Viêm Amidan: Căn bệnh thường gặp ở trẻ em và cách điều trị
Thông tin Y học - Ngày đăng : 19:30, 25/09/2018
Nằm ở phía cuối cuống họng, amidan có nhiệm vụ ngăn chặn các tác nhân gây nhiễm trùng xâm nhập vào cơ thể. Bộ phận này hoạt động như một chiếc bẫy tiêu diệt những vi khuẩn xâm nhập từ mũi và miệng. Khi amidan bị viêm, các vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập vào cơ thể thông qua con đường này.
Viêm amidan là một trong những bệnh phổ biến nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên. Tuy nhiên, bệnh rất dễ bị nhầm lẫn sang cảm cúm thông thường. Viêm amidan được chia thành 2 thể, đó là viêm amidan cấp tính và viêm amidan mạn tính, quá phát. Viêm amidan cấp tính nếu không được chữa trị kịp thời sẽ tiến triển thành viêm amidan mạn tính, trong đó viêm amidan hốc mủ là một dạng của viêm amidan mạn tính thường hay gặp.
Chị Trần Thị Thúy ở Hà Nội cho biết, con gái chị mới 4 tuổi thường hay bị viêm họng do thời tiết thay đổi. Đặc biệt mới đây khi con chị đi du lịch cùng gia đình đã bị sốt cao, họng đau rát, không ăn được. Chính vì vậy, chị đang tìm hiểu việc cắt amidan cho con. “Ngày nhỏ, chúng tôi ai cũng được bố mẹ cho đi cắt amidan. Tôi nghĩ đứa trẻ nào cũng nên cắt” - chị Thúy nói.
Chia sẻ với phóng viên về những trường hợp mà trẻ con thường hay nhiễm bệnh do chênh lệch nhiệt độ, hoặc do nhiễm lạnh.PGS. TS Nguyễn Thị Hoài An - Giám đốc Bệnh viện An Việt - Nguyên Trưởng khoa Tai mũi họng nhi bệnh viện Tai mũi họng TW cho biết viêm amidan thường bị nhầm lẫn với cảm cúm do triệu chứng của chúng khá giống nhau.Viêm amidan vốn là bệnh khá phổ biến ở trẻ nhỏ, do virus, điều kiện thời tiết tiêu cực, môi trường ô nhiễm... gây ra. Bệnh vốn không khó để điều trị nhưng việc để lâu khiến bệnh thành mãn tính.
Việc cắt amidan không nguy hiểm như nhiều người vẫn nghĩ nên hiện nay rất nhiều gia đình đã chọn việc cắt amidan cho con để chấm dứt tình trạng ốm, sốt
Nhiều phụ huynh cũng chủ quan, sai lầm khi tự ý cho trẻ uống thuốc, việc bác sĩ chỉ nhìn triệu chứng để bán thuốc mà không thăm khám khiến cho việc điều trị không hiệu quả, thậm chí ảnh hưởng tới trẻ.
Theo PGS.TS Hoài An, việc điều trị viêm amidan không tốt không chỉ khiến bệnh thành mãn tính mà con có thể gây nhiều biến chứng khác như viêmáp xe quanh amidan, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm thanh - khí - quản, hay thậm chí biến chứng xa có thể là viêm cơ tim, viêm cầu thận... Chính vì vậy, để tránh những biến chứng cho trẻ khi bị viêm amidan cần đưa trẻ tới các các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được điều trị dứt điểm.
Trẻ có nên cắt amidan hay không?
Nói về việc có nên cắt amidan cho trẻ nhỏ hay không, bác sĩ Hoài Angiải thích, amidan là một trong những bộ phận bảo vệ cơ thể, nếu nó không bị “bệnh” thì không nên cắt, nhưng nếu nó viêm đi viêm lại nhiều lần (5 lần/ năm), gây sốt liên tục, làm suy giảm sức đề kháng của trẻ thì không cần thiết giữ lại, phải loại bỏ ngay. Nếu amidan tái phát nhiều lần, cơ thể sẽ hình thành các kháng thể và những kháng thể này chạy đến máu, tích tụ lại trong các khớp ở tim, thận, gây ra những biến chứng như tiểu ra máu, viêm cầu thận cấp, hở van tim, suy tim, thấp khớp... rất nguy hiểm.
PGS.TS HoàiAn cho biết, hiện tùy trường hợp bác sĩ có thể chỉ định cắt amidan cho trẻ hay không. Với một số trường hợp, các bác sĩ sẽ chỉ định cắt amidan. Hiện nay, có phương pháp plasma được áp dụng cho việc này với những ưu điểm hơn so với các phương pháp cũ như an toàn hơn, tiết kiệm thời gian, phục hồi nhanh...
Amidan là 2 trong 6 thành phần của vòng bạch huyết Waldayer, không phải cơ quan duy nhất thực hiện chức năng sản sinh miễn dịch giúp cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp. Vì vẫn có tổ chức tương tự đảm đương cùng nhiệm vụ nên việc nạo VA hoặc cắt amidan không ảnh hưởng quá nhiều đến khả năng chống nhiễm trùng của trẻ.
Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp viêm VA hay viêm amidan đều phải phẫu thuật cắt bỏ. “Viêm VA và viêm Amidan không biến chứng ở trẻ em là quá trình có lợi cho cơ thể vì giúp hình thành miễn dịch, chúng chỉ trở thành bệnh lý khi tái phát thường xuyên hoặc có biến chứng, nhất là biến chứng viêm tai giữa” - bác sĩ An cho hay.
Trẻ nhỏ khi thực cắt amidan cần lưu ý nhữngđiểm sau: Có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, không nên nói chuyện ngay, vì nói chuyện sẽ khiến cho vết thương bị ảnh hưởng từ ngày thứ 2 trở đi bệnh nhân có thể bắt đầu tập nói dần.
Phụ huynh cần chú ý vệ sinh sạch sẽ miệng để tránh gây nên bệnh viêm họng sau khi cắt viêm amidan vì vi khuẩn có thể tấn công gây nhiễm trùng vùng họng bất kỳ lúc nào. Cho trẻ em ăn những thức ăn mềm như (khoai tây luộc, khoai lang, cà rốt luộc), cháo, súp, bún, phở, không ăn thức ăn quá cay, nóng, lạnh hay thức ăn nhiều dầu mỡ, nước chứa cồn, ga, chất gây nghiện như cà phê. Nước lọc, sữa tươi, sữa chua, nước ép trái cây rất tốt cho người vừa phẫu thuật amidan.
Để phòng viêm amidan, phụ huynh phải vệ sinh răng miệng sạch sẽ cho trẻ bằng cách đánh răng hàng ngày, hoặc súc họng bằng nước muối nhạt trước khi đánh răng. Nếu đã, đang bị viêm họng, viêm amidan, cần điều trị tích cực, đúng, không dùng kháng sinh một cách tùy tiện. Khi ra đường cần đeo khẩu trang để tránh bụi vì trong bụi có vô số vi sinh vật gây bệnh, chưa kể còn có chất độc hại cho đường hô hấp, nhất là vùng có không khí ô nhiễm.
Dạ Thảo