Mỹ điều B-52 bay qua Biển Đông và biển Hoa Đông
Quốc tế - Ngày đăng : 10:50, 27/09/2018
Theo người phát ngôn Dave Eastburn của Lầu Năm Góc, B-52 vào tối ngày 25.9 “đã tham gia một hoạt động được lên kế hoạch định kỳ trên biển Hoa Đông”. Chiến đấu cơ Nhật Bản hộ tống máy bay ném bom Mỹ và đây là một phần trong chính sách đảm bảo hiện diện liên tục trong khu vực.
Ông Eastburn còn cho biết B-52 bay qua “không phận quốc tế trên Biển Đông” trong tuần trước.
Những chuyến bay như vậy thường khiến Bắc Kinh tức giận. Sau khi B-52 Mỹ bay gần khu vực tranh chấp trên Biển Đông tháng 6 vừa qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo không tàu hay máy bay quân sự nào có thể chùn bước trong quyết tâm bảo vệ “lãnh thổ” của mình.
Trung Quốc với tuyên bố chủ quyền vô lý đã chiếm đóng và tiến hành xây dựng phi pháp trên nhiều thực thể địa lý trên Biển Đông, biến chúng thành cơ sở quân sự. Các quốc gia khác trong đó có Mỹ đều tỏ ý lo ngại. Mỹ thường xuyên thực hiện nhiều hoạt động nhằm thể hiện quyền tự do hàng hải tại đây.
Căng thẳng Mỹ - Trung đang tăng cao trong nhiều lĩnh vực từ kinh tế đến quân sự. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đến nay đã tiến hành 3 đợt đánh thuế hàng hóa của nhau.
Hôm 20.9, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố lệnh trừng phạt với Bộ Phát triển trang bị (EDD) trực thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc cùng người đứng đầu cơ quan này là trung tướng Lý Thượng Phúc do đã mua vũ khí Nga. Cường quốc châu Á lập ứng phản đối bằng biện pháp ngoại giao bao gồm triệu tập Đại sứ Mỹ Terry Branstad, triệu hồi Tư lệnh hải quân Thẩm Kim Long đang ở Mỹ dự một diễn đàn an ninh hàng hải quốc tế, đình chỉ đối thoại quân sự song phương và mới đây nhất là từ chối cho tàu đổ bộ tấn công USS Wasp ghé thăm Hồng Kông.
Tuy vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định ông không lo hoạt động của B-52 sẽ làm cho căng thẳng leo thang.
“Nếu là 20 năm trước và họ không quân sự hóa những thực thể ngoài kia, thì việc này chỉ giống một máy bay ném bom khác đang trên đường đến Diego Garcia hay bất kỳ nơi nào đó. Vì vậy không có gì bất thường cả. Chúng tôi chỉ đi qua địa điểm mà chúng tôi định kỳ đi qua”, theo Bộ trưởng Mattis.
Không chỉ có Mỹ, một số nước khác cũng có hoạt động thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc. Chiến hạm HMS Argyll của Anh dự kiến đi đến Biển Đông và Đông Á trong thời gian sắp tới.
Trước khi đến, HMS Argyll ngày 26.9 đã tập trận với tàu sân bay trực thăng Kaga của Nhật tại Ấn Độ Dương. Các tàu luyện tập triển khai đội hình gần những tuyến đường thương mại biển.
Kenji Sakaguchi, chỉ huy Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (MSDF) của nhóm tác chiến tàu Kaga, phát biểu: “Chúng tôi có quan hệ truyền thống với hải quân Anh. Cả hai đều là đồng minh của Mỹ. Những cuộc tập trận này là cơ hội để tăng cường hợp tác”.
Ông Sakaguchi còn khẳng định sự hiện diện thường xuyên hơn của hải quân Anh trong khu vực sẽ tạo điều kiện cho hai nước có nhiều cuộc tập trận chung hơn.
Tàu ngầm Kuroshio cùng hai tàu chiến khác của Nhật vừa tập trận trên Biển Đông vào ngày 13.9. Trước đó, tàu đổ bộ HMS Albion của Anh đã tiến hành hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông.
Cẩm Bình (theo SCMP, Reuters)