chính quyền các cấp và các loại tin tội ác.
Trách nhiệm công dân của nhà báo, trách nhiệm xã hội của cơ quan báo chí ở đâu? Phải chăng báo chí đang tảng lờ thành tựu của các địa phương, đơn vị; phớt lờ những giá trị tốt đẹp của đời sống xã hội.
Tôi xem đi xem lại phim hoạt hình ngắn Father and daughter dài 8 phút của đạo diễn Michael Dudok de Wit trên YouTube, lần nào cũng xúc động, rất nhiều người xem. Chứng tỏ điều hay lẽ phải không phải không thu hút được độc giả.
Nội dung những câu chuyện nhân văn như vậy thật hiếm hoi trên báo chí hiện nay. Tôi hy vọng các cơ quan báo chí, các nhà báo nên tự thay đổi chính mình một cách sâu sắc để phát triển trong thời gian tới.
Theo VNN